Những dấu ấn hoạt động kinh doanh của ACB trong năm 2019
Theo thông tin chia sẻ từ phía ban lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư vào giữa tháng 1, lợi nhuận trước thuế trong năm 2019 của ACB ước đạt 7.516 tỉ đồng, tăng 17,6% so với năm trước và là mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Trong đó, các mảng kinh doanh chính đều ghi nhận tăng trưởng. Cụ thể, thu nhập lãi thuần ngân hàng mẹ tăng 17%, thu nhập phí thuần tăng 39%, tổng thu nhập ngân hàng mẹ tăng 15%.
Tỉ lệ lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm 2019 của ACB đạt 24,6%, thuộc nhóm cao nhất ngành. Tỉ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) ở mức 1,7%.
Tính đến 31/12/2019, tổng tài sản ngân hàng đạt 383.000 tỉ đồng, tăng 16,5% so với đầu năm, trong đó trái phiếu chính phủ chiếm 15%. Dư nợ tín đụng đạt khoảng 266.000 tỉ đồng, tăng 16,8%; số dư huy động đạt 308.000 tỉ đồng, tăng 14,1% so với đầu năm.
ACB là ngân hàng có định hướng tập trung mảng ngân hàng bán lẻ ngay từ những ngày đầu hoạt động. Hiện nay, 91% dư nợ cho vay của ngân hàng là ở mảng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME); tỉ lệ huy động từ khách hàng cá nhân là 80%.
Theo con số đưa ra từ ACB, thị phần cho vay của ACB chiếm 3,2% và thị phần huy động ở mức 3,5%.
Tỉ lệ tiền gửi không kì hạn (CASA) của ACB ở mức 20%; Tỉ lệ cho vay trên huy động (LDR) ở mức 78%.
Đáng chú ý, có thể nhận thấy rằng chất lượng tài sản của ACB cũng tiếp tục duy trì ở mức khả quan.
Chi phí dự phòng tín dụng 2019 giảm 75% nhưng tỉ lệ bao phủ nợ xấu vẫn ở mức cao 165% nhờ tỉ lệ nợ xấu thấp 0,54% và không còn trái phiếu VAMC. Hệ số CAR riêng lẻ của ngân hàng ở mức 10,2% và hợp nhất ở mức trên 11%.