|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nỗ lực vượt qua đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long

14:12 | 15/05/2020
Chia sẻ
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang trải qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài nhất từ trước đến nay, gây thiệt hại lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Trong khó khăn, các địa phương đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp công trình, phi công trình nhằm hỗ trợ người dân vượt qua những thách thức do thiên tai mang tới.

Kỳ 1: “Thiệt đơn, thiệt kép” mùa hạn, mặn

Đến thời điểm này, mùa mưa muộn so với trung bình nhiều năm khiến tình trạng hạn, mặn tại khu vực ĐBSCL càng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Dù Nhà nước cùng người dân có nhiều giải pháp ứng phó, nhưng tình trạng đất nhiễm mặn dự báo sẽ để lại những hậu quả lâu dài rất khó khắc phục trong ngày một, ngày hai.

Hồ cạn trơ đáy, ruộng vườn xác xơ

Từ đầu tháng 4 đến nay, hồ Kênh Lấp (hồ chứa nước lớn nhất khu vực ĐBSCL tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) đã bắt đầu cạn trơ đáy nhiều đoạn. Hồ chứa nước ngọt này khánh thành từ tháng 8-2019 với sức chứa khoảng 800.000 m3, có nhiệm vụ cung ứng nước ngọt cho 200 nghìn hộ dân, 13 nghìn ha đất nông nghiệp tại 24 xã trên địa bàn huyện Ba Tri.

Khi nắng nóng kéo dài cộng với cung ứng nước sinh hoạt, sản xuất nên hồ dần cạn. Nếu tình hình kéo dài, nguy cơ hàng nghìn hộ dân nơi đây sẽ thiếu nước ngọt phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ xã Tân Xuân cho biết: “Hồ chứa nước ngọt này cung ứng cho người dân nước sinh hoạt, cho gia súc uống trong mùa khô hạn. Năm nay tình trạng hạn hạn hán, nắng nóng kéo dài nên gần nửa tháng nay hồ bắt đầu cạn dần”.

Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn làm nhiều địa phương thiệt hại nặng nề. Cánh đồng tại xã Bình Thành (huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre) những ngày này nắng cháy da, hầu hết ruộng lúa đều bị chết khô trong giai đoạn mạ, đòng trổ do hạn hán, xâm nhập mặn. 

Lão nông Nguyễn Văn Lẻ, ngụ ấp Bình Đông (xã Bình Thành) đội nắng ra đồng nhổ những cây lúa còn sót lại bị cháy khô đem cho bò ăn. Toàn bộ diện tích hơn 3.000 m2 đất trồng lúa của gia đình ông bị mất trắng do nước mặn.

Theo thống kê của UBND xã Bình Thành, vụ này nông dân xuống giống 412 ha lúa, bị thiệt hại 100% do nước mặn. Còn trên địa bàn tỉnh Bến Tre đã xuống giống hơn 5.300 ha tại ba huyện Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại bị thiệt hại hơn 95%.

Nỗ lực vượt qua đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 1.

Diện tích lúa bị mất trắng do hạn, mặn ở tỉnh Bến Tre.

Tại vùng nằm sâu trong đất liền thuộc huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) lâu nay nước ngọt quanh năm, thì năm nay cũng bị thiệt hại nặng nề do nước mặn xâm nhập. Những vườn cây ăn trái mẫn cảm với hạn, mặn đang phải gánh chịu mất mát lớn nhất. 

Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, ngụ xã Tân Thiềng bị thiệt hại hơn 10 nghìn cây sầu riêng con và hơn chục cây sầu riêng đang cho quả. Ông Nam cho biết: “Năm nay nước mặn xâm nhập sâu và kéo dài làm thiệt hại nặng nề vườn cây giống, hoa kiểng, cây ăn quả đang cho trái của bà con nông dân. 

