|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những yếu tố nào là động lực tăng trưởng cho ACB, MB và Vietcombank trong năm 2020?

10:14 | 20/01/2020
Chia sẻ
Trong năm 2020, ACB, MB và Vietcombank dự kiến sẽ tăng trưởng lợi nhuận từ những lợi thế riêng biệt: thu nhập bất thường từ bảo hiểm, khả năng mở rộng NIM, thặng dư tăng vốn, thoái vốn,...

ACB sẽ có thu nhập bất thường từ bảo hiểm và thoái vốn?

Theo nhận định của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) dự kiến sẽ có nguồn thu nhập bất thường nhờ thoả thuận bancassurance độc quyền và thoái vốn khỏi ACBS trong năm 2020. 

ACB là ngân hàng định hướng bán lẻ,với 91% dư nợ từ cho vay khách hàng cá nhân (59%) và khách hàng SME (32%). Ngân hàng đang nắm giữ 3,3% và 3,6% thị phần cho vay và tiền gửi. Năm 2019, số lượng khách hàng cá nhân của ACB đã tăng đều từ hơn 2 triệu khách vào đầu năm lên 2,5 triệu khách vào cuối quí II/2019 và 3,1 triệu khách vào cuối quí III/2019. 

Trong khi đó, chất lượng tài sản tốt là một trong những năng lực cốt lõi của ngân hàng, với tỉ lệ nợ xấu được duy trì dưới 1% và tỉ lệ bao phủ nợ xấu là 159% vào cuối quí III/2019, đây là tỉ lệ tốt thứ hai trong toàn hệ thống sau Vietcombank

SSI dự báo tăng tăng trưởng lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi năm 2020 ở mức 16% và ROE ở mức 23%. Tuy nhiên, tỉ lệ hình thành nợ xấu cao hơn ước tính có thể làm tăng chi phí tín dụng và làm giảm lợi nhuận. 

MB có khả năng mở rộng NIM

Về Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - Mã: MBB), các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng ngân hàng có khả năng tiếp tục mở rộng tỉ lệ lãi cận biên (NIM) do ba nguyên nhân chính. 

Thứ nhất do chi phí huy động của ngân hàng thấp nhất trong hệ thống (4,01% trong quí III/2019) và lãi suất cho vay cạnh tranh hơn nhiều so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác (ACB, Sacombank, HDBank, TPBank, VIB).

Thứ hai do tỉ lệ cho vay trên huy động là khoảng 74%, thấp hơn nhiều so với giới hạn qui định là 85% do đó có nhiều triển vọng trong tăng trưởng tín dụng.

Thứ ba, do trọng cho vay tiêu dùng trên tổng dư nợ cho vay có thể tăng.

Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng dự phòng nợ xấu cao giúp ngân hàng xử lí được việc tăng nợ xấu bất thường. Tỉ lệ nợ xấu của MB gần đây đã tăng từ 1,32% vào cuối năm 2018 lên 1,54% vào cuối quí III/2019. Tuy nhiên, tỉ lệ bao phủ nợ xấu vẫn được giữ ở mức 103%.

MB là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất sở hữu lợi thế đặc biệt về nguồn vốn huy động chi phí thấp từ cơ sở khách hàng doanh nghiệp lớn. Với lợi thế này, ngân hàng tiếp tục mở rộng các khoản cho vay khách hàng cá nhân và tận dụng lợi thế của ngành tài chính tiêu dùng đang phát triển để có được mức chênh lệch lãi suất đầu ra – đầu vào ngày càng tăng.

Cơ cấu cho vay giữa khách hàng cá nhân/ doanh nghiệp của ngân hàng đã chuyển từ 21%/ 79% trong năm 2015 lên 41%/ 59% trong quí III/2019. Dựa trên các yếu tố này, MB đã làm tăng đáng kể chênh lệch lãi suất và cải thiện lợi nhuận trong những năm gần đây. 

Tuy nhiên, MB cũng phải đối mặt với rủi ro tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giảm, do khách hàng doanh nghiệp có thể dễ dàng chuyển từ tiền gửi không kì hạn sang tiền gửi có kì hạn.

Vietcombank: Thặng dư từ kế hoạch phát hành 6% cổ phần vào năm 2020

 Vietcombank ban đầu là một ngân hàng phục vụ khách hàng doanh nghiệp, nhưng đã chuyển mạnh sang hướng cho vay bán lẻ nhiều hơn để tăng NIM và giảm rủi ro tập trung tín dụng. Tính đến tháng 9/2019, cho vay bán lẻ chiếm 51% dư nợ cho vay bao gồm khách hàng cá nhân (42%) và khách hàng SME (9%). Ngân hàng chiếm 9,1% thị phần cho vay và 11% thị phần tiền gửi.

Báo cáo của SSI cho biết Vietcombank có kế hoạch phát hành khoảng 6% cổ phần vào năm 2020 để tăng vốn. Với triển vọng tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ từ mảng kinh doanh cốt lõi, ngân hàng có thể phát hành thành công ở mức giá hiện tại, điều này sẽ mang lại một khoản thăng dư vốn lớn cho ngân hàng.

Bên cạnh đó, SSI Research cho rằng Vietcombank còn nhiều cơ hội mở rộng NIM và thu nhập từ phí trong phân khúc bán lẻ (phí thanh toán và thu nhập bancassurance) khi Vietcombank tận dụng hơn cơ sở khách hàng bán lẻ của ngân hàng. Các chuyên gia phân tích ước tính ROE của ngân hàng sẽ duy trì ở mức khoảng 20-21% trong năm 2019-2021.

Diệp Bình