|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Chống hạn mặn: Không nên đào hồ tích nước qui mô lớn

07:22 | 25/03/2020
Chia sẻ
Chuyên gia cho rằng có nhiều phương pháp để giảm bớt hạn mặn ở các năm cực đoan, tuy nhiên việc đào hồ tích nước không phải là phương pháp khả quan.

Trước tình hình hạn mặn diễn biến phức tạp ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Pháp Luật TP.HCM có cuộc trao đổi với TS Tô Văn Trường (ảnh), chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam.

Nhiều nguyên nhân gây hạn mặn

. Phóng viên: Ông đánh giá thế nào về tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL hiện nay? So với hạn mặn năm 2016 thì năm nay có gì khác, thưa ông?

Chống hạn mặn: Không nên đào hồ tích nước qui mô lớn - Ảnh 1.

TS Tô Văn Trường

+ TS Tô Văn Trường: Hạn, kiệt, mặn ở ĐBSCL thường xuất hiện vào các năm có cực đoan về khí hậu, thời tiết. Minh chứng, một số mùa khô có mức độ hạn, kiệt, mặn nặng nề ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của người dân ĐBSCL như 1977-1978, 1997-1998, 2015-2016 và nay là 2019-2020 đều do cực đoan khí hậu, thời tiết gây ra.

Phân tích chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn từ năm 1975 tới nay cho thấy: Thời gian, cường độ và tần suất hoạt động của các cực đoan khí hậu, thời tiết ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung có xu thế gia tăng rõ rệt.

Bởi vậy mức độ hạn, kiệt, mặn trên ĐBSCL cũng ngày càng gia tăng cả về thời gian, không gian, cường độ, tần suất cùng với những thiệt hại kinh tế môi trư?ng k?m theo do ch?ng g?y ra.ờng kèm theo do chúng gây ra.

Hiện nay, nước mặn trên các sông cơ bản tương tự và cao hơn chút ít so với năm 2016. Tuy nhiên, thiệt hại (tính đến đầu tháng 3) cho thấy năm nay thấp hơn rất nhiều so với đợt hạn mặn năm 2015-2016.

Kết quả này nhờ sự chủ động thích ứng của người dân Nam bộ. Bên cạnh việc sử dụng hiệu quả một số công trình thủy lợi thì yếu tố quan trọng nhất là sự chỉ đạo sát sao của Bộ NN&PTNT và các tỉnh ở ĐBSCL. Thông qua các việc cung cấp thông tin cảnh báo sớm để điều chỉnh lịch gieo trồng, thậm chí hạn chế các diện tích lúa muộn để tránh mặn.

. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL hiện nay là gì, thưa ông?

+ Có thể nói nguyên nhân chính đủ sức gây ra hạn, kiệt, mặn trên ĐBSCL là vào các năm có cực đoan khí hậu, thời tiết. Cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng thì thiệt hại kinh tế, môi trường càng lớn.

Ngoài nguyên nhân chính thống còn có các nguyên nhân phụ trợ khác tham gia tạo ra hạn, kiệt, mặn trên ĐBSCL. Cụ thể như tác động của thượng nguồn, biến động môi trường mặt đệm lưu vực, mức độ gia tăng dùng nước trong sản xuất và đời sống…

Tóm lại, có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, các nguyên nhân chính bao gồm:

Thứ nhất, lượng nước vào ĐBSCL các tháng cuối mùa mưa năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 thấp hơn bình quân nhiều năm.

Thứ hai, lượng mưa các tháng cuối mùa mưa năm 2019 cũng thấp hơn trung bình nhiều năm. Do đó, thế cân bằng giữa nước mặn và nước ngọt có xu hướng dịch vào sâu trong đất liền (đó là quy luật tất yếu).

Chống hạn mặn: Không nên đào hồ tích nước qui mô lớn - Ảnh 2.

Người dân xếp hàng lấy nước ngọt ở TP Bến Tre. Ảnh: ĐÀO TRANG

Tích trữ nước hợp lý

. Theo ông, đâu là những giải pháp tốt nhất để ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL hiện nay?

+ Trước hết, phải làm thật tốt việc chuyển đổi một cách căn cơ lâu dài cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi. Việc chuyển đổi này theo phương châm tiết kiệm nước, ít dùng nước, thích hợp trên cả ba vùng ngọt, lợ, mặn của ĐBSCL.

Phát động phong trào toàn dân tham gia chống hạn, kiệt, mặn ĐBSCL bằng phương pháp tích trữ nước hợp lý như bồn chứa, bể chứa, ao hồ và đầm lầy nhỏ gần nhà hoặc trong thôn xã.


