|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Việt Nam cần hành động quyết đoán trước sóng gió thương mại

17:48 | 18/07/2019
Chia sẻ
Tổng thống Mỹ Donald Trump thường nói các cuộc chiến thương mại “rất có lợi và dễ giành chiến thắng”. Tuy nhiên đối với các quốc gia phải ứng phó với các chính sách thương mại của ông Trump như Việt Nam, muốn giành chiến thắng không phải là điều dễ dàng.

Theo nhận định của Nikkei Asian Review, trong 6 tháng qua, khi ông Trump giáng đòn thuế quan vào Trung Quốc gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam là nước hưởng lợi.

Nhiều nhà máy của Việt Nam vui vẻ tiếp nhận hợp đồng từ các tập đoàn đa quốc gia muốn tìm lối thoát khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Hoạt động sản xuất điện thoại thông minh, giày dép, quần áo, nội thất … đều tăng trưởng.

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng 36% so với cùng kì 2018. Đầu tư trong nước tăng 69% lên gần 17 tỉ USD.

Nhưng rồi ông Trump và các quan chức Mỹ để ý thấy những chuyển biến này. Phía Mỹ biết các nhà cung ứng đang đi đường vòng. Chẳng hạn các doanh nghiệp sản xuất thép Hàn Quốc và Đài Loan đưa hàng qua Việt Nam trước khi chuyển sang Mỹ để tránh thuế quan.

Nhà Trắng lần đầu gửi tín hiệu bằng việc đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về tiền tệ. Đầu tháng 7 này, Mỹ lại áp áp mức thuế 456% lên thép Việt Nam có xuất xứ từ Hàn Quốc và Đài Loan – cao gấp 18 lần thuế suất 25% mà Mỹ áp lên 200 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc.

Đây là những điềm báo cho tương lai hỗn loạn phía trước của hoạt động thương mại toàn cầu. Đầu tiên ông Trump nhằm vào Trung Quốc, bây giờ là Việt Nam, tiếp đến có thể sẽ là Nhật Bản, châu Âu; hoặc cũng có thể lại tấn công Trung Quốc – quốc gia mà ông Trump cho là đang lấy đi việc làm của người dân Mỹ.

Về phía Việt Nam, câu hỏi được đặt ra hiện nay là liệu quốc gia 97 triệu dân này có thể đứng vững trước những bão tố thương mại của ông Trump?

Con đường phía trước sẽ không dễ ràng. Giờ đây ông Trump và các trợ lí của mình đã hiểu rõ trò chơi của các nhà cung ứng, nhiều khả năng Mỹ sẽ tăng cường các biện pháp hạn chế đối với hàng "Made in Vietnam". Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ đẩy mạnh giám sát biến động tỷ giá VND/USD.

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,71% trong quí II vừa qua, thuộc nhóm cao nhất khu vực Đông Nam Á, chủ yếu nhờ vào làn sóng doanh nghiệp tìm điểm đầu tư mới thay thế cho Trung Quốc.

Chính sách tỷ giá cũng có tác dụng nhất định. Trong khi đồng tiền các nước Indonesia, Thailand hay Philippines tăng giá khá mạnh, giá trị VND nhìn chung không đổi so với USD.

Theo ông Rob Carnell – chuyên gia kinh tế tại ING Bank, Việt Nam chỉ đang hưởng lợi từ "bản chất con người": Khi chi phí sản xuất tăng lên, con người sẽ tìm cách để làm nó giảm xuống.

Chẳng hạn, Nintendo đang chuyển hoạt động sản xuất máy chơi game cầm tay Switch từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các thương hiệu quen thuộc khác như GoPro, Hasbro, Ikea hay Nike … cũng đang có động thái tương tự.

Mới đây Nikkei Asian Review đưa tin Apple đang sản xuất thử tai nghe không dây AirPod tại Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.

Nintendo Switch_2048x1152

Nintendo muốn chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ảnh minh họa: Nikkei.

Từ trước khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung nổ ra, Việt Nam đã kí kết thỏa thuận với các đại gia như Samsung Electronics, Intel và Nestle nhờ lợi thế về chính sách thương mại mở cửa, chi phí lao động thấp và vị trí địa gần gũi với các nền kinh tế năng động nhất châu Á.

Năm 2018, thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ lên mức kỉ lục 40 tỉ USD, trong khi năm 2014 chỉ là 20 tỉ USD. Trong 5 tháng đầu năm nay, thặng dư đã cao hơn 43% so với cùng kì năm ngoái.

Theo nhận định của Capital Economics, nếu ông Trump áp mức thuế 25% vào hàng hóa Việt Nam như với Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu của nước ta có thể sẽ sụt giảm 25%. Đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào quốc gia có tỉ trọng xuất khẩu lớn như Việt Nam với Mỹ là thị trường lớn nhất.

Các nỗ lực đa dạng hóa điểm đến xuất khẩu trong những năm gần đây có thể hạn chế tác động trong kịch bản này. Ngoài việc kiên định tham gia thỏa thuận TPP sửa đổi, Việt Nam còn kí thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh Châu Âu và các thị trường khác.

Dù vậy, các động thái mới đây của Mỹ sẽ có tác động khuyến khích Việt Nam tăng cường hiện đại hóa nền kinh tế và giảm phụ thuộc vào xuất khẩu.

Ngoài ra, theo Nikkei, Việt Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện sức khỏe nền kinh tế trước sóng gió thương mại.

Trong một nghiên cứu gần đây, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) chỉ ra rằng nhu cầu và rủi ro tái cấp vốn của Việt Nam hiện lớn hơn Thổ Nhĩ Kỳ. Fitch Rating trong báo cáo ngày 8/7 thì cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam đang trở nên "dễ bị tổn thương hơn trước các cú sốc do đòn bẩy tài chính tăng lên".

Theo ước tính của Fitch, tín dụng ngân hàng cuối năm 2018 đã đạt qui mô 134% GDP, cao hơn đáng kể mức trung vị 60% của các quốc gia được xếp hạng tín nhiệm BB như Việt Nam. 

Một vấn đề khác là tâm lí nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thường dao động mạnh giữa hai thái cực như quả lắc đồng hồ, có khi họ rót tiền ồ ạt vào nhưng nhiều khi lại khiến Việt Nam chịu rủi ro rút vốn lớn.

Một nội dung cần được ưu tiên hiện nay là cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Một khu vực kinh tế tư nhân sôi động là yêu cầu thiết yếu cho cạnh tranh.

Ngoài ra, Việt Nam còn cần tránh khỏi "bẫy thu nhập trung bình". Tương tự như Indonesia, Malaysia và Philippines, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam có thể sẽ bị mắc kẹt dưới ngưỡng 10.000 USD/năm.

Hiện nay, GDP bình quân danh nghĩa của Việt Nam đang ở mức 2.600 USD/người/năm. Với 70% người dân dưới 35 tuổi, Việt Nam cần tạo ra hàng triệu việc làm ổn định với thu nhập tốt để nâng cao đời sống người dân.

Song Ngọc