Nợ toàn cầu đang trở lại xu hướng tăng
Theo bản cập nhật mới nhất của Cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu (Global Debt Database), gánh nặng nợ toàn cầu đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp, mặc dù vẫn ở trên mức cao trước đại dịch. Tổng nợ ở mức 238% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của thế giới vào năm 2022, cao hơn 9 điểm phần trăm so với năm 2019. Tính theo tỷ giá USD, khoản nợ lên tới 235.000 tỷ USD.
Các nhà hoạch định chính sách sẽ cần phải kiên định trong vài năm tới trong cam kết duy trì tính bền vững của nợ. Bất chấp sự phục hồi tăng trưởng kinh tế từ năm 2020 và lạm phát cao hơn nhiều so với dự kiến, nợ công vẫn ở mức cao.
Thâm hụt tài khóa khiến mức nợ công tăng cao, do nhiều chính phủ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với tình trạng giá lương thực và năng lượng tăng vọt ngay cả khi họ chấm dứt hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch.
Những tác nhân chính gây ra xu hướng nợ
Trước đại dịch, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu đã tăng trong nhiều thập niên. Nợ công toàn cầu đã tăng gấp ba lần kể từ giữa những năm 1970, đạt 92% GDP (hoặc hơn 91.000 tỷ USD) vào cuối năm 2022. Nợ tư nhân cũng tăng gấp ba lần lên 146% GDP (hoặc gần 144.000 tỷ USD), nhưng trong khoảng thời gian dài hơn từ năm 1960 đến năm 2022.
Nợ ở các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng tăng đáng kể trong hai thập kỷ qua, mặc dù từ mức ban đầu thấp hơn. Ngay cả khi mức nợ của họ, đặc biệt là nợ tư nhân, vẫn ở mức trung bình tương đối thấp so với các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, tốc độ gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra những thách thức và điểm yếu. Hơn một nửa số quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đang có nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao và khoảng 20% các thị trường mới nổi có giao dịch trái phiếu chính phủ ở mức khó khăn.
Phương thức giải quyết các lỗ hổng nợ
Các chính phủ nên thực hiện các bước khẩn cấp để giúp giảm thiểu rủi ro nợ và đảo ngược xu hướng nợ dài hạn. Đối với nợ của khu vực tư nhân, những chính sách đó có thể bao gồm việc giám sát thận trọng gánh nặng nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính cũng như các rủi ro ổn định tài chính liên quan.
Đối với các lỗ hổng nợ công, việc xây dựng khung tài chính đáng tin cậy có thể hướng dẫn quá trình cân bằng nhu cầu chi tiêu với tính bền vững của nợ. Đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp, việc cải thiện khả năng thu thêm nguồn thu từ thuế là vấn đề then chốt.
Điều quan trọng là giảm gánh nặng nợ sẽ tạo ra không gian tài chính và cho phép đầu tư mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Những cải cách đối với thị trường lao động và sản phẩm nhằm tăng sản lượng tiềm năng ở cấp quốc gia sẽ hỗ trợ mục tiêu đó. Hợp tác quốc tế về thuế, bao gồm cả thuế carbon, có thể làm giảm bớt áp lực lên tài chính công.