|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Kinh doanh

Nỗi hối tiếc của cựu chủ tịch Nissan sau khi từ chối đề nghị của chính quyền Obama

07:39 | 09/01/2020
Chia sẻ
Ông Carlos Ghosn, cựu chủ tịch hãng xe hơi Nissan, khẳng định ông không thực hiện bất kì hành vi sai trái nào trong thời kì dẫn dắt tập đoàn, song thừa nhận ông đã mắc ít nhất một sai lầm trong sự nghiệp lừng lẫy.

Phát biểu tại cuộc họp báo trong hơn hai giờ ở Lebanon hôm 8/1, Ghosn nói ông cảm thấy hối tiếc vì đã từ chối lời đề nghị ông dẫn dắt tập đoàn General Motors mà chính quyền tổng thống Barack Obama đưa ra vào năm 2009, theo CNBC.

Lời đề nghị Ghosn điều hành General Motors là một trong những nỗ lực của chính quyền Obama nhằm cứu ngành xe hơi Mỹ hồi ấy. Nếu Ghosn nhận chèo lái General Motors,  mức lương của ông sẽ cao gấp đôi so với mức lương mà Nissan trả ông.

"Tôi từng mắc sai lầm và hôm nay tôi thừa nhận điều đó. Lẽ ra tôi nên chấp nhận lời đề nghị của chính quyền Obama, nhưng hồi đó tôi có niềm tin của bản thân", ông nói.

Những điểm chính trong nội dung mà ông Carlos Ghosn trình bày trong cuộc họp báo hơn hai giờ ở Lebanon hôm 8/1. Video: CNBC

Steven Rattner, người từng lãnh đạo chương trình cứu trợ ngành xe hơi Mỹ của chính quyền Obama, từng kể trong cuốn hồi kí "Overhaul" mà ông công bố vào năm 2010, rằng ông từng đề nghị Ghosn ngồi vào ghế điều hành hãng xe hơi lớn nhất nước Mỹ sau khi General Motors nộp đơn xin phá sản.

Ghosn kể rằng Rattner đưa ra mức lương cao gấp đôi mức lương ở Nissan nếu ông dẫn dắt General Motors. Tuy nhiên, Ghosn vẫn muốn tiếp tục điều hành liên minh xe hơi Nissan-Renault-Mitsubishi. 

"Câu chuyện cho thấy lời cáo buộc nhằm vào tôi không công bằng. Tôi không phải là một kẻ độc tài lạnh lùng và tham lam như giới truyền thông Nhật Bản mô tả. Một gã tham sẽ nói: Xin lỗi, đây là kinh doanh và tôi sẽ dẫn dắt General Motors vì lợi ích của tôi", ông nói.

Song, theo cựu chủ tịch Nissan, ông từ chối lời đề nghị hấp dẫn vì "thuyền trưởng không thể bỏ tàu khi nó cần người chèo lái".

Rattner viết trong hồi kí rằng ông biết khả năng Ghosn chấp nhận lời đề nghị rất thấp và ông không ngạc nhiên khi Ghosn do dự.

Cựu chủ tịch Nissan đang chờ phiên xét xử ở Nhật Bản sau khi cảnh sát bắt ông vào tháng 11/2018 với cáo buộc gian lận tài chính và sử dụng sai mục đích các nguồn lực của Nissan cho mục đích cá nhân. 

Nỗi hối tiếc của cựu chủ tịch Nissan sau khi từ chối đề nghị của chính quyền Obama - Ảnh 2.

Ông Carlos Ghosn phê phán hệ thống tư pháp Nhật Bản trong cuộc họp báo ở Lebanon hôm 8/1. Ảnh: CNN

Hành trình tẩu thoát khỏi Nhật Bản của ông diễn ra giống như một phim hành động. Từ Osaka, ông tới Lebanon, nơi ông có quốc tịch.

Trong cuộc họp báo, Ghosn cũng kể về những cuộc đàm phán với hãng xe Fiat Chrysler để gia nhập liên minh xe hơi toàn cầu. 

Sau khi cảnh sát bắt Ghosn, nỗ lực đàm phán đã ngừng. Sau đó, Fiat Chrysler đã sáp nhập với hãng PSA Group (Pháp) - một đối thủ lớn của hãng Renault. Hai bên kí thỏa thuận sáp nhập hồi tháng trước.

"Đó là một thỏa thuận không thể tin nổi. Tại sao bạn có thể mất cơ hội trở thành thế lực thống trị ngành xe hơi?", Ghosn bình luận về vụ sáp nhập, đồng thời thổ lộ rằng ông có tầm nhìn rõ ràng với liên minh xe hơi mà ông muốn tạo dựng.

Hồi tháng 6 năm ngoái, giới truyền thông đưa tin Fiat Chrysler không thể sáp nhập với Renault do sự quan ngại của chính phủ Pháp.

Nhạc Phong