|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Nhà đất

Những sự kiện Bất động sản nổi bật năm 2018

14:47 | 29/12/2018
Chia sẻ
Năm 2018 là một năm phát triển tương đối ổn định của thị trường bất động sản, bất chấp những lo ngại về nguy cơ "bong bóng" hồi đầu năm. Vụ cháy chung cư Carina, câu chuyện quy hoạch Thủ Thiêm, cơn sốt đất nền khắp Bắc - Trung - Nam... là những sự kiện nổi bật của thị trường trong năm qua.

Sốt đất nền lên đỉnh, lan khắp cả nước

Cơn sốt đất nền vùng ven TP HCM bùng phát từ giữa cuối năm 2017 và tiếp tục lan mạnh sang 2 quý đầu năm 2018. Tâm điểm của đợt tăng giá vẫn là các quận vùng ven như quận 9, Thủ Đức, Hóc Môn, Củ Chi, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất nền sổ đỏ và đất nền dự án.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Cơn sốt đất nền năm 2018 bùng phát ở các quận huyện ven TP HCM và các tỉnh lân cận. (Ảnh minh họa)

Trong năm 2018, UBND TP HCM đã nhiều lần yêu cầu các sở ngành, đơn vị liên quan kiểm tra tình trạng tăng giá nhà, đất nền trên địa bàn, giải quyết tình trạng sốt đất, ngăn chặn kịp thời "bong bóng" bất động sản.

Nối tiếp cơn sốt đất ở các quận, huyện vùng ven thuộc TP HCM là cơn sốt đất xuất hiện ở các tỉnh lân cận như Đồng Nai, Bình Dương, Long An… rồi lan rộng ra các tỉnh miền Trung như Khánh Hòa, Bình Định, Đà Nẵng, Nghệ An, Thanh Hóa…

Theo khảo sát của các đơn vị nghiên cứu thị trường, tính tới thời điểm quý III/2018, giá nhà đất tại Biên Hòa (Đồng Nai) đã tăng 20-50% so với thời điểm đầu năm. Riêng với đất thổ cư, đất nền, mức tăng khoảng 20-40%. Ở nhiều tỉnh thành khác, giá đất nền cũng đã thiết lập một mặt bằng mới trong năm qua.

Hà Nội cũng là nơi cơn sốt đất nền lên đến đỉnh điểm trong năm 2018 rồi lan rộng ra Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Hải Phòng và đặc biệt là Quảng Ninh.

Nguyên nhân của tình trạng sốt đất là do việc công bố quy hoạch hệ thống hạ tầng và một số dự án lớn tại các khu vực (sân bay quốc tế Long Thành, sân bay Vân Đồn, một số dự án du lịch nghỉ dưỡng lớn được cấp phép triển khai, nhiều dự án đường xá lớn được triển khai…) đẩy việc phân lô bán nền tăng thêm.

Cùng với đó, giới đầu cơ, những người môi giới lợi dụng các thông tin về quy hoạch và các tin đồn để làm giá, đẩy giá đất lên cao thu lợi bất chính. Những nhà đầu tư thứ cấp cũng theo tâm lý đám đông mua gom đất, chờ lên giá tạo nên cơn sốt ảo tại các khu vực này. Trong khi đó, tại nhiều nơi chính quyền địa phương lại buông lỏng công tác quản lý sử dụng đất đai.

Một nguyên nhân nữa được các chuyên gia chỉ ra đó là trượt giá hàng năm tích tụ lên giá đất. Thêm vào đó, nhu cầu tăng lên trong khi nguồn cung hạn chế đã khiến đất nền trở nên ngày càng khan hiếm và tăng giá.

Cơn sốt đất đặc khu khuynh đảo thị trường và “cú sốc” hoãn thông qua dự Luật Đặc khu

Năm 2018 là năm đỉnh điểm của cơn sốt đất nền diễn da tại 3 khu vực dự kiến trở thành đặc khu kinh tế như Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Năm 2018 chứng kiến giá đất tăng phi mã ở ba địa phương dự kiến thành lập đặc khu kinh tế. (Ảnh minh họa)

Tại Vân Đồn, cơn sốt đất bắt đầu từ năm 2017 và được đẩy lên mức đỉnh vào giữa đầu năm 2018. Theo thông tin từ báo chí, ban đầu chỉ có 4 nhà đầu tư đến từ Hà Nội, TP HCM và một đại gia người Phú Quốc, họ mua bất cứ mảnh đất nào người dân muốn bán. Sau gần 2 tháng, 4 NĐT này đã thâu tóm gần như toàn bộ đất thổ cư tại Vân Đồn và lập các sàn giao dịch BĐS, đẩy giá đất lên cao gấp nhiều lần. Những mảnh đất vốn có giá vài trăm triệu đã bị thổi giá lên vài tỉ, thậm chí hàng chục tỉ đồng chỉ trong vài tháng.

