UNDP hỗ trợ Việt Nam 185.000 USD ứng phó hạn mặn tại miền Tây
Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết ngày 17/3 tại Hà Nội, Đối tác Giảm nhẹ rủi ro thiên tai, Bộ NN&PTNT và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã chính thức kí thỏa thuận về hỗ trợ hạn mặn cho các tỉnh chịu ảnh hưởng ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Cụ thể UNDP trao gói hỗ trợ 185.000 USD từ quĩ khẩn cấp toàn cầu để hỗ trợ ứng phó với tình hình hạn hán và xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đồng thời cung cấp 300 bồn trữ nước cho các hộ dân chịu ảnh hưởng tại Bến Tre và hỗ trợ sinh kế cho 176 hộ ở Cà Mau. Ngoài ra sẽ đánh giá tác động của hạn hán đến sinh kế, khả năng tiếp cận nước ngọt, sụt lún đất; hỗ trợ về đối thoại chính sách trong phòng chống thiên tai hạn mặn và ứng dụng công nghệ di động để cập nhật thiệt hại do thiên tai, trong đó có hạn mặn.
Đến nay, 5 tỉnh ở ĐBSCL đã công bố tình huống khẩn cấp vì hạn mặn. Theo dự báo, từ ngày 11/3, ĐBSCL bước vào đợt xâm nhập mặn gay gắt, vượt mức năm 2016, năm hạn mặn kỉ lục.
Đây có thể là đợt mặn cao nhất của năm 2020 ở một số trạm trên địa bàn các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bến Tre và Tiền Giang, Bộ NN&PTNT nhìn nhận.
Cụ thể ranh mặn 4 gram/lít trên sông Cái Lớn sẽ xâm nhập vào 55 - 58km tính từ cửa biển. Trên hệ thống sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào sâu nhất là sông Hàm Luông, từ 68 - 80km. Còn trên Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có thể vào sâu đến 110 km; sông Cổ Chiên, sông Hậu (Cửa Định An, Trần Đề) khoảng 70km; sông Cái Lớn 62 - 65 km.
Trước đó, ngày 13/3, thông tin từ Bộ NN&PTNT, tại cuộc họp Ban điều hành lần thứ 25, Quĩ Khí hậu Xanh đã phê duyệt khoản viện trợ 30,2 triệu USD cho dự án “Tăng cường khả năng chống chịu của sản xuất nông nghiệp qui mô nhỏ trước tình trạng mất an ninh nguồn nước do biến đổi khí hậu ở khu vực Tây Nguyên và Duyên hải Nam Trung Bộ của Việt Nam” (SACCR).