Những toan tính còn dang dở của 'Út trọc' Đinh Ngọc Hệ
Lễ ký hợp đồng tín dụng 1.350 tỷ đồng xây dựng công trình cầu Việt Trì từ tháng 11/2014 có sự tham dự của ông Đinh Ngọc Hệ . Ảnh: Báo Giao thông |
Tại cuộc họp báo quý 1 của Bộ Quốc phòng chiều 29/3, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cung cấp thông tin về việc thượng tá Đinh Ngọc Hệ, biệt danh "Út trọc", đang bị khởi tố điều tra, đại tá Nguyễn Văn Đức, Phụ trách Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng, cho biết Bộ Quốc phòng đang trong quá trình điều tra vụ án kinh tế này.
Trước đó, tháng 12/2017, ông Đinh Ngọc Hệ cũng không còn là Tổng giám đốc cũng như người đại diện pháp luật của Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Thái Sơn (Công ty Thái Sơn). Người thay thế ông Hệ là ông Bùi Duy Nhân.
Hơn 8 năm qua, Công ty Thái Sơn dưới sự quản lý của ông Đinh Ngọc Hệ đã cùng các doanh nghiệp như Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1), Công ty cổ phần tập đoàn Đức Bình lập ra nhiều liên danh để thực hiện hàng loạt dự án BT, BOT.
Các dự án BT, BOT mà Công ty Thái Sơn cùng các đối tác đã, đang và dự định thực hiện có thể kể đến như: Dự án đầu tư khôi phục, cải tạo QL20 – Lâm Đồng; Dự án BOT cầu Việt Trì; Dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái; Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3…
Dự án đầu tư xây dựng cầu Cát Lái
Dự án cầu Cát Lái có chiều dài và đường dẫn cầu khoảng 4,5km, mặt cắt ngang 60m, sau khi hoàn thành sẽ có 6 làn xe cơ giới và 2 làn hỗn hợp phục vụ các phương tiện giao thông. Thời gian dự kiến khởi công xây dựng cầu Cát Lái là trong khoảng thời gian 2017 – 2020.
Phối cảnh dự án cầu Cát Lái |
Vị trí Cầu Cát Lái là điểm đầu kết nối với nút giao thông Mỹ Thủy (Quận 2, TP.HCM) và điểm cuối sẽ cách bến phà hiện hữu khoảng 1.2km thuộc xã Phú Hữu, đô thị Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). Về hướng tuyến, công trình chạy dọc theo đường Nguyễn Thị Định đến khoảng đầu đường nội bộ số 21 rẻ phải vượt sông Đồng Nai, hướng về đường Lý Thái Tổ – thuộc khu đô thị Nhơn Trạch, sau đó rẽ trái kết nối với đường Lý Thái Tổ.
Tổng mức đầu tư vào khoảng 5.700 tỷ đồng, trong đó giải phóng mặt bằng cho cả 2 địa phương là 1.225 tỷ. Phương án nhà đầu tư đang đề xuất là BOT ( xây dựng – kinh doanh – chuyển giao) , trong vòng 23,7 năm.
Có 2 đơn vị đưa ra phương án xây dựng cầu là: Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194 và Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép.
Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194, qua báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng cầu thay phà Cát Lái, đưa ra 2 mức đầu tư là 5.717 tỷ đồng và 4.447 tỷ đồng.
Còn Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép lại đưa ra phương án nghiên cứu lập đề xuất dự án xây dựng cầu Cát Lái theo hình thức BOT kết hợp BT.
Hiện nay vẫn chưa có thông tin về việc lựa chọn Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 194, hay Liên danh nhà đầu tư Thái Sơn – Cienco1 – Đức Bình – Cái Mép làm chủ đầu tư của dự án trên.
Dự án Đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3
Dự án này được UBND TP.HCM giao Liên danh Cienco 1- Công ty Thái Sơn - Tuấn Lộc nghiên cứu lập đề xuất theo hình thức đối tác công tư (hợp đồng BT).
Cầu Thủ Thiêm 3 là một trong những công trình trọng điểm và được xem như là biểu tượng của TP.HCM trong tương lai. Vị trí cầu Thủ Thiêm 3 bắt đầu từ đường Tôn Đản (quận 4), băng qua đường Nguyễn Tất Thành, khu đất bến cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cảng Sài Gòn), vượt sông Sài Gòn để nối với khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2).
Tuy nhiên, việc giao 3 công ty trên lập đề xuất dự án không có nghĩa liên danh này là nhà đầu tư của dự án. Các nhà đầu tư khác vẫn có thể tham gia lập đề xuất dự án, TP.HCM sẽ lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo quy định.
Đến hiện tại, vẫn chưa có nhiều thông tin liên quan đến Dự án đầu tư xây dựng cầu Thủ Thiêm 3.
Ngoài các dự án trên, hồi cuối tháng 2/2016, Liên danh Thái Sơn - Đức Bình đã có tờ trình gửi Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xin tham gia đầu tư dự án cảng hàng không Vũng Tàu theo hình thức PPP và Khu “đất vàng” 621 Phạm Văn Chí.