Ninh Thuận: Nỗi lo đầu ra cho rau an toàn
Nhằm khuyến khích các cá nhân, tập thể sản xuất, chế biến thực phẩm sạch cung cấp cho người tiêu dùng, thời gian qua mô hình sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP được nông dân Ninh Thuận áp dụng phổ biến.
Tuy nhiên, có một nghịch lý là lợi nhuận mang lại từ mô hình trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap không cao hơn so với trồng rau không VietGap khiến cho nông dân không mấy mặn mà.
Ảnh minh họa (Nguồn: Vov) |
Gần 30 năm gắn bó với nghề trồng rau và là thành viên của Hợp tác xã kinh doanh và dịch vụ rau an toàn Văn Hải đã 6 năm, ông Lê Quang Khiết ở phường Văn Hải, thành phố Phan Rang –Tháp Chàm rất trăn trở trong việc sản xuất rau sạch theo mô hình VietGap.
Ông Khiết cho biết, trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi chi phí cao hơn khoảng 10% so với rau thông thường, công sức chăm sóc cũng nhiều hơn. Thế nhưng, có một nghịch lý giá cả đầu ra lại thấp khiến nhiều nông dân trồng “rau sạch” luôn lo lắng về hiệu quả kinh tế.
Ông Lê Quang Khiết cho biết: “Làm ViệtGap thì có lợi cho sức khỏe của cộng đồng trong đó có gia đình mình, nhưng mình thấy cái thiệt là làm VietGap, giá cả không có ai giúp mình cạnh tranh nên một số bà con cũng không muốn làm”.
Hợp tác xã rau sạch Văn Hải được thành lập năm 2010 với 30 xã viên, diện tích sản xuất trên 10 ha, chuyên canh tác các loại rau màu như quế, hành lá, củ cải trắng, cải xanh, ngò, rau thơm các loại.
Đầu năm 2011, sản phẩm của hợp tác xã rau sạch Văn Hải được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP và được hệ thống Siêu thị bao tiêu hơn 20 mặt hàng rau củ. Thế nhưng, chỉ mới tiêu thụ 1/10 so với sản lượng rau hợp tác xã làm ra hằng ngày. Vì vậy, người trồng “rau sạch” phải tự tìm nguồn tiêu thụ tại các chợ, chấp nhận thực trạng “rau VietGAP” bị đánh đồng với rau “không VietGap” với giá thành như nhau.
Ông Phan Ngọc Yêm – Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Văn Hải - Phan Rang –Tháp Chàm - Ninh Thuận cho biết: “Thời gian qua siêu thị thu rau của bà con rất hạn chế chỉ khoảng 10% sản lượng làm ra thôi, mà giá cả lại không cao hơn so với chợ bán lẻ bên ngoài, từ thực tế sản lượng thu vào thì ít mà giá không cao từ đó không thu hút được người làm rau”.
Phường Văn Hải – thành phố Phan Rang, Tháp Chàm là địa phương trồng rau lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận với diện tích gần 60 ha. Trên địa bàn phường Văn Hải có trên 10 vựa thu mua rau, chủ yếu cung cấp cho thị trường tỉnh Khánh Hòa và Thành phố Hồ Chí Minh, với sản lượng trung bình mỗi ngày khoảng 100 tấn rau. Tuy nhiên, hiện rau sạch trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại địa phương chỉ chiếm khoảng 10%.
Điều khiến nông dân không mặn mà trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP là thiếu thị trường đầu ra cho rau sạch. Thêm vào đó, một bộ phận người tiêu dùng ngại bỏ thêm một khoản chi phí để có “sản phẩm sạch”. Vì rau VietGap có giá cao hơn rau trồng thông thường khác.
Ông Dương Hoài Văn, Trưởng phòng Liên minh Hợp tác xã tỉnh Ninh Thuận cho rằng: “Chúng tôi dự kiến sẽ xây dựng những cửa hàng giới thiệu sản phẩm dành riêng cho HTX trên địa bàn tỉnh để tiếp thị, thông báo rộng rãi. Làm sao để sản phẩm rau sạch HTX đi sâu vào thị trường và được xã hội chấp nhận”.
Để rau sạch có đầu ra, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, còn phải có mối liên kết 4 nhà trong phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời, người tiêu dùng nên thay đổi tư duy mua hàng, không mua những sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ để tự bảo vệ mình và gia đình.