|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những tài sản 'khủng' bà Trương Mỹ Lan muốn dùng để khắc phục hậu quả

07:59 | 13/10/2024
Chia sẻ
Nhiều dự án, phần vốn góp trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng bà Trương Mỹ Lan muốn bán để lấy tiền khắc phục hậu quả vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2.

 

Sau gần 3 tuần làm việc, phiên xử bà Trương Mỹ Lan và đồng phạm bước vào phần nghị án. Toà sẽ đưa ra phán quyết đối với 34 bị cáo vào sáng 17/10.

Quá trình xét xử, bà Lan thừa nhận hành vi sai phạm và cam kết chịu toàn bộ trách nhiệm bồi thường cho 35.824 bị hại mua trái phiếu của Vạn Thịnh Phát.

Trong phạm vi vụ án này, ngoài số tiền mặt hơn 800 tỷ đồng, hàng triệu cổ phần, bất động sản, dự án trị giá hàng chục nghìn tỷ đồng... được cơ quan điều tra kê biên, ngăn chặn để xử lý cho việc khắc phục hậu quả. Trong đó, nhiều dự án bất động sản trị giá lớn được bà Lan đồng ý hoặc đang muốn rao bán để lấy tiền bồi thường cho trái chủ.

Nổi bật là "Siêu dự án" Amigo nằm tại bốn mặt tiền đường Nguyễn Huệ - Ngô Đức Kế - Hồ Tùng Mậu - Huỳnh Thúc Kháng, quận 1 (phần khoanh đỏ trong ảnh).

Dự án nằm đối diện tòa nhà phức hợp Times Square trên đường Nguyễn Huệ - do tỷ phú Chu Lập Cơ (chồng bà Trương Mỹ Lan) làm Chủ tịch HĐQT. Xung quanh dự án là tháp tài chính Bitexco, Sun Wah... và gần các địa điểm nổi tiếng như Dinh Độc Lập, UBND TPHCM, Bến Bạch Đằng, hầm Thủ Thiêm.

 

Dự án này có tổng diện tích 11.158 m2; trong đó đất thuộc sở hữu cá nhân, tư nhân 8.342 m2, Nhà nước đang quản lý hơn 2.815 m2. Đến nay nhà đầu tư đã thỏa thuận, đền bù cho các hộ dân với diện tích 7.931 m2. Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Thịnh Phát đã có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2.019 m2; 5.912 m2 đất nhà đầu tư đã ký biên bản thỏa thuận với các hộ dân.

Khu đất dự án hiện chủ yếu là những căn nhà thấp tầng san sát nhau, diện tích nhỏ, không có các cao ốc lớn như xung quanh.

 

Nằm ở vị trí "vàng", mặt tiền các trục đường ở khu tứ giác này hiện có nhiều cửa hàng, chủ yếu trong lĩnh vực F&B đang kinh doanh, tấp nập du khách mỗi ngày.

Theo bà Lan, đây là dự án được Chính phủ cho chủ trương đầu tư, đã đền bù suốt 30 năm qua và "chỉ còn khoảng mười mấy % nữa là hoàn tất". Bà đã kêu gọi nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào hợp tác, và trước khi bà bị bắt thì Chính phủ đã đồng ý cho tái khởi động dự án. Trong khu đất này, bà đang cho SCB mượn mấy chục sổ đỏ, còn lại khoảng 100 sổ đỏ bị kê biên trong giai đoạn một.

 

 

Cách dự án Amigo hơn một km là toà nhà của Công ty liên doanh TNHH Vietcombank - Bonday - Bến Thành, là một trong những tòa nhà cao nhất và có vị trí đắc địa nhất khu trung tâm quận 1.

Bà Trương Mỹ Lan cho biết đã góp vốn liên doanh 18% cổ phần tại đây từ năm 2011 để "lấy lãi cho con cháu", đã giao cho Công ty cổ phần Dịch vụ - Thương mại TP HCM (Setra) nắm giữ. Nguồn tiền có từ trước khi hợp nhất ngân hàng SCB nên không liên quan đến SCB.