Một số người có vốn thuê ghe sang tỉnh bạn ở đầu nguồn lấy nước ngọt về tưới vườn cây nhưng chi phí khá đắt. Người dân ở đây giờ cầm cự ngày nào qua ngày nấy và cầu mong mưa sớm để cứu vườn cây, giảm bớt thiệt hại”. Theo thống kê, toàn tỉnh Bến Tre có khoảng 20 nghìn ha cây ăn quả gồm: chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh, nhãn, măng cụt... 72 nghìn ha dừa, hơn 1.000 ha cây giống, hoa kiểng bị ảnh hưởng.

Tương tự ở Bến Tre, những vùng chuyên canh cây sầu riêng tại các huyện Cai Lậy và Cái Bè ở tỉnh Tiền Giang cũng đang chống chọi với đợt hạn, mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Nông dân đã tích cực cứu chữa vườn cây bằng nhiều cách. 

Từ giữa tháng 3, UBND tỉnh Tiền Giang nhanh chóng triển khai chương trình hỗ trợ vận chuyển nước ngọt giải cứu khẩn cấp cây sầu riêng và các cây ăn trái khác trên địa bàn tỉnh. Đến nay, các điểm cấp nước ngọt đã tiếp nhận gần 900 nghìn khối nước ngọt, đã phân phối hơn 700 nghìn khối cho hơn 26 nghìn hộ dân. 

Đây là phương án giải cứu rất kịp thời, được người dân hoan nghênh. Nhưng do hạn, mặn quá nặng nề, hầu hết các vườn sầu riêng vẫn bị thiệt hại lớn.

Ông Nguyễn Bảo Khánh, ấp Bình Ninh, xã Tam Bình, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang trồng 0,3 ha sầu riêng được 12 năm tuổi. Nhìn vườn sầu riêng xơ xác và đang chết dần, ông Khánh chua chát nói: “Từ trước đến giờ, người dân chúng tôi chưa từng chứng kiến đợt hạn, mặn quá mức như thế này. 

Năm 2016, nước mặn có xâm nhập nhưng xuống rất nhanh. Riêng đợt này, độ mặn quá cao và kéo dài thời gian. Mặc dù, Nhà nước có hỗ trợ nước ngọt cho người dân tưới sầu riêng nhưng không thấm vào đâu.

Mặt khác, những người chủ động mua được nước tưới thường xuyên thì cây vẫn chết. Bởi, cây sầu riêng rất mẫn cảm với nắng nóng và hạn, mặn. Chính những lý do này, các cây sầu riêng của gia đình tôi cũng như nhà vườn nơi đây chết gần hết”.

Nỗ lực vượt qua đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 2.

Nông dân xã Tam Bình, huyện Cai Lậy (Tiền Giang) tưới nước ngọt giải cứu cây sầu riêng.

Huyện Cái Bè có khoảng 20 nghìn ha vườn cây ăn trái, trong đó, có 40% diện tích cây ăn trái bị ảnh hưởng. Các xã Đông Hòa Hiệp, Hòa Khánh, An Cư và thị trấn Cái Bè bị ảnh hưởng nặng nhất. Ông Đặng Văn Bảy, ấp Hòa Hảo, xã Hòa Khánh có 0,4 ha sầu riêng được bảy năm tuổi. Gia đình đã tưới “giải khát” cho vườn sầu riêng được vài ngày. 

Tuy nhiên, 70% số cây trong vườn đều bị nhiễm mặn, rụng lá, chết nhánh. Ông Bảy tâm sự: “Tạo được vườn sầu riêng, gia đình phải tốn nhiều tiền của và công sức. Thu hoạch được 1-2 năm, tiền vốn lấy lại chưa được bao nhiêu thì gặp cảnh cây chết hàng loạt. Nếu cây chết, nhà vườn phải bỏ ít nhất 5-6 năm nữa mới có thu hoạch. Chưa kể, mặn đã nhiễm vào đất, thời gian cải tạo lại rất lâu, cây sầu riêng chưa chắc trồng lại được”.

Hậu họa khôn lường đất nhiễm mặn

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng diện tích cây ăn trái trong vùng ĐBSCL có khả năng bị ảnh hưởng hạn, mặn năm 2019-2020 khoảng 130 nghìn ha (bằng 39,1% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng). 

