|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗ lực vượt đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long (Kì 2)

14:37 | 15/05/2020
Chia sẻ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khó khăn, các địa phương đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp công trình, phi công trình nhằm hỗ trợ người dân vượt qua những thách thức do thiên tai mang tới.
Nỗ lực vượt đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long (Kì 2) - Ảnh 1.

Chuyển đổi mô hình từ trồng lúa sang trồng dừa để thích ứng hạn, mặn tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Kỳ 2: Niềm tin khắc phục thiên tai hạn, mặn

Triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH), đặc biệt ứng phó với mùa hạn, mặn năm nay, các địa phương cùng người dân đã linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ… đạt hiệu quả.

Nhiều địa phương phát huy được vai trò điều tiết nước các công trình thủy lợi giúp người dân củng cố niềm tin khắc phục được thiên tai hạn, mặn.

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Theo thống kê của Cục trồng trọt, vụ Đông Xuân 2019 – 2020, nông dân khu vực ĐBSCL đã chuyển đổi cây trồng trên đất lúa ước đạt 41,2 nghìn ha. Trong đó, chuyển đổi cây hằng năm như: Ngô, lạc, đậu tương, vừng, rau đậu các loại… là 32,6 nghìn ha. 

Phần diện tích còn lại được nông dân chuyển đổi sang cây ăn quả như: cam, bưởi, quýt, nhãn, xoài, thanh long, sầu riêng, chanh… đang có xu hướng tăng mạnh do hiệu quả kinh tế cao. Việc chuyển đổi cây trồng trên đất lúa sẽ làm giảm khoảng 50% nhu cầu lượng nước tưới cho sản xuất lúa và làm giảm đáng kể chi phí xăng dầu bơm tưới, công lao động.

Ông Nguyễn Thanh Truyền, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An cho biết: Sau trận hạn, mặn lịch sử năm 2016, nhiều nông dân tiên tiến ở Long An đã chọn cho mình giải pháp sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu là chuyển đổi cây trồng và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như: công nghệ tưới phun tiết kiệm, tưới nhỏ giọt; áp dụng công nghệ thông minh trong sản xuất lúa; trồng rau trong nhà lưới… đã đạt được kết quả cao ngay trong mùa hạn mặn 2020. 

Cụ thể, trong mùa hạn, mặn 2020 đã và đang diễn biến gay gắt, nhưng gần 6.000 ha rau màu các loại trên địa bàn tỉnh Long An vẫn đang xanh tươi, bán được giá cao. Đặc biệt là mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao là chìa khóa thay đổi tư duy sản xuất của nhà nông.

Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương, việc nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như: nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu gieo cấy, bón phân, phun thuốc, thu hoạch, sử dụng phân hữu cơ thay thế dần phân hóa học… và sản xuất theo chuỗi thực phẩm an toàn, nhiều hợp đồng cung ứng sản phẩm sạch đã mang lại hiệu quả kinh tế cao trên từng đơn vị diện tích, đời sống nông hộ tăng cao.

Điển hình như Hợp tác xã rau an toàn Phước Hòa, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Thuận Giàu và Hợp tác xã rau an toàn Mười Hai đang sản xuất theo chuỗi rau an toàn theo tiểu chuẩn Viet GAP, mỗi năm cung ứng cho thị trường TP Hồ Chí Minh với tổng doanh thu gần 25 tỷ đồng/năm, lợi nhuận sau thuế hơn 2,5 tỷ đồng/năm.

Nỗ lực vượt đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long (Kì 2) - Ảnh 2.

Trồng rau mô hình công nghệ cao giúp nông dân tránh hạn, mặn cho thu nhập tốt ở huyện Cần Giuộc (Long An).

Trong những năm qua, tỉnh Bến Tre đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Bùi Văn Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, ngành nông nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh quy hoạch cấp nước, quy hoạch nuôi trồng thủy sản, quy hoạch sử dụng đất trong tích hợp cùng quy hoạch của tỉnh.

Đồng thời, ngành nông nghiệp sắp xếp, triển khai quy hoạch ở ba vùng sinh thái gồm: mặn, lợ, ngọt. Hiện, diện tích canh tác lúa trên địa bàn tỉnh giảm 10 nghìn ha để chuyển sang nuôi thủy sản ở vùng mặn, trồng các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn như: dừa, cây ăn trái, rau màu, cỏ phục vụ chăn nuôi và đất phi nông nghiệp; giảm nhanh diện tích trồng mía từ 2,1 nghìn ha vào năm 2015 xuống còn gần 700 ha; diện tích dừa từ 68 nghìn ha lên 72 nghìn ha; diện tích cây ăn trái cũng tăng từ 27 nghìn ha lên hơn 28 nghìn ha. Qua đó, giúp sản xuất nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững.

Theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, trong thời gian qua, lãnh đạo tỉnh luôn nhất quán trong nhận thức và lãnh đạo thực hiện công tác ứng phó với BĐKH, đồng thời xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, bảo đảm cho phát triển bền vững của địa phương.

Trong đó, tỉnh Bến Tre đã nghiên cứu, ứng dụng các bài học kinh nghiệm trong thực tiễn để thay đổi tư duy sản xuất, chuyển từ phát triển theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng với chiều sâu, từng bước hình thành và phát triển các mô hình sản xuất, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH, điển hình như: Mô hình canh tác lúa chịu mặn; Mô hình tôm - lúa; Mô hình nuôi tôm hai giai đoạn; Mô hình thâm canh bưởi da xanh theo hướng thích ứng với BĐKH, phòng chống hạn, mặn; Chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng các cây có giá trị kinh tế cao; mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm.

Lên kế hoạch trữ ngọt, điều tiết nước

Trước diễn biến của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, ngoài các giải pháp phi công trình thì giải pháp công trình cho việc ngăn, mặn trữ ngọt, tạo nguồn dẫn nước ngọt phục vụ sản xuất có ý nghĩa rất quan trọng, phát huy được hiệu quả. 

Điển hình như công trình thủy lợi Phước Hòa nằm trên địa bàn huyện Đức Hòa, tỉnh Long An là một minh chứng. Ngay trong mùa khô hạn 2020, nếu như nhiều địa phương ở khu vực ĐBSCL nói chung, đang phải gồng mình chống hạn thì ngay trên vùng thượng huyện Đức Hòa (tỉnh Long An), người dân vẫn tăng gia sản xuất và đang thu về lợi nhuận rất cao hơn 100 triệu đồng/ha/vụ trong ba tháng sản xuất mùa khô hạn.

Cách đây ba năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng xây dựng hệ thống thủy lợi Phước Hòa để dẫn nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng (tỉnh Tây Ninh) về phục vụ sản xuất nông nghiệp và chăn nuôi vùng thượng huyện Đức Hòa. 

Hệ thống các công trình thủy lợi khu tưới Phước Hòa đi qua địa bàn 11 xã với 126 tuyến kênh cấp 1, 2 và 3 có tổng chiều dài hơn 182 km để phục vụ tưới hơn cho hơn 10.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, bổ sung cho nguồn nước tầng nông, cấp nước cho nhà máy nước Phú Mỹ Vinh và cấp nước thô cho công nghiệp ở huyện Đức Hòa.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Hòa - Nguyễn Minh Trung cho biết: “Công trình đưa vào sử dụng đã bảo đảm tưới cho hơn 4.200 ha, trong đó tưới thông qua bơm chuyền hơn 1.700 ha, diện tích tạo nguồn hơn 270 ha, khả năng tưới trực tiếp từ hệ thống kênh do nhà nước đầu tư khoảng 39,5%. 

Sau khi công trình đưa vào sử dụng, UBND huyện đã triển khai thực hiện mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao dọc theo hệ thống thủy lợi. Hiện tại các mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao dọc theo hệ thống thủy lợi này rất hiệu quả vì nguồn nước ngọt dồi dào, không lo khô hạn. Tất cả những hộ dân hưởng lợi dòng nước ngọt trên hệ thống thủy lợi Phước Hòa đã xây được nhà tường cấp 4, hộ giàu tăng theo từ năm, nông thôn mới ngày càng thêm mới”.

Nỗ lực vượt đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long (Kì 2) - Ảnh 3.

Công trình thủy lợi Phước Hòa tại huyện Đức Hòa (Long An) giúp chống hạn, mặn hiệu quả.

Để phát huy hết công năng của dự án nghìn tỷ này, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Hòa đang phối hợp Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi tỉnh Long An lập kế hoạch đầu tư hệ thống kênh nội đồng từ năm 2020. 

Dự kiến sẽ đầu tư 341 tuyến nội đồng chiều dài hơn 83.880m, kinh phí ước tính 66,75 tỷ đồng, trong đó dự kiến chi phí đền bù đất là 5,6 tỷ đồng, phần còn lại xây dựng hệ thống thủy lợi nội đồng dẫn nước phục vụ sản xuất. 