Sau khi bị bắt, bà đồng ý dùng số cổ phần này để khắc phục hậu quả gây ra trong vụ án Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2. Bà đã đồng ý chuyển nhượng số cổ phần này cho Vietcombank với giá khoảng 920 tỷ đồng. Sau khi trừ đi nghĩa vụ thuế, phần còn lại dùng để khắc phục cho trái chủ.

 

Dự án có có vị trí đắc địa, sở hữu bốn mặt tiền đường Công trường Mê Linh, Hai Bà Trưng, Mạc Thị Bưởi và Phan Văn Đạt, hướng ra bờ sông Sài Gòn và khu đô thị mới Thủ Thiêm.

 

Phía Vietcombank đề nghị tòa huỷ bỏ lệnh kê biên, cho phép ngân hàng nhận chuyển nhượng số cổ phần nói trên và hoàn thiện các thủ tục pháp lý; đồng thời đề nghị hướng dẫn các thủ tục để Vietcombank chuyển tiền mua cổ phần vào tài khoản của cơ quan điều tra, cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến việc xử lý tài sản.

Còn đại diện Setra đề nghị, nếu việc chuyển nhượng theo thỏa thuận trên được hoàn tất thì cho công ty nhận 20% giá trị chuyển nhượng để thực hiện nghĩa vụ thuế.

 

Gần đó là Khu phức hợp Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội, quận 4, do Công ty TNHH Đầu tư phát triển đô thị Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư.

Bà Lan sở hữu 84,82% vốn góp tại doanh nghiệp này (hơn 4.580 tỷ đồng). Bà và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giao cho Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng Bến Nghé đứng tên trên số cổ phần góp vốn tại dự án. Theo bà Lan, phần vốn góp trên là của gia đình, không liên quan đến SCB, Vạn Thịnh Phát.

Khu phức hợp Cảng Nhà Rồng – Khánh Hội nằm trên phần đất của Cảng Sài Gòn trải dài ven sông và mặt tiền đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Dự án đã bồi thường gần xong, nhưng do vướng thủ tục nên chưa thể thực hiện. Trong số cổ phần bà sở hữu có khoảng 200 triệu USD của nước ngoài.

"Nếu dự án này tiếp tục làm thì phần chênh lệch cũng không nhỏ, có giá trị mấy chục nghìn tỷ. Phần nào của nước ngoài thì trả cho họ, phần còn lại bị cáo tình nguyện dùng cho mục đích khắc phục hậu quả hoặc sử dụng làm các công trình phúc lợi xã hội", bà Lan nói tại phiên toà.

 

Dự án có vị trí sát trung tâm quận 1, sát bến Bạch Đằng, đối diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Theo phê duyệt, dự án khi hoàn thành là nhà cao tầng chức năng hỗn hợp gồm trung tâm thương mại dịch vụ, căn hộ, biệt thự, trường mẫu giáo, tiểu học, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.

Toàn dự án có diện tích mặt đất, mặt nước sử dụng khoảng 31,5 ha. Tổng mức đầu tư của dự án ban đầu được công bố khoảng 11.000 tỷ đồng. Công ty Ngọc Viễn Đông dự kiến sẽ bán sản phẩm của dự án từ năm 2018. Tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa thực hiện, còn nguyên hiện trạng khu cảng ven sông.

 

Cách quận 1 khoảng 13 km, Dự án 6A ở huyện Bình Chánh do Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Vạn Thịnh Phát làm chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích 26,4 ha nằm gần khu dân cư Trung Sơn, khu dân cư Him Lam, trên trục đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), gần các trường đại học, bệnh viện và các trung tâm thương mại lớn của huyện Bình Chánh. Hiện dự án vẫn là khu đất trống, cây dại mọc um tùm, rải rác ao hồ, thành nơi đổ rác.

Tại phiên toà, bà Trương Mỹ Lan cho biết, dự án từng được hỏi mua với giá 30.000-40.000 tỷ đồng nhưng không bán, chờ hoàn thiện đầy đủ pháp lý.

Quá trình tham gia tái cơ cấu SCB, bà Lan đã cho ngân hàng mượn tài sản này. Nay bà đề nghị SCB trả lại để bán lấy tiền khắc phục hậu quả, đồng ý bán rẻ với giá khoảng 20.000 tỷ đồng.

 

 

Dự án đền bù giải phóng mặt bằng suốt 20 năm qua và đến nay chỉ còn khoảng một ha chưa hoàn tất. Xung quanh khu đất được quây tôn, lối vào không có bảo vệ trông coi. Người dân đi xuyên qua dự án bằng các con đường dân sinh nhỏ.

 

Dự án vẫn còn người dân sinh sống với những căn nhà tạm bợ. Một phần đất được sử dụng làm kho bãi, trạm thu mua phế liệu.

Liên quan đến dự án này, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho 4 đồng phạm của bà Lan) cho biết một người bạn ở Mỹ của bà Lan ngỏ ý mong muốn nộp thay bà một số tiền nhất định với điều kiện giao cho người này quản lý dự án. Việc này không phải chuyển nhượng hay mua bán, mà họ nộp tiền vào tài khoản khắc phục hậu quả vụ án, sau này "mua bán gì tính sau". Bà Lan nói "chỉ cần người này muốn làm thật, có tiền thật" thì sẵn sàng đón nhận sự giúp đỡ "trong lúc sa cơ lỡ vận".

 

Nằm ở khu tứ giác Bến Thành, dự án The Spirit of Saigon (góc phải) từng được kỳ vọng trở thành biểu tượng, điểm nhấn kiến trúc mới của TP HCM. Dự án có vị trí đắc địa, sở hữu 4 mặt tiền đường Phạm Ngũ Lão - Calmette - Lê Thị Hồng Gấm - Phó Đức Chính, được khởi công 2017 gồm hai tòa tháp được nối với nhau bằng khối đế.

Theo điều tra, năm 2018, bà Lan và Tập đoàn Bitexco thỏa thuận chuyển nhượng dự án này cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát với giá 22.000 tỷ đồng. Đến nay, bà Lan đã chuyển cho Bitexco 15.712 tỷ, hai bên chưa thực hiện thủ tục chuyển giao công ty. Bộ Công an kiến nghị tòa xem xét thu hồi số tiền này; đồng thời đã phong tỏa, ngăn chặn nhiều tài khoản của Bitexco và công ty trong hệ sinh thái.

 

Tòa tháp phía Tây cao 55 tầng bao gồm các tầng văn phòng cho thuê ở nửa dưới và khách sạn ở nửa trên. Tháp phía Đông cao 48 tầng bao gồm các căn hộ, với dịch vụ cung cấp bởi khu khách sạn. Vốn đầu tư được công bố ban đầu là 500 triệu USD, trở thành một trong những "siêu dự án" trên thị trường bất động sản.

Dự án từng nhiều lần đổi tên và chủ đầu tư, đã dừng thi công nhiều tháng nay. Công trình được quây kín bên ngoài, vật liệu xây dựng chất đống ngổn ngang, không bóng người và hiện chưa rõ số phận.

Tại giai đoạn hai của vụ án, bà Lan và đồng phạm bị cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt 30.000 tỷ đồng của 35.824 trái chủ thông qua hình thức phát hành trái phiếu; rửa tiền 445.768 tỷ đồng và vận chuyển trái phép 4,5 tỷ USD qua biên giới.

Bà Lan bị VKS đề nghị tuyên phạt mức án chung thân cho cả 3 tội danh, buộc bồi thường toàn bộ thiệt hại vụ án; tiếp tục kê biên các bất động sản, tài sản có liên quan bị cáo để khắc phục hậu quả.

Quỳnh Trần - Hải Duyên