Sau đó các NĐT nhỏ lẻ khác từ khắp nơi đổ về lùng mua đất để chờ ngày “đặc khu cất cánh”, khiến thị trường BĐS Vân Đồn liên tục sốt nóng trong năm.

Báo cáo thị trường BĐS quý II/2018 của batdongsan.com.vn nhận định, trong ba đặc khu tương lai, Vân Đồn được đánh giá là có sự tăng giá đất nền rõ rệt nhất trong hơn một năm qua. 6 tháng đầu năm 2018 so với cùng kỳ năm 2017, giá đất trung bình tại đây đã tăng tới hơn 3 lần, từ 7,2 triệu đồng/m2 lên 23 triệu đồng/m2.

Trong khoảng thời gian ngắn, hàng loạt NĐT tìm kiếm lợi nhuận "khủng" từ việc đầu tư lướt sóng tại các khu vực dự kiến lên đặc khu. Tại Phú Quốc, có những NĐT trong vòng vài ngày có thể chốt chênh đến cả tỉ đồng khi sang tay đất tại đây. Cơn sốt đất thời điểm đầu năm 2018, theo nhận định của các chuyên gia, chủ yếu nằm trong tay các NĐT lướt sóng.

Sau đó, vào giữa năm 2018, Quốc hội quyết định chưa thông qua Luật Đặc khu, khiến nhiều NĐT bất ngờ, rút ra không kịp. Thị trường bất động sản tại 3 nơi này dần hạ nhiệt. Thêm vào đó, chính quyền địa phương đã vào cuộc chấn chỉnh bằng các biện pháp hành chính như cấm phân lô bán nền, tách thửa. Từ thông tin này, dường như mọi giao dịch tại 3 địa phương Phú Quốc, Vân Đồn, Bắc Vân Phong ngừng hẳn.

Dự án Luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt được trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 hồi tháng 10/2017. Các đơn vị dự kiến xây dựng đặc khu gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hoà), Phú Quốc (Kiên Giang). Sau đó, dự luật đã được tiếp thu, chỉnh lý để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5/2018.

Tuy nhiên, Luật Đặc khu tiếp tục bị lùi thời gian trình Quốc hội xem xét. Nguyên nhân Quốc hội chưa xem xét Dự luật này là để tiếp tục xin ý kiến cử tri, nhân dân, các tổ chức, các chuyên gia, nhà khoa học để hoàn chỉnh Dự án Luật thông qua vào kỳ họp sau, tức Luật có khả năng được thông qua vào kỳ họp của tháng 5/2019.

Cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng, từ đây vấn đề an toàn PCCC chung cư được đặt ra gay gắt

Vụ cháy chung cư Cariana Plaza ở Quận 8, TP HCM xảy ra khoảng lúc 1h30 phút đêm 23/3. Đám cháy bùng phát dữ dội từ tầng hầm chung cư rộng khoảng 1.000m2, nơi có nhiều ôtô và xe máy. Vụ hỏa hoạn làm 13 người chết, 28 người bị thương, 13 ôtô và 150 xe máy bị thiêu rụi hoàn toàn, tài sản của nhiều cư dân bị hư hại nặng.

Theo Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy TP HCM, hệ thống chữa cháy tự động trước đó gần như không hoạt động, lực lượng chữa cháy tại chỗ không có, khi lính cứu hỏa đến nơi lửa khói đã rất lớn.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Vụ cháy chung cư Carina khiến 13 người thiệt mạng cảnh tỉnh về công tác phòng cháy chữa chát tại chung cư. (Ảnh: Hiếu Quân)

Công an TP HCM sau đó đã ra quyết định khởi tố hình sự vụ cháy chung cư này về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Vài tháng sau, chiều 8/8, cơ quan này đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Quốc Tuấn, 33 tuổi, Trưởng ban quản lý chung cư Carina về tội Vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Sau vụ cháy, các cư dân của chung cư phải chuyển đi nơi khác tá túc nhiều tháng trời, tới giữa tháng 10/2018 khi chung cư đã sữa chữa và nghiệm thu xong họ mới dám quay trở lại sinh sống.

Vụ cháy chung cư Carina khiến vấn đề an toàn PCCC chung cư được đẩy lên mức báo động. Có nhiều cuộc hội thảo về an toàn PCCC chung cư đã được tổ chức sau đó. Hàng loạt chủ đầu tư ngưng mở bán dự án căn hộ mới đến giữa năm 2018. Báo cáo của nhiều đơn vị, hiệp hội về bất động sản cũng cho thấy nhu cầu mua chung cư của người dân trong quý 2 và 3/2018 sụt giảm đáng kể mà lý do chính đến từ vụ cháy chung cư Carina khiến tâm lý khách hàng lo ngại.

Công tác kiểm tra PCCC tại các khu chung cư cũng được thực hiện nghiêm ngặt, gay gắt hơn sau vụ cháy này, nhất là tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM.

