|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Điều đặc biệt trong phiên xử cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến

11:00 | 18/05/2020
Chia sẻ
Điều đặc biệt này là cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng và bốn đại tá cùng ra tòa trong một vụ án.

Sáng 18-5, phiên tòa xét xử cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Hiến và các đồng phạm diễn ra tại trụ sở Tòa án quân sự thủ đô. Đây cũng là nơi tổ chức phiên sơ thẩm xét xử Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc") hồi tháng 7-2018.

Ngay từ sáng sớm, an ninh khu vực Tòa án quân sự thủ đô được siết chặt. Tại khu vực cổng, mọi cá nhân ra vào đều chịu sự kiểm soát của lực lượng bảo vệ phiên tòa.

Với báo chí, các PV đến đưa tin phiên tòa phải xuất trình đầy đủ giấy tờ (thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của tòa soạn). Tiếp đó, các công cụ tác nghiệp (ba lô, máy ảnh, máy tính…) đều được kiểm tra cẩn thận.

Điều đặc biệt trong phiên xử cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên tòa. (Ảnh chụp màn hình)

Bên trong khu vực sân tòa, an ninh cũng được thắt chặt. PV tác nghiệp qua màn hình tivi, được bố trí ở một phòng riêng so với hội trường xét xử.

Đúng 7 giờ 50, phiên tòa khai mạc. Theo thông báo, HĐXX xét xử năm người gồm thẩm phán Đại tá Lê Thành Nam làm chủ tọa, thẩm phán Thượng tá Nguyễn Xuân Minh và ba hội thẩm quân nhân.

Đại diện VKS quân sự Quân chủng Hải quân gồm Thượng tá Hoàng Đăng Tuyên, Thượng tá Ngô Văn Sáng, Trung tá Nguyễn Thăng Bình.

Thư ký phiên tòa là Đại úy Dương Văn Hưng và Thiếu úy Đỗ Thành Thắng. Ngoài ra, HĐXX còn có thành phần dự khuyết một thẩm phán, một hội thẩm quân nhân.

Tòa xác định bị hại trong vụ án là Quân chủng Hải quân. Nhiều pháp nhân được triệu tập tham dự phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trong đó có một số công ty lớn như Công ty cổ phần Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P, Công ty TNHH MTV Dịch vụ và du lịch biển, đảo Hải Thành (gọi tắt là Công ty Hải Thành), Công ty cổ phần Cảnh Hưng Hải Thành, Ngân hàng BIDV…

Ngoài ra, có hơn 20 luật sư là người bào chữa cho các bị cáo và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự.

Điều đặc biệt trong phiên xử cựu thứ trưởng Nguyễn Văn Hiến - Ảnh 2.

Bị cáo Nguyễn Văn Hiến. (Ảnh chụp màn hình)

Vụ án này, tám bị cáo bị truy tố về ba nhóm tội danh khác nhau. Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng là người duy nhất hầu tòa với tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Bốn cựu sĩ quan quân đội (cấp hàm đại tá) bị cáo buộc về tội vi phạm các uy định về quản lý đất đai gồm: Bùi Như Thiềm (cựu trưởng phòng kinh tế Quân chủng Hải quân), Đoàn Mạnh Thảo (cựu trưởng phòng tài chính Quân chủng Hải quân), Bùi Văn Nga (cựu giám đốc Công ty Hải Thành, thuộc Quân chủng Hải quân) và Trần Trọng Tuấn (cựu phó giám đốc Công ty Hải Thành).

Ba bị cáo còn lại là Đinh Ngọc Hệ (tức Út "trọc", cựu phó tổng giám đốc Tổng Công ty Thái Sơn), Phạm Văn Duyệt (cựu tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Bình) và Vũ Thị Hoan (cựu giám đốc Công ty Yên Khánh) bị truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong số bị cáo này, Út “trọc” đã bị Tòa án quân sự trung ương tuyên phạt 12 năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ và sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

Hiện nay, Út “trọc” cũng đang là bị can trong hai vụ án do Bộ Công an điều tra, gồm lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo cáo trạng của VKS quân sự trung ương, ba khu đất số 2, số 7-9, số 9-11 đường Tôn Đức Thắng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM có nguồn gốc là đất quốc phòng, thuộc quyền quản lý của Quân chủng Hải quân.

Tuy nhiên, ông Hiến cùng các bị cáo là cựu cán bộ Quân chủng Hải quân đã có những sai phạm trong việc đưa ba khu đất này vào liên doanh làm kinh tế không đúng quy định.

Hậu quả, Quân chủng Hải quân mất quyền quản lý, sử dụng cả ba khu đất trong thời gian 49 năm, gây thất thoát cho ngân sách nhà nước số tiền hơn 939 tỉ đồng.

Tuyến Phan