NIM 2018 của VPBank có thể tăng cao nhất, khả năng mất kiểm soát nợ xấu trước tín dụng tiêu dùng
Tín dụng tiêu dùng có thể gây ra khả năng mất kiểm soát nợ xấu
CTCP Chứng khoán MB (Mã: MBS) có báo cáo nhận định về tình hình của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB).
Lợi thế cạnh tranh của FE Credit đến từ cho vay tiền mặt không có mục đích rõ ràng rủi ro hơn so với khoản cho vay mua xe hay cho vay có tài sản đảm bảo, MBS khuyến nghị tỷ lệ trích lập dự phòng của các khoản tài chính tiêu dùng cần cao hơn những khoản trích lập thông thường.
Hiện hệ thống pháp lý vẫn chưa có thông tư hay hướng dẫn cụ thể về cách xử lý đặc biệt đối với cho vay tiêu dùng và tỷ lệ trích lập dự phòng của những khoản vay này so với những khoản vay khác. Tuy vậy, MBS nhận định rủi ro nợ xấu đã xuất hiện từ khi cho vay tiêu dùng bằng tiền mặt được xếp vào nợ nhóm 2 (quá trình thanh toán bị trì hoãn đến 3 tháng).
Nguồn: MBS Resreach. |
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất năm qua của VPBank là 3,39%, tăng hơn so với 2,9% của 2016. Tuy nhiên, sau khi xem xét các khoản vay hợp nhất chia nhỏ của VBPank, tỷ lệ nợ xấu của FE Credit giảm từ 6,3% về 5% trong năm qua.
MBS cho rằng dự phòng rủi ro cho vay trên tổng dư nợ khách hàng (Credit cost rate) sẽ tăng từ 1,4% lên 1,7% trong năm 2018 sau giai đoạn dự phòng thấp so tỷ lệ nợ xấu vượt mức trần quy định của NHNN 3% trong năm 2017.
MBS dự đoán nợ xấu sẽ tăng nhẹ do những rủi ro cao của tài chính tiêu dùng lên lần lượt 3,5% năm 2018 và 3,6% năm 2019. Nợ nhóm 2 của ngân hàng mẹ sẽ tăng nhanh từ 3,8% lên 5,6% trong khi ở FE Credit, tỷ lệ này chuẩn bị hơn 10%.
MBS kỳ vọng chi phí trích lập dự phòng trên lợi nhuận hoạt động năm 2018 của VPBank sẽ tiếp tục tăng cao với tỷ lệ 50% vào năm 2018 do lo ngại về chất lượng tài sản, trái phiếu đặc biệt VAMC với giá trị sổ sách là 4.408 tỷ đồng sẽ không được hoàn nhập vào năm 2018 và trích lập dự phòng cho loại tài sản này sẽ vẫn được duy trì theo tỷ lệ quy định.
NIM được kỳ vọng tăng cao nhất trong năm 2018 nhờ tín dụng tiêu dùng và thay đổi danh mục đầu tư đúng thời điểm
Đối với những ngân hàng nhỏ và trung bình chịu áp lực giảm NIM do cạnh tranh của thị trường ngân hàng bán lẻ, điều này dẫn đến chi phí huy động vốn cao hơn để thu hút những khoản tiền gửi cá nhân.
Trong khi đó, MBS nhận định tăng NIM không phải là mối lo ngại nghiêm trọng đối với VPBank nhờ vào thị trường cho vay tài chính tiêu dùng, những doanh nghiệp tiểu thương chiếm tỷ lệ tín dụng cao. NIM được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2018 lên 9,42%, nhờ vào lãi suất cho vay đầu tăng nhẹ, chi phí vốn duy trì ở 5,5% và tăng tỷ trọng đầu tư trái phiếu với trái tức cao.
Cụ thể, lãi suất cho vay đầu ra dự phóng tăng nhẹ trong năm 2018 từ 14,6% lên 14,9%. Lãi suất cho vay của những sản phẩm tài chính tiêu dùng cao hơn so với lãi suất các khoảng vay khác, xấp xỉ 40%/năm. Với tỷ trọng tín dụng của FE Credit trong tổng cho vay khá khiêm tốn là 22%, FE Credit vẫn đóng góp lên đến 52% trong lợi nhuận ròng hợp nhất năm 2017 của VPBank. Trong năm 2018, tài chính tiêu dùng sẽ tăng tỷ trọng đóng góp trong tổng dư nợ cho vay (27% giá trị cho vay khách hàng).
Chi phí vốn được dự báo sẽ giữ ở 5,5 % bởi lãi suất được kỳ vọng không tăng hoặc khả năng giảm nhẹ để kích cầu nền kinh tế. Ngân hàng cũng có ưu thế khi vay được lãi suất ưu đãi từ thị trường liên ngân hàng và các tổ chức tín dụng quốc tế (200 triệu USD từ quỹ IFC, Cathay United Bank,…)
Bên cạnh đó, VPbank cũng giảm tỷ trọng của trái phiếu chính phủ với lãi suất thấp trong tổng cơ cấu danh mục đầu tư và thay vào đó là đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với trái tức cao hơn. Nhờ vậy, lãi từ hoạt động đầu tư tăng 56% năm 2017 và mục tiêu sẽ tiếp tục đầu tư như vậy trong năm 2018.
Do đó, MBS nhận thấy những xu hướng tích cực về khả năng nâng cao NIM của VPBank, tăng từ 8,87% năm 2017 lên 9,42% vào năm 2018 (+55 bpts)
Dự báo tín dụng tăng 26%, ROEA duy trì 25%
MBS dự kiến cho vay khách hàng 2018 tăng 26%, riêng FE Credits tăng 39%. Trong những năm tới, tài chính tiêu dùng sẽ tăng trưởng với tốc độ thấp hơn bởi vì cạnh tranh trên thị trường hiện tại và những lo ngại về việc gia tăng nợ xấu.
Bên cạnh đó, huy động từ khách hàng tăng 19% theo mục tiêu của ngân hàng tại Đại hội cổ đông và năm 2019 sẽ là 25%. Gần đây, ngân hàng đã huy động vốn thông qua các loại giấy tờ có giá với số lượng lớn (+36% n/n) và kênh này mở ra mức lãi suất hấp dẫn hơn so với những khoản tiền gửi với lợi suất thấp và do vậy, MBS dự phóng khoản mục này sẽ tăng 24% trong năm 2018.
Thu nhập từ lãi được dự đoán tăng 34% trong năm 2018; thu nhập ngoài lãi tăng 53%, đạt 6.735 tỷ đồng.
Định hướng ngân hàng số và việc khai thác cơ sở dữ liệu khách hàng trong những năm tới, MBS dự báo tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của VPBank duy trì khoảng 34% trong năm 2018 và 2019, vì chi phí hoạt động được dự báo tăng lên 27%, doanh thu hoạt động tăng 33% năm 2018.
Theo đó, lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng 29% và 30% trong năm 2018 và 2019, đạt 8.303 tỷ đồng năm 2018. Hệ số CAR cao xấp xỉ 15%, MBS nhận định ngân hàng không phải chịu áp lực tăng vốn hay thu hẹp biên lợi nhuận, ROEA sẽ vẫn ổn định và giữ ở mức cao 25% trong năm 2018 và 2019.
Nguồn: MBS Research. |