|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nỗ lực của EU trong việc cấm nhập khẩu dầu từ Nga đang đi vào bế tắc

23:00 | 20/05/2022
Chia sẻ
Các nước thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã không đạt được thỏa thuận về lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga, được coi là phần cốt lõi của gói trừng phạt thứ sáu do khối này đề xuất hồi đầu tháng Năm.

Hồi đầu tháng này, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất kế hoạch EU loại bỏ dần nguồn cung dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga trong vòng sáu tháng cho tới cuối năm nay. Đây là một phần trong nỗ lực nhằm đưa châu Âu thoát khỏi phụ thuộc nhiên liệu hóa thạch của Moskva, đồng thời cắt giảm nguồn thu béo bở tài trợ cho chiến dịch đang diễn ra tại Ukraine .

Tuy nhiên, Chính phủ Hungary khẳng định sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào đối với xuất khẩu năng lượng của Nga. Hungary phụ thuộc rất nhiều vào dầu và khí đốt của Nga. Đề xuất tẩy chay dầu Nga của EU được coi là có ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng tới nền kinh tế nước này, phá vỡ nguồn cung cấp năng lượng ổn định cho Hungary.

Việc từ bỏ hoàn toàn dầu mỏ của Nga chắc chắn sẽ không dễ dàng đối với EU, khi Nga là nhà cung cấp dầu lớn nhất của khối này vào năm 2021, chiếm khoảng 30% lượng dầu nhập khẩu của EU. Đối với một số quốc gia không giáp biển phụ thuộc nhiều vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga, lệnh cấm vận dầu mỏ của Nga có thể dẫn đến việc tăng giá trầm trọng hơn và tạo sức ép lớn cho nền kinh tế.

EU đã đề nghị với Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia  một thỏa hiệp, cho phép họ thực hiện lệnh cấm vận dầu của Nga từ giữa hoặc cuối năm 2024. Trong khi đó, EC gần đây đã tiết lộ rằng họ sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ euro (2,11 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng dầu mỏ nhằm thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga. Tuy nhiên, thỏa hiệp này đã không làm suy chuyển Hungary.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban khẳng định rằng các lệnh trừng phạt của EU đối với Nga sẽ tàn phá nền kinh tế Hungary, gây tổn thất đáng kể và nước này cần 5 năm để từ bỏ nguồn dầu của Nga.

Đầu tuần này, Ngoại trưởng Hungary Peter Szijjarto cho biết nước này sẽ tiêu tốn từ 15-18 tỷ euro (15,8-19 tỷ USD) để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng năng lượng. Tuy nhiên, trong các cuộc đàm phán với EU, Hungary cho thấy một con số thấp hơn nhiều cũng có thể đủ để giải quyết những lo ngại của nước này trong ngắn hạn.

Theo các nguồn tin, Ngoại trưởng Szijjarto đã đề xuất khoản kinh phí khoảng 750 triệu euro để đầu tư mở rộng đường ống dẫn dầu nối Hungary với Croatia và chuyển đổi các nhà máy lọc dầu của Nga sang các loại dầu thô khác. Trong khoản kinh phí này, Hungary cần 550 triệu euro để nâng cấp hai nhà máy lọc dầu do tập đoàn năng lượng Hungary MOL vận hành ở Hungary và Slovakia. Hai nhà máy này hiện chỉ có thể sử dụng dầu của Nga.

EU đã áp dụng 5 đợt trừng phạt đối với Nga kể từ khi xung đột Nga-Ukraine xảy ra cách đây hơn hai tháng. Các biện pháp trừng phạt, nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga, đã không đạt được hiệu quả như mong muốn. Thay vào đó, tác động của các lệnh trừng phạt đang “ăn sâu” vào nền kinh tế châu Âu, làm gia tăng nguy cơ lạm phát kèm suy thoái.

Theo một báo cáo do Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố gần đây, doanh thu từ dầu mỏ của Nga đã tăng 50% so với một năm trước. Trong khi đó, các biện pháp trừng phạt đã gây thiệt hại cho nền kinh tế EU, với việc giá cả tăng cao làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn khối.

Dự báo kinh tế của EC đưa ra mới đây đã phác họa một bức tranh “ảm đạm” cho nền kinh tế EU và Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2022.

Tăng trưởng GDP thực tế ở cả EU và Eurozone hiện được dự kiến ở mức 2,7% vào năm 2022 và 2,3% vào năm 2023, thấp hơn so với các mức dự báo tương ứng trước đó là 4% và 2,8%.

Cao ủy châu Âu về Kinh tế, Paolo Gentiloni cảnh báo rằng dự báo trên vẫn tiềm ẩn sự không chắc chắn cao và các rủi ro liên quan chặt chẽ đến diễn biến cuộc xung đột Nga-Ukraine. Ông cảnh báo: "Các kịch bản khác có thể xảy ra, theo đó tăng trưởng có thể thấp hơn và lạm phát cao hơn mức dự đoán hiện nay".

Minh Trang