|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến khai gì về lí do chuyển ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng làm kinh tế?

18:33 | 19/05/2020
Chia sẻ
Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến khai việc đưa 3 khu đất có vị trí đắc địa trên đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) từ đất quốc phòng sang làm kinh tế xuất phát từ 2 lí do.

Phiên tòa xét xử cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến cùng 7 bị cáo trong vụ án liên quan sai phạm tại 3 khu "đất vàng" ở TP HCM đang diễn ra từ ngày 18/5 tại trụ sở Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội.

Trong vụ án này, có tổng cộng 8 bị cáo, trong đó nhiều người từng là quan chức cấp cao của Quân chủng Hải quân.

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng, bị truy tố về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo điểm c khoản 3 Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 với khung hình phạt 7-12 năm tù.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến khai gì về lí do chuyển ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng làm kinh tế? - Ảnh 1.

Cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến tại phiên tòa xét xử sơ thẩm ngày 18/5. Ảnh: Thông tấn Quân sự.

Bốn bị cáo bị xét xử về tội vi phạm các qui định về quản lí đất đai gồm các ông Bùi Như Thiềm (cựu trưởng Phòng kinh tế QCHQ), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng Phòng tài chính QCHQ), Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc QCHQ) và Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành).

Ngoài ra, ba bị cáo khác bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản gồm ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), ông Phạm Văn Duyệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và bà Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh).

Theo cáo buộc, các khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lí của Quân chủng Hải quân. Khi thực hiện chủ trương hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp trên 3 khu đất trên, các bị can đã không làm đúng qui định về quản lí đất đai.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến, khi đó là Tư lệnh Quân chủng Hải quân, do thiếu kiểm tra, thiếu trách nhiệm trong việc quản lí đất quốc phòng, đã nhất trí với những đề xuất không đúng qui định của các bị can khác, đã kí nhiều văn bản báo cáo xin chuyển mục đích sử dụng đất, đưa 3 lô đất vào hợp tác kinh doanh.

Các bị cáo để Công ty Hải Thành thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng mục đích đất, tham gia góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất, thành lập liên doanh khi chưa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý điều chỉnh qui hoạch đất quốc phòng, không lập dự án đầu tư, phương án sản xuất kinh doanh báo cáo Bộ Quốc phòng phê duyệt.

Hậu quả làm Quân chủng hải quân mất quyền quản lí, sử dụng 3 khu đất nói trên trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 939 tỉ đồng.

Chuyển đổi 3 khu đất vàng quốc phòng làm kinh tế vì đời sống chiến sĩ rất kham khổ!

Trả lời thẩm vấn trước tòa trong phiên xét xử sơ thẩm, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cho biết thời điểm chuyển giao 3 khu đất có vị trí đắc địa ở đường Tôn Đức Thắng nói trên vào giai đoạn 2006, bị cáo đang giữ chức Tư lệnh Quân chủng Hải quân, Phó bí thư Đảng ủy Quân chủng.

Ông Hiến khai việc chủ trương đưa 3 khu đất nói trên từ đất quốc phòng sang làm kinh tế xuất phát từ 2 lí do.

Cựu Thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến khai gì về lí do chuyển ba khu đất quốc phòng trên đường Tôn Đức Thắng làm kinh tế? - Ảnh 2.

Khu đất số 2 Tôn Đức Thắng hiện đang là tòa nhà văn phòng cho thuê. Ảnh: Soha.

Theo ông Hiến, tại cuộc gặp với lãnh đạo Quân chủng Hải quân, lãnh đạo TP HCM có đề nghị đang chỉnh trang lại đô thị và Quân chủng Hải quân có một số khu đất trên đường Tôn Đức Thắng, nên đề nghị phối hợp cùng chỉnh trang.

Từ việc này mà lãnh đạo Công ty TNHH MTV dịch vụ và du lịch biển đảo Hải Thành, Quân chủng Hải quân (Công ty Hải Thành) - đơn vị đang sử dụng các khu đất, đã đề xuất Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Hải quân chuyển sang làm kinh tế, mang lại lợi ích cho Quân chủng.

Lí do thứ 2, theo ông Hiến là "do nhu cầu cần nâng cao đời sống cho bộ đội, mà Quân chủng Hải quân thời điểm đó rất cấp bách vì đời sống của cán bộ chiến sĩ rất kham khổ".

Dù vậy, cựu đô đốc Nguyễn Văn Hiến cũng thừa nhận Quân chủng Hải quân không đủ thẩm quyền để chuyển đổi đất quốc phòng sang làm kinh tế.

Thường vụ quân chủng Hải quân đã có 5 phiên họp và 5 văn bản đề xuất đưa 3 khu đất nêu trên vào làm kinh tế và báo cáo lên Bộ Quốc phòng.

"Tôi rất lấy làm tiếc, lẽ ra phải báo cáo cả Thủ tướng nữa, nhưng anh em không ai tham mưu, không ai yêu cầu, nên chúng tôi sai", báo Thanh Niên dẫn lời khai của ông Nguyễn Văn Hiến khi trả lời HĐXX trong phiên tòa ngày 18/5.

Ông Hiến cũng khai, bộ phận tham mưu, đề xuất là Công ty Hải Thành, Phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân.

Bị cáo Hiến xác nhận, Công ty Hải Thành, Phòng Kinh tế của Quân chủng Hải quân đã trình văn bản và được bị cáo kí tờ trình trình lên Bộ Quốc phòng xin điều chỉnh qui hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng tại 3 khu đất trên sang làm kinh tế.