Tận dụng lợi thế của tự nhiên

So sánh tình hình mặn năm 2016 và 2020 thì thấy các giải pháp phi công trình có hiệu quả đặc biệt. Vì vậy cần một lần nữa nhìn nhận việc phát triển “dựa vào tự nhiên” (nature-based development) theo tinh thần Nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ là rất quan trọng.

Bộ NN&PTNT cùng với các tỉnh cần mạnh dạn rà soát quy hoạch các hệ thống thủy lợi để điều chỉnh theo hướng “tận dụng lợi thế của thiên nhiên” hơn là “chế ngự thiên nhiên”.

Các dự án nào đúng trong quá khứ nhưng không còn phù hợp với tiếp cận mới cần phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ nếu cần thiết.

TS TÔ VĂN TRƯỜNG


Các tỉnh trọng điểm mặn ở ĐBSCL có thể làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Cần Thơ. Đây là đơn vị có thể cấp nước sạch với khối lượng lớn bằng đường ống dẫn đến các điểm trung tâm hạn, mặn, kiệt ở miền Tây.

Từ các điểm trung tâm này, dùng các phương tiện xe bồn vận chuyển nước đến các cụm cộng đồng dân cư để người dân tiếp nhận.

Về lâu dài, nếu thấy hiệu quả, Chính phủ cần hình thành dự án mang tính chiến lược mở rộng quy mô đủ khả năng tham gia phòng, chống hạn, kiệt, mặn cực đoan ở một số tỉnh trọng điểm ĐBSCL.

Song song đó, xây dựng hệ thống cống điều khiển dòng mặn, ngọt thích hợp cả đầu ra và đầu vào trên hệ thống kênh trục, sông nhánh phụ, sông cụt... Đồng thời, biến lòng dẫn của chúng thành hệ thống hồ chứa nước hoạt động “lưu động theo thời gian và nhịp điệu của từng con triều”. Mục đích là để bẫy triều, kiểm soát mặn, tích ngọt.

Hệ thống này chỉ hoạt động trong thời gian cao điểm mùa khô. Mùa mưa thì mở toang hết các cửa cống điều khiển cả đầu ra và đầu vào để chúng hoạt động bình thường.

. Có ý kiến cho rằng việc đào hồ cũng là một trong những biện pháp để trữ nước tốt. Ông nhận định thế nào về vấn đề này?

+ Không nên đào hồ tích nước quy mô lớn ở ĐBSCL. Hồ miền Bắc và miền Trung xây đắp tích nước ở khu vực cao rồi làm kênh dẫn nước về vùng hạn, kiệt, mặn. Còn ở ĐBSCL địa hình thấp, bằng phẳng, đất chua phèn. Nếu đào hồ siêu lớn có cao trình dưới 3-4 m để tích nước sẽ bốc hơi, thấm dọc và thấm ngang theo quy luật rút dần đến kiệt của dòng chảy hệ thống sông, kênh.

Vả lại quỹ đất ĐBSCL là không thể lãng phí thêm vì đã có hệ thống sông, kênh dày đặc. Địa chất ĐBSCL là trầm tích dày nhiều lớp sẽ làm nước hồ nhiễm mặn, chua phèn và tích tụ chất độc của sản xuất và đời sống dồn vào.

Về dự báo cụ thể năm 2020, xu hướng ranh mặn/ngọt dịch sâu hơn vào đất liền sẽ còn tiếp tục trong tháng 3 nhưng sang tháng 4 tình hình này có thể giảm.

Cơ hội làm kinh tế từ nền nước mặn

. Hạn mặn đang xâm lấn và kéo dài. Ông có lời khuyên nào cho người dân?

+ Cần theo dõi diễn biến nguồn nước cuối mùa mưa (từ tháng 9 và 10) hằng năm để có kế hoạch sản xuất và trữ nước ngọt. Lâu dài để phục vụ dân sinh, nên có kế hoạch xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ An Giang - Đồng Tháp về cung cấp cho các nhà máy nước ở vùng mặn.

Quản lý, khai thác, sử dụng nước ngầm hiện nay cần cải thiện. Nước mặn cần được thực sự coi là tài nguyên chứ không phải là nguy cơ.

Thuật ngữ “xâm nhập mặn” cũng cần sử dụng một cách cân nhắc như là sự ứng xử công bằng với nước mặn. Khái niệm kiểm soát mặn thay cho ngăn mặn cần phải biến thành hành động thực tế.

Các ngành kinh tế dựa trên nền nước mặn (hoặc mặn/ngọt luân phiên) đang tạo cho người dân nhiều cơ hội hơn. Vì vậy, người dân không nên quá bi quan về vấn đề hạn mặn xâm lấn này.

Ngành chức năng cần ưu tiên hỗ trợ người dân trước hết về nguồn nước phục vụ sinh hoạt, đồng thời hỗ trợ người dân phát triển sinh kế phù hợp và hiệu quả.


Đào Trang