Riêng nguồn kinh phí 70 tỷ đồng được trung ương hỗ trợ phòng, chống hạn, mặn, tỉnh Long An đã hoàn chỉnh các thủ tục thực hiện và giải ngân cho nạo vét kênh mương là 50,64 tỷ đồng, phần còn lại xây dựng các đập tạm ngăn mặn, bơm nước từ kênh chính qua kênh cấp 1, 2 tạo nguồn nước dân bơm vào ruộng chống hạn, hỗ trợ nước sinh hoạt cho người dân nối dài các đường ống cấp nước.

Để ứng phó tình hình hạn mặn, tỉnh Bến Tre đã gấp rút hoàn thành các công trình như: đập tạm trên sông Ba Lai, đập tạm sông Mã (huyện Châu Thành); cống ngăn mặn thuộc dự án bắc Bến Tre, nạo vét các tuyến kênh nhằm trữ nước ngọt và ngăn mặn... 

Đồng thời, khuyến cáo người dân sử dụng tiết kiệm nước, sử dụng các giải pháp kỹ thuật để canh tác phù hợp, dùng mọi dụng cụ để trữ nước ngọt và theo dõi chặt chẽ tình hình mặn để có giải pháp kịp thời.

Nỗ lực vượt đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long (Kì 2) - Ảnh 4.

Mô hình tưới nước tiết kiệm vườn cây thanh long ở Long An.

Tại huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre), người dân ứng phó khá hiệu quả các công trình trữ nước ngọt để cứu vườn cây giống, cây ăn quả, hoa kiểng trên địa bàn giúp hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn, mặn gây ra. 

Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: Huyện đã thực hiện phương án “bốn tại chỗ” nhằm ngăn mặn, vận hành đóng nắp cống bên ngoài đê bao và làm hệ thống đập tạm để trữ nước ngọt. Song song đó còn vận động người dân xây hồ chứa nước, lót bạt, túi nước và vận chuyển nước từ nơi khác về phục vụ sản xuất. Ngoài ra, còn sử dụng giải pháp phụ là khoan tìm nguồn nước tạm ở tầng nông để cứu vườn cây...

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Bến Tre có 140 cống nhằm ngăn mặn, trữ ngọt và điều tiết nước phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua, Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre đã tập trung khai thác, vận hành hệ thống cống nhằm phục vụ người dân.

Tuy nhiên, do bao bọc bởi ba dải cù lao, chung quanh toàn là sông nước nên hệ thống thủy lợi vẫn chưa hoàn chỉnh. Nhiều nơi vẫn còn hở nên nước mặn xâm nhập vào nội đồng ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. 

Ông Hồ Ngọc Hậu, Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi tỉnh Bến Tre cho rằng, trong mùa xâm nhập mặn năm nay, công ty phối hợp các địa phương thực hiện nhiều giải pháp hạn chế tối đa thiệt hại. Trong đó, khuyến cáo người dân trước khi tưới phải đo độ mặn. Đối với các công trình đập tạm tuy nhiễm mặn nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với bên ngoài nên có thể phục vụ sinh hoạt cho người dân. 

Công ty sẽ thường xuyên kiểm tra độ mặn nếu độ mặn sông Tiền giảm sẽ lấy vào và tiêu xổ phía trong con kênh, để nhanh chóng giảm độ mặn phục vụ sản xuất cho bà con trong khu vực.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): Để chủ động ứng phó với hạn, mặn phải phát huy biện pháp tích nước, trữ nước theo từng cấp. Theo đó, tỉnh chịu trách nhiệm quản lý ngăn mặn các kênh cấp 1, 2.

Các sở, ngành cấp tỉnh, huyện phải tính toán được lượng nước ngọt cung ứng cho bao nhiêu diện tích để đề ra phương án cấp nước chủ động, đầy đủ. Ở cấp hộ gia đình, nhóm hộ dân những cánh đồng quy mô 30-50 ha nên có biện pháp chủ động tích nước tại chỗ phục vụ ruộng lúa, nông dân cũng tận dụng ao hồ, mương nước để tích nước ngọt phục vụ tưới tiêu.

Qua đợt hạn mặn này, người dân có thể thay đổi thiết kế ruộng, vườn. Những vườn cây mới chuyển đổi như ở Tiền Giang, Long An phải tính toán thiết kế các mương nước, ao nước trong vườn cây sao cho bảo đảm tích nước ngọt phục vụ tưới tiêu ngay cả trong hạn, mặn. Các cơ quan chuyên môn phải tính toán và đưa ra mô hình hiệu quả để tư vấn cho người dân thực hiện. Bên cạnh đó, phải tính toán cơ cấu mùa vụ thật khoa học để giảm thiểu thiệt hại thiên tai cho nông dân.



Tuấn Trung - Phong Sự