Theo ông Hiến, các tờ trình do bị cáo kí thời điểm đó đều được lãnh đạo Bộ Quốc phòng trả lời và chỉ đạo việc chuyển đổi phải thực hiện đúng theo qui định của luật Đất đai và qui định của Bộ Quốc phòng. Đồng thời, phải đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng tới nhiệm vụ quốc phòng.

"Tôi cho rằng, chúng tôi đã đã hiểu sai ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ", ông Hiến nói tại tòa.

Tuy nhiên, ông Hiến cũng cho rằng việc mình kí phê duyệt vào các văn bản đều do các cơ quan tham mưu, đề xuất và thừa nhận bản thân thiếu kiểm tra, xét duyệt, dẫn đến hậu quả.

Theo báo Lao động, trả lời câu hỏi của tòa: "Vì sao bản chất cho thuê đất không làm hợp đồng cho thuê đất mà lại làm hợp đồng liên doanh?", ông Hiến cho hay, đến khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết là thuê, trong hợp đồng không có chữ thuê nào mà là liên doanh trả khoán.

"Bị cáo có kiểm tra lại xem cơ quan tham mưu, đơn vị kinh tế làm đúng không?", tòa hỏi tiếp. "Tôi không có điều kiện kiểm tra", bị cáo Hiến trả lời.

Thực trạng ba khu đất vàng Tôn Đức Thắng hiện nay ra sao?

Theo thông tin từ báo chí, trong ba khu đất "vàng" trên, khu đất số 2 đường Tôn Đức Thắng (TP HCM) có diện tích 1.215 m2. Năm 2006, Vũ Văn Khánh (khi đó là Giám đốc Công ty Hải Thành) và Phạm Duy Tân (Giám đốc Công ty TNHH Cảnh Hưng) kí Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác kinh doanh xây dựng khu cao ốc văn phòng tại khu đất số 2.

Hai bên thành lập Công ty TNHH liên doanh Cảnh Hưng Hải Thành, vốn điều lệ 15 triệu USD, thời hạn 49 năm. Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trị giá 1,5 triệu tương ứng 10% vốn điều lệ, Công ty Cảnh Hưng góp 13,5 triệu USD tương ứng 90% vốn điều lệ).

Giá trị quyền sử dụng đất được xác định là hơn 187 tỉ đồng. Khi dự án đi vào hoạt động, Công ty Hải Thành phải chuyển toàn bộ số tiền về Bộ tư lệnh Hải quân theo đúng qui định. Nhưng, đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về Quân chủng Hải quân số tiền hơn 187 tỉ đồng nói trên.

Hiện tại Công ty Cảnh Hưng Hải Thành đã xây dựng tòa nhà 27 tầng, 4 tầng hầm, công ty đã hoàn thiện 9 tầng đang cho thuê làm văn phòng, các tầng còn lại đang hoàn thiện nội thất chức năng căn hộ cho thuê.

Đến nay Công ty Cảnh Hưng đã bán cổ phần cho một số đối tác. Công ty Cảnh Hưng Hải Thành đã thanh toán theo hợp đồng liên doanh cho Công ty Hải Thành đến tháng 11/2019 số tiền 17 tỉ đồng.

Khu đất số 9-11 Tôn Đức Thắng có tổng diện tích 2.087 m2, được giao cho Công ty Hải Thành để làm Nhà khách Hải quân phía Nam. Công ty Hải Thành đã hợp tác với Công ty TNHH Mai Anh để thực hiện dự án xây dựng cao ốc đa chức năng. Giá trị quyền sử dụng đất được phê duyệt là 248 tỉ đồng.

Năm 2006, Bùi Văn Nga, và Trần Thị Lâm, Giám đốc Công ty TNHH Mai Anh ký Biên bản ghi nhớ về việc hợp tác xây dựng cao ốc đa chức năng, thời hạn 49 năm. Sau đó, hai bên cùng thành lập Công ty Mai Thành để thực hiện dự án.

Công ty Mai Thành đã xây dựng xong tòa nhà 34 tầng từ năm 2013 và hiện đang cho thuê làm văn phòng. Công ty có 3 thành viên (Hải Thành 23,63%, Mai Anh 26,37%, TCO 50%).

Đến nay, Công ty Hải Thành chưa nộp về Quân chủng Hải quân số tiền sử dụng đất 248 tỉ đồng.

Tính đến ngày 15/2/2014, Công ty Mai Thành đã thanh toán cho Công ty Hải Thành cả đời dự án (49 năm) theo hợp đồng liên doanh số tiền 127 tỉ đồng. Công ty Hải Thành đã chuyển về Quân chủng Hải quân số tiền là 121 tỉ đồng.

Khu đất số 7-9 Tôn Đức Thắng, có diện tích còn 3.531 m2. Năm 2006, Vũ Văn Khánh, nguyên Giám đốc Công ty Hải Thành (đã chết năm 2015) và Vũ Thị Hoan, Giám đốc Công ty Yên Khánh kí Hợp đồng nguyên tắc liên doanh liên kết thực hiện dự án Tòa nhà cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại tại khu đất số 7-9.

Hai bên thành lập Công ty Yên Khánh Hải Thành để thực hiện dự án, Công ty Hải Thành góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất trị giá 503 tỉ đồng.

Thực chất, Công ty Yên Khánh là do ông Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) thành lập, chỉ đạo điều hành mọi hoạt động, Vũ Thị Hoan (cháu bị cáo Hệ) chỉ là người đứng tên giám đốc. Sau khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bị cáo Hệ đã thế chấp để vay tiền BIDV.

Hiện BIDV đã giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cơ quan điều tra, phối hợp bàn giao cho Công ty Hải Thành quản lí.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Khánh Hà (Tổng hợp)

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.