|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Nikkei: Cuộc điều tra luận tội ông Trump là chướng ngại vật trong đàm phán thương mại Mỹ - Trung

06:25 | 27/09/2019
Chia sẻ
Khi Tổng thống Trump đang chuẩn bị cho vòng đàm phán cấp cao với Trung Quốc vào tháng 10 tới, cuộc điều tra luận tội - một sự kiện mang tính bước ngoặt - đã xuất hiện và có khả năng làm phức tạp thêm quá trình đàm phán sắp tới.
https%3A%2F%2Fs3-ap-northeast-1

Tổng thống Trump (Ảnh: Reuters)

"Chướng ngại vật" bất ngờ trong đàm phán thương mại

Vào ngày 24/9, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi đã khiến cả nước Mỹ ngỡ ngàng khi tuyên bố một cuộc điều tra luận tội chống lại Tổng thống Trump.

Bà Pelosi đã từ chối lời kêu gọi thực hiện qui trình tố tụng chính thức chống lại ông Trump trong và sau cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Muller.

Tuy nhiên, các cáo buộc mới nhất liên quan đến việc ông Trump ép Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điều tra đối thủ chính trị kiêm cựu Phó Tổng thống Joe Biden cùng gia đình đã thúc giục bà hành động.

Vào ngày 25/9, Tổng thống Trump đã tìm cách chuyển sự chú ý khỏi cuộc điều tra bằng cách ca ngợi nền kinh tế Mỹ và một thỏa thuận thương mại tiềm năng sắp kí kết với Trung Quốc.

"Chúng ta đã tạo dựng nền kinh tế vĩ đại nhất trong lịch sử nước Mỹ cũng như thế giới. Ngay hiện tại, Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ và sẽ không bao giờ bắt kịp chúng ta nếu nước Mỹ có một nhà lãnh đạo thông thái", Nikkei Asian Review dẫn lời ông Trump cho hay.

"Chúng ta đã thu về hàng nghìn tỉ USD, trong khi Trung Quốc thua lỗ hàng nghìn tỉ USD. Họ muốn kí kết thỏa thuận hơn bao giờ hết. Thỏa thuận có thể đến sớm hơn bạn tưởng".

Bình luận trên được đưa ra một giờ sau khi ông Trump công bố bản chép lại cuộc điện thoại với Tổng thống Ukraine diễn ra ngày 25/7.

Tổng thống Mỹ phải chịu áp lực lớn từ Đảng Dân chủ và một số thành viên Đảng Cộng hòa, buộc ông phải công khai bản chép lại cuộc trao đổi sau khi một nhân viên chính phủ nộp đơn khiếu nại.

Cụ thể, người này cáo buộc ông Trump gây sức ép để Tổng thống Ukraine điều tra con trai ứng viên Joe Biden và một máy chủ của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ liên quan đến việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016.

Vào tuần trước, Tổng thống Trump cho biết Trung Quốc muốn đàm phán với một tổng thống Mỹ khác, nhưng họ nghĩ rằng ông sẽ giành chiến thắng.

Ông Trump đã cảnh báo Bắc Kinh, nếu thỏa thuận đến sau cuộc bỏ phiếu ngày 3/11/2020, điều khoản đàm phán sẽ xấu đi nhiều.

Thông báo về cuộc điều tra luận tội được đưa ra ngay sau khi ông Trump chỉ trích nặng nề hành vi thương mại bất hợp pháp của Trung Quốc tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 74.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã phản ứng lại bình luận trên, theo đó khẳng định Trung Quốc sẽ không chấp nhận cảnh bị dọa nạt.

Cuộc điều tra luận tội chỉ khiến ông Trump thận trọng hơn trong đàm phán

Vòng đàm phán vào tháng 10 giữa Phó Thủ tướng Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Bộ Tài chính Steven Mnuchin vẫn sẽ tiếp tục. Hai bên đang chịu áp lực phải tiến gần hơn đến một thỏa thuận thương mại.

"Họ muốn kí thỏa thuận", ông Trump cho hay tại một cuộc họp báo ngày 25/9 tại Liên Hợp Quốc. "Bởi thị trường Trung Quốc đang mất việc làm, chuỗi cung ứng sụp đổ và doanh nghiệp rời sang địa điểm mới, bao gồm việc quay trở về Mỹ. Kết cục đang tệ hơn những gì họ tưởng".

Ông Edward Alden, thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại chuyên về thương mại, nhận định cuộc điều tra luận tội sẽ khiến ông Trump thận trọng hơn trong quá trình đàm phán với Trung Quốc.

"Đặc biệt là khi Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - ứng viên tranh cử của Đảng Dân chủ, đang dần thắng thế trong các cuộc thăm dò, ông Trump có thể còn nhạy cảm hơn bình thường trước bất kì cáo buộc nào cho thấy ông đang yếu thế trước Trung Quốc.

Phương án khả dĩ nhất hiện tại là một thỏa thuận tạm thời và khiêm tốn, tuy nhiên nó sẽ gây ra rủi ro chính trị đối với ông Trump, đặc biệt là trong quá trình điều tra luận tội", ông Alden chia sẻ với Nikkei.

"Câu hỏi lớn lúc này là liệu căng thẳng song phương Mỹ - Trung có leo thang hơn nữa hay không. Điều đó sẽ gây thiệt hại cho ông Trump nếu nó làm tổn thương nền kinh tế Mỹ vào năm 2020".

Ông Alden cũng cho biết, thách thức từ Quốc hội Mỹ có thể khiến Tổng thống Trump củng cố lập trường cứng rắn và bất hợp tác.

Chưa bên nào tuyệt vọng đến mức phải kí ngay thỏa thuận thương mại

Ông Michael Hirson, nhà phân tích của Eurasia Group, bày tỏ thái độ hoài nghi về việc hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận toàn diện vào năm 2020 khi mà ông Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình phải nỗ lực rất nhiều mới có thể đến đích.

Cho đến nay, ông cho biết không bên nào tuyệt vọng đến mức phải thỏa hiệp với phía còn lại.

"Hiện tại, ông Trump đang dần có chiều hướng muốn kí một 'thỏa thuận nhỏ' với Bắc Kinh, trong đó Trung Quốc mua nông sản Mỹ và điều này góp phần tháo gỡ một số khó khăn của nông dân Mỹ.

Ông Trump cũng sẽ thận trọng trước sự leo thang của chính sách thuế quan. Nếu ông ấy muốn kí một thỏa thuận do gặp bất lợi về mặt chính trị, Bắc Kinh có thể chuyển sang lập trường cứng rắn và ít nhượng bộ hơn.

Một thỏa thuận bất lợi cho phía Mỹ chắc chắn sẽ đối mặt với rất nhiều chỉ trích tại nền kinh tế lớn nhất thế giới", ông Hirson nói.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng từ chối bình luận về cuộc điều tra luận tội tại cuộc họp báo hôm 25/9.

Tuy nhiên, một phân tích được công bố trên Tân Hoa Xã cho thấy diễn biến này có thể chỉ  ảnh hưởng đến cuộc tranh cử tổng thống năm 2020 của ông Trump chứ không buộc ông rời khỏi Nhà Trắng khi nhiệm kì vẫn còn.

Trong khi đó, Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập tờ Global Times, khẳng định một nửa trong số các tổng thống Mỹ trong 30 năm gần đây đều phải đối mặt với các cuộc điều tra luận tội.

"Các đời tổng thống Mỹ đã dành phân nửa thời gian đương nhiệm để tham gia những trò chơi chính trị này, dù theo thế chủ động hay bị động", ông Hồ viết trên Twitter.

Khả Nhân