Trong đó, Tiền Giang 28,3 nghìn ha, Bến Tre 12,3 nghìn ha, Long An 12,9 nghìn ha, Trà Vinh 12,3 nghìn ha, Vĩnh Long 8,5 nghìn ha, Sóc Trăng 13,6 nghìn ha... Chủng loại cây ăn trái bị ảnh hưởng là: sầu riêng, vú sữa, xoài, chuối, thanh long, khóm, nhãn, chôm chôm, mít.

Mặc dù, Nhà nước và người dân đã có nhiều giải pháp để ứng phó với đợt hạn, mặn lịch sử này từ rất sớm. Các địa phương đã triển khai xây dựng nhiều hệ thống cống, đập nhằm khép kín vườn cây ăn trái. Nhưng với nhiều lý do khách quan và chủ quan, mặn vẫn xâm nhập sâu trong nội đồng gây hậu quả rất lớn cho nông dân.

Theo TS Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền nam, khi nước mặn xâm nhập vào các mương trong vườn sẽ tích tụ muối hòa tan trong đất. Cường độ của quá trình bốc thoát và tích tụ của muối trong đất, nước gia tăng với độ tiếp xúc của nguồn nước mặn. Quá trình tích tụ muối càng tăng ở những nơi khô hạn. 

Do lượng nước không đủ để rửa trôi các dạng muối dễ hòa tan dẫn đến đất bị mặn gây trở ngại cho sinh trưởng và phát triển cây trồng, xáo trộn và mất cân đối sự hấp thu nước và chất dinh dưỡng của cây. Mặn cũng phá hủy cấu trúc đất, đất bị nén chặt, sự phát triển rễ bị giảm, giảm tính thấm nước và thoát nước, thiếu sự thoáng khí cho vùng rễ. 

Ảnh hưởng của mặn đối với cây trồng biểu hiện qua các triệu chứng cháy lá, làm giảm sinh trưởng phát triển, ảnh hưởng đến năng suất, khi nồng độ muối trong nước tưới cao vượt quá ngưỡng chống chịu của cây trồng làm cây bị sốc và rụng lá hàng loạt, có thể dẫn đến chết cây.

Nỗ lực vượt qua đại hạn ở đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh 3.

Nông dân ở huyện Cai Lậy (Tiền Giang) phải cắt bỏ hoa sầu riêng để dưỡng cây qua mùa hạn, mặn.

TS Nguyễn Hữu Thoại đưa ra cảnh báo: “Khảo sát của chúng tôi vừa qua cho thấy, nhiều vườn sầu riêng tại Cai Lậy chịu ảnh hưởng rất nặng. Các vườn sầu riêng xơ xác giống như một đợt cháy rừng vừa quét qua. Trong thời gian tới, các nhà khoa học dự báo hạn, mặn sẽ không còn theo chu kỳ nữa mà diễn ra hằng năm. Vì vậy, ngành chức năng, nông dân cần phải tính toán để có bước đi phù hợp”.

Điều đáng nói là những thiệt hại do hạn, mặn gây ra không chỉ gây thiệt hại trong một vụ mà còn ảnh hưởng rất lâu dài, khó khắc phục. 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho rằng: “Tình hình xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL gây tác động rất lớn, ảnh hưởng đến đời sống cũng như hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đất nhiễm mặn phải mất một năm cải tạo. 

Nhưng nếu ruộng, vườn năm nào cũng nhiễm mặn thì không thể canh tác được nữa. Tác động của nhiễm mặn rất nguy hiểm, nhưng điều đáng nói là việc cải tạo tình trạng xâm nhập mặn ruộng, vườn gặp rất nhiều khó khăn. 

Cho đến nay, vẫn chưa có giải pháp sinh học hay hóa học nào hiệu quả kinh tế để áp dụng đại trà tại các địa phương. Phương án phổ biến nhất hiện nay vẫn là tận dụng nước trời để rửa mặn. Do đó, giải pháp công trình kết hợp với giải pháp phi công trình vẫn đang được trông đợi nhất để ứng phó với quy luật mới của tự nhiên trong thời gian tới”.

(Còn nữa)

Tuấn Trung - Phong Sự