|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗi khổ của các phú nhị đại Trung Quốc: Sống dưới cái bóng cha mẹ, tiếp quản sản nghiệp đúng lúc kinh tế khó khăn

15:45 | 18/11/2024
Chia sẻ
Khi các doanh nhân thế hệ đầu tiên của Trung Quốc bước vào tuổi xế chiều, doanh nghiệp của họ phải vật lộn với những câu hỏi phức tạp về người kế nhiệm và môi trường kinh doanh mới.

(Hình minh họa: SCMP). 

Người thiếu tài năng, kẻ tìm con đường riêng

Ông Zong Qinghou - vị doanh nhân từng một thời là người giàu nhất Trung Quốc - qua đời vào tháng 2/2024. Ngay sau đó, một cuộc chiến đã nổ ra để giành lấy tập đoàn Hangzhou Wahaha mà ông thành lập. Các tình tiết của cuộc chiến ly kỳ và gay gấn không kém gì phim Hollywood.

Là người con duy nhất của ông Zong, bà Kelly Zong Fuli thừa kế toàn bộ gia sản hàng tỷ USD mà cha để lại và trở thành người phụ nữ giàu nhất Trung Quốc chỉ sau một đêm. Song, việc giành lấy quyền kiểm soát đế chế thực phẩm và đồ uống khổng lồ Wahaha khó khăn và phức tạp hơn nhiều.

Bà Kelly Zong đối mặt với thách thức từ các phe phái khác trong nội bộ Wahaha và cuộc tranh đấu giữa các bên liên tục xảy ra bước ngoặt khiến công chúng dò đoán suốt nhiều tuần, theo tờ South China Morning Post (SCMP). 

Wahaha chỉ là một trong số nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đang đối mặt với khủng hoảng người thừa kế. Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc đã tuổi cao sức yếu, con cái của họ giờ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn là tiếp quản công việc của cha mẹ, tức điều hành những doanh nghiệp thành công nhất ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Trong giai đoạn 2017 - 2022, khoảng 75% công ty gia đình tại Trung Quốc cho biết họ gặp vấn đề thừa kế, theo các khảo sát từ Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Toàn Trung Quốc. Trong số đó có rất nhiều doanh nghiệp bề thế bậc nhất Trung Quốc.

Kết quả là công chúng và giới đầu tư đang chú ý sát sao đến con cái của những nhà sáng lập có tiếng. Trong nhiều trường hợp, họ được coi là người thừa kế chính thống của doanh nghiệp bởi văn hóa Trung Quốc coi trọng truyền thống cha truyền con nối.

 

Tuy nhiên trên thực tế, những “người thừa kế sáng giá” như bà Kelly Zong đều phải đối mặt với những rào cản lớn nếu muốn nối nghiệp gia đình. Họ phải khổ công để giành được sự tin tưởng của nhà đầu tư và các giám đốc doanh nghiệp, đồng thời phát triển chiến lược để dẫn dắt công ty vượt qua giai đoạn nhạy cảm của nền kinh tế Trung Quốc.  

Trong trường hợp của bà Kelly Zong, cha bà từ lâu đã không còn là chủ sở hữu đa số của tập đoàn, với lượng cổ phần chỉ còn khoảng 29,4%. Dù bà được thừa kế toàn bộ cổ phiếu của cha, con số này vẫn cách xa ngưỡng 51% cần thiết để kiểm soát và quản lý Wahaha.

Cục diện đó đã dẫn đến tình thế bế tắc giữa bà và các cổ đông lớn khác của tập đoàn. Có lúc bà phải từ chức tổng giám đốc, sau đó lại được tái bổ nhiệm ngay trong tuần đó.

Nhiều doanh nhân thế hệ hai của Trung Quốc cũng đối mặt với vô số khó khăn khi cố gắng chứng tỏ bản thân dưới cái nhìn khắt khe của công chúng.

Ông He Jianfeng, con trai của ông He Xiangjian - nhà sáng lập công ty thiết bị Midea - cố gắng tự tạo con đường riêng bằng cách mở một công ty đầu tư. Nhưng quy mô công ty nhỏ hơn nhiều Midea với vốn hóa khoảng 59 tỷ USD.

Do ông He Xiangjian đã ngoài 80 tuổi, lo ngại về tương lai của Midea ngày càng gia tăng. Cậu con trai He Xiangjian đã bị loại khỏi HĐQT công ty vào tháng 6 năm nay và đang gánh một số khoản lỗ lớn trong việc đầu tư.

Ông Vương Tư Thông, con trai duy nhất của trùm bất động sản Vương Kiện Lâm, cũng gặp phải trở ngại khi đi trên con đường riêng. Thông qua công ty đầu tư tư nhân Prometheus Capital, phú nhị đại nổi tiếng đã đầu tư hơn 3 tỷ nhân dân tệ vào các lĩnh vực mới nổi như esport và livestream, giúp anh được nhiều người trẻ hâm mộ.

Tuy nhiên, một chuỗi các vụ phá sản đã đẩy Prometheus Capital vào khủng hoảng nợ nần trong năm 2020, khiến nhiều người hoài nghi về năng lực kinh doanh của quý tử nhà họ Vương. 

Thời thế đã khác

Thế hệ doanh nhân đầu tiên của Trung Quốc thường lớn lên trong cảnh nghèo khó và xây dựng công ty bằng hai bàn tay trắng. Do đó họ dành rất nhiều tâm huyết và tình yêu cho “đứa con tinh thần”.

Tuy nhiên, con đẻ của các nhà tài phiệt có cuộc sống thoải mái hơn nhiều. Ông Chen Gong, nhà sáng lập của viện chính sách Anbound, cho biết trong một số trường hợp, người thừa kế còn ngần ngại không muốn tiếp quản việc gia đình.

Anh Easton Li, 28 tuổi, chưa bao giờ có hứng thú với công ty du lịch văn hóa của cha. Thời cấp ba, anh ra nước ngoài du học và mơ mộng trở thành rapper. Anh bắt đầu làm việc tại công ty gia đình vào năm 2020, quản lý việc tài chính khi bệnh thận của cha trở nặng.

Hai năm sau, anh Li trở thành tổng giám đốc của công ty có doanh thu hàng triệu nhân dân tệ mỗi năm, đúng lúc đại dịch COVID-19 giáng đòn mạnh vào ngành du lịch. Và nền kinh tế Trung Quốc nói chung cũng giảm tốc vì khủng hoảng bất động sản.

Li nhận thấy sự khác biệt lớn nhất giữa hiện nay và thời của cha anh là việc tiếp cận thông tin đã trở nên quá dễ dàng. Anh giải thích: “Trước kia, chỉ cần bạn có thông tin mà người khác không có là đã có thể kiếm ra tiền. Nhưng ngày nay, cơ hội có vẻ rất hạn chế, đặc biệt là trong ngành kinh tế thực”.

Ông Chen của Anbound nhận xét thành công của thế hệ doanh nhân đầu tiên đến từ các cơ hội dồi dào của thời đại đổi mới. Nhưng trong môi trường khó đoán định như hiện nay, thế hệ thứ hai - vốn quen cuộc sống thoải mái - chưa chắc đã vượt qua được các “cơn bão” như cha mẹ họ.

Ngoài quá trình chuyển giao quyền lực phức tạp, thế hệ doanh nhân thứ hai còn phải xoay xở với môi trường kinh doanh hoàn toàn mới do tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại và các quy định quản lý bị siết chặt.

Giang