Niềm tin của nhà đầu tư dần trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp
Sau một loạt các giải pháp của cơ quan quản lý; trong đó, quan trọng nhất là Nghị định 65/2022 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ và Nghị định số 08/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại với thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã nâng cao được tính minh bạch trong cả việc phát hành sơ cấp và giao dịch trên thị trường thứ cấp, với trách nhiệm cao hơn đối với cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.
Theo ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh Doanh Trái phiếu và Sản phẩm cấu trúc, Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI), về thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2024, những quy định mới yêu cầu tổ chức phát hành phải nâng cao tiêu chuẩn về tính minh bạch, sự đầy đủ của hồ sơ và các điều kiện pháp lý; trong đó, mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ đang là ưu tiên hàng đầu.
Về phía nhà đầu tư, quy định về tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đã được thắt chặt hơn nhiều so với quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế, để đảm bảo rằng trái phiếu được mua bán bởi đúng đối tượng nhà đầu tư chuyên nghiệp – những người hiểu rõ rủi ro của công cụ trái phiếu.
Ở một góc độ khác, Chính phủ đã tích cực chỉ đạo và trực tiếp làm việc với các doanh nghiệp bất động sản (nhóm chiếm tỷ trọng rất lớn trong quy mô phát hành và dư nợ trái phiếu) để góp phần tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục và pháp lý trong việc phát triển và bàn giao dự án, từ từ khơi thông lại hoạt động kinh doanh và dòng tiền cho doanh nghiệp bất động sản. Cùng đó, lãi suất tiền gửi được duy trì ở mức thấp giúp cho kênh đầu tư trái phiếu trở nên hấp dẫn hơn.
Tâm lý của thị trường và nhà đầu tư nhìn chung đã trở nên tích cực hơn. Hoạt động phát hành và giao dịch trái phiếu trên thị trường thứ cấp đã hồi phục đáng kể kể từ vùng đáy giai đoạn cuối năm 2022 - đầu năm 2023.
Số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, 7 tháng năm 2024, đã có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng 161.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), thị trường trái phiếu doanh nghiệp dự kiến sẽ tiếp tục sôi động hơn trong 2 quý cuối năm khi các doanh nghiệp tăng cường phát hành nhằm đảo nợ các khoản trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn này.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam thông tin, trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 114,953 tỷ đồng. Có 38,4% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 44,129 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 19,093 tỷ đồng (chiếm 16,6%).
Dù có nhiều tín hiệu tích cực, nhưng ông Phan Tùng Lâm, Giám đốc Kinh Doanh Trái phiếu và Sản phẩm cấu trúc của SSI cũng cho rằng, ở chiều hướng ngược lại, vẫn còn nhiều nhà phát hành không trả được nợ đúng hạn hoặc phải gia hạn trái phiếu. Điều này không chỉ khiến dòng vốn bị kẹt lại mà còn làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Luật SBLAW cho biết, sau những khó khăn trong giai đoạn 2022-2023, niềm tin của nhà đầu tư đã dần trở lại.
Nghị định 08/2023/NĐ-CP được ban hành đã giúp tháo gỡ nhiều vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện các đợt phát hành trái phiếu mới.
Chính phủ đã chú trọng đến việc tăng cường minh bạch thông tin. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm bắt đầu hoạt động, giúp nhà đầu tư có cái nhìn rõ ràng hơn về rủi ro và chất lượng trái phiếu.
Các quy định về công bố thông tin và giám sát doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã được thắt chặt, tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin chính xác và kịp thời hơn.
Việc này giúp giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư, tăng cường niềm tin và thu hút nhiều hơn sự quan tâm của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Chính phủ đã nâng cao vai trò giám sát của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan chức năng khác trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động phát hành trái phiếu, giúp phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm, giảm thiểu nguy cơ rủi ro hệ thống.
Bên cạnh đó, việc kinh tế tiếp tục tăng trưởng và thị trường bất động sản dần phục hồi là yếu tố quyết định về việc phục hồi thị trường trái phiếu, bởi doanh nghiệp tiếp tục cần vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất và kinh doanh.
Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài Chính, 7 tháng năm 2024, đã có 174 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thành công với khối lượng 161.500 tỷ đồng, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh những mặt tích cực, ông Hà cho rằng, hiện nay hững vi phạm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu không chỉ làm giảm uy tín, dẫn đến sự thiếu minh bạch và tin cậy trong thị trường trái phiếu mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của nhà đầu tư.
Do đó, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần xem xét việc tăng cường mức phạt, cả về tài chính lẫn hình thức khác, để tạo áp lực buộc doanh nghiệp tuân thủ đúng quy định.
Công khai danh sách, thông tin doanh nghiệp vi phạm cũng là một biện pháp đang được thực hiện nhưng cần thực hiện rộng rãi hơn. Việc công khai danh sách các doanh nghiệp vi phạm và các hình thức xử phạt trên các phương tiện truyền thông có thể tạo ra sức ép xã hội, giảm uy tín, buộc các doanh nghiệp phải cẩn trọng hơn trong việc tuân thủ pháp luật.
Đồng thời, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường kiểm tra và giám sát các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đặc biệt là các khâu công bố thông tin. Việc này giúp phát hiện sớm các vi phạm và ngăn chặn chúng trước khi gây ra hậu quả nghiêm trọng
Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, doanh nghiệp phát hành trái phiếu không tuân thủ quy định sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hiện nay, đối với xử phạt hành chính, các hành vi vi phạm hành chính về chào bán, phát hành trái phiếu, công bố thông tin và báo cáo sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 156/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 128/2021/NĐ-CP) quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Cụ thể như với hành vi công bố thông tin sai lệch có thể bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc hủy bỏ thông tin hoặc cải chính thông tin đối với hành vi vi phạm.
Về xử lý hình sự, trường hợp có dấu hiệu cấu thành tội phạm thì cơ quan tiến hành tố tụng sẽ khởi tố vụ án về tội “Cố ý công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin trong hoạt động chứng khoán” theo quy định tại Điều 209 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 với mức hình phạt cao nhất là phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.
Đối với pháp nhân, mức phạt cao nhất là bị phạt tiền đến 5.000.000.000 đồng. Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm.