|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Niềm tin đang được củng cố nhưng khả năng phục hồi của thị trường địa ốc vẫn khó đoán định

07:45 | 08/04/2023
Chia sẻ
Nhiều nhận định cho rằng thị trường bất động sản sẽ ấm lên vào cuối năm 2023 nhờ những quyết sách, song điều này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

(Ảnh minh họa: Hải Quân).

Thị trường bất động sản vừa đi qua hơn 1/4 chặng đường của năm 2023. Tính đến nay, có thể nói đã ba quý liên tiếp ngành địa ốc chìm trong khó khăn, căng thẳng.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), thị trường bất động sản quý I/2023 tiếp tục chứng kiến sự trầm lắng và nhà đầu tư vẫn đang trong tâm thế chờ đợi. Thị trường đang trong trạng thái rất thiếu nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung phân khúc nhà ở vừa túi tiền.

Tuy nhiên, ba điểm nghẽn lớn của thị trường bất động sản là tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp và pháp lý đang đã được Chính phủ nhìn nhận và đang vào cuộc một cách quyết liệt. Niềm tin của các nhà đầu tư đang được củng cố khi Chính phủ liên tiếp ban hành các chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Đơn cử, theo vị này, nhận thấy Nghị định 65 sửa đổi ra đời vẫn gây khó khăn cho doanh nghiệp, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 08 để tháo gỡ điểm nghẽn.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ thị trường, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã thống nhất với 4 ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng. Đặc biệt, chỉ trong tháng 3 vừa qua, NHNN đã quyết định giảm lãi suất điều hành hai lần liên tiếp.

“Chúng tôi được biết Thủ tướng đang chỉ đạo NHNN tiếp tục điều chỉnh lãi suất ở mức hợp lý để tiệm cận với khả năng của những người có nhu cầu sử dụng vốn”, ông Đính cho hay.

Liên quan đến điểm nghẽn pháp lý, ông Đính cho biết, các bộ ngành, địa phương cũng đang vào cuộc rất quyết liệt. Cách đây hai ngày, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai được ban hành. Có thể nói Nghị định này là “phát súng” đầu tiên trực tiếp giải quyết một số vấn đề của Luật Đất đai, tháo gỡ những điểm nghẽn rất lớn của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Đặc biệt, Nghị định đã tháo gỡ điểm nghẽn kéo dài lâu nay của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng. Tới đây, căn hộ du lịch (condotel), căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú (officetel) nếu xây trên đất thương mại, dịch vụ sẽ được cấp chứng nhận quyền sở hữu (sổ hồng). Đây là điều mà hàng nghìn nhà đầu tư đang mong đợi, các chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng cũng sẽ vui mừng.

“Niềm tin của các nhà đầu tư được củng cố sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng phục hồi và phát triển. Tới đây sẽ có nhiều hơn những văn bản ra đời và theo đó, sẽ có nhiều dự án trong hàng nghìn dự án đang nằm đắp chiếu chờ đợi chính sách sẽ được cởi trói, cung cấp nguồn cung mới cho thị trường. Như vậy, thị trường có thể sẽ tốt lên trong quý II/2023 khi nguồn cung tăng, dòng tiền trở lại, doanh nghiệp có nguồn vốn qua phát hành trái phiếu,…”, Chủ tịch VARS nói.

Kỳ vọng vào nửa cuối năm

Về phía Bộ Xây dựng, chia sẻ tại hội thảo mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản đánh giá, không ngay lập tức giống như chính sách tiền tệ, chính sách về bất động sản luôn luôn có độ trễ. Một chính sách hôm nay ra có thể phải 6 tháng sau mới có hiệu lực và sau đó tiếp tục cần thời gian để lan tỏa.

“Theo tôi, thị trường bất động sản phải có lên có xuống giống như đồ thị hình Sin. Nhiều dự báo thị trường sẽ tốt lên vào quý III hoặc quý IV nhưng tốt lên ở góc độ nào, mảng nào? Nhưng ở góc độ làm chính sách, Chính phủ và các bộ ngành phải làm cho thị trường phát triển và chắc chắn trong thời gian tới, thị trường bất động sản sẽ khác. Cụ thể là vào thời điểm cuối năm 2023 sẽ có những yếu tố tích cực liên quan đến dòng vốn giải ngân đầu tư công, phát triển nhà ở xã hội, tháo gỡ vướng mắc pháp lý", vị này nhận định.

Ở góc độ chuyên gia, TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và quản lý Trung ương dự báo, nếu có ánh sáng lóe lên và tích cực hơn một chút đối với thị trường bất động sản thì đâu đó sẽ rơi vào nửa cuối năm 2023.

Lý do thứ nhất là thị trường còn phục thuộc vào bối cảnh bên ngoài là kinh tế thế giới, áp lực lạm phát, tỷ giá và lãi suất có giảm bớt không,… Lý do thứ hai là thị trường phụ thuộc vào nỗ lực trong nước khi mà trong 6 tháng đầu năm nay, Chính phủ sẽ tập trung vào xử lý những vấn đề liên quan đến tài chính tiền tệ và bất động sản.

“Hiện nay, áp lực trong việc điều hành chính sách tiền tệ đã đỡ hơn nhưng bất động sản mới đang được đặt lên bàn để có những quyết sách, và việc triển khai trên thực tế sẽ chậm hơn. Hy vọng, trong quý II này, tín hiệu tốt hơn của bất động sản bắt đầu xuất hiện”, ông Thành nói.

Hà Lê