Siết tín dụng vào bất động sản

Để hạn chế tình trạng lo ngại tín dụng đổ mạnh vào lĩnh vực bất động sản có thể khiến thị trường hình thành "bong bóng" trong những năm tới, năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã có thông điệp kiểm soát chặt tín dụng, nhất là tín dụng vào lĩnh vực bất động sản - lĩnh vực đòi hỏi khoản vay dài ngày.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Năm 2018, Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát chặt nguồn tín dụng vào lĩnh vực bất động sản. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, năm 2018, ngân hàng thương mại chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản. Mức trần sẽ giảm còn 40% kể từ ngày 1/1/2019.

Theo đánh giá của các chuyên gia, với quy định trên, tín dụng sẽ là “điểm nghẽn” của thị trường bất động sản năm 2019. Việc siết tín dụng vào bất động sản sẽ khiến các doanh nghiệp gặp khó trong huy động vốn ngân hàng cho việc triển khai dự án. Và trên thực tế, trong năm qua không ít doanh nghiệp đã phải xoay vốn theo nhiều cách như phát hành tăng vốn, bán trái phiếu hay hợp tác với nhà đầu tư ngoại…

Vốn FDI đổ vào bất động sản tăng kỷ lục

Năm 2018 là năm thứ ba liên tiếp số vốn FDI giải ngân vào Việt Nam liên tục tăng mạnh, từ 15,8 tỉ USD của năm 2016 lên 17,5 tỉ USD năm 2017 và đạt 19,1 tỉ USD năm 2018. Trong đó, lượng vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản cũng đạt con số cao kỷ lục.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Vốn FDI đổ vào thị trường bất động sản đạt con số cao kỷ lục trong năm 2018. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, bất động sản là lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhiều thứ hai năm 2018 (sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo) với tổng vốn 6,6 tỉ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Nếu như năm 2017 lĩnh vực kinh doanh bất động sản chỉ đứng thứ 3 về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3,05 tỷ USD, sau ngành bán buôn, bán lẻ thì năm 2018, lĩnh vực này đã bứt phá lên vị trí thứ 2. Con số 6,6 tỷ USD vốn ngoại đổ vào thị trường địa ốc 2018 cao hơn gấp đôi năm ngoái và cao hơn gấp 4 lần con số 1,52 tỷ USD của năm 2016.

Thất lạc bản đồ Khu đô thị Thủ Thiêm và loạt sai phạm tại đây được vạch ra

Ngày 2/5/2018, UBND TP HCM thông báo bản đồ quy hoạch tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Thủ Thiêm bị thất lạc. Thông tin này đã gây "chấn động" người dân TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tới ngày 9/5/2018, dân Thủ Thiêm gặp gỡ Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM và phản ánh rất nhiều vấn đề khiến họ bức xúc hàng chục năm qua liên quan tới đất đai, nhà cửa ở Thủ Thiêm. Ngày 15/5/2018, Thủ tướng giao Thanh tra Chính phủ làm rõ khiếu nại của dân về dự án Thủ Thiêm.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Thông tin bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm bị mất làm dấy lên loạt khiếu nại, khiếu kiện của người dân liên quan đến việc đền bù đất và di dời từ hơn chục năm trước. (Ảnh: VietnamNet)

Ngày 7/9/2018, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận kiểm tra Khu đô thị Thủ Thiêm và đã chỉ ra nhiều vi phạm của UBND TP HCM và các cơ quan liên quan trong quá trình triển khai dự án KĐT mới Thủ Thiêm.

Các sai phạm bao gồm: Sai phạm trong việc điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền, thu hồi đất đối với phần diện tích 4,3 ha để thực hiện dự án trong KĐT Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý… Bên cạnh đó, việc thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng chưa phù hợp quy định, UBND TP HCM cũng đã vi phạm các quy định tại khu tái định cư 160 ha…

Sau kết luận sai phạm, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong đã thay mặt lãnh đạo thành phố các thời kỳ, xin lỗi người dân Thủ Thiêm vì những sai phạm trong thời gian thực hiện quy hoạch khu vực này. Ông Phong cũng đã nhiều lần đầu đối thoại người Thủ Thiêm để thực hiện lộ trình để giải quyết dứt điểm vấn đề Thủ Thiêm trong năm 2019, không để kéo dài.

Hàng nghìn dự án bất động sản trên cả nước bị rà soát, kiểm tra; nhiều nơi cấm phân lô bán nền

Trong năm 2018, TP HCM và Hà Nội cùng một số tỉnh thành đã quyết liệt đưa ra các biện pháp chấn chỉnh thị trường nhà đất theo hướng minh bạch, công khai đồng thời thu hồi những dự án lâu ngày không triển khai.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Trong năm qua, hàng nghìn dự án bất động sản trên cả nước bị rà soát, kiểm tra; nhiều nơi cấm phân lô bán nền. Ảnh minh họa: VnExpress.

Tại Hà Nội, hồi giữa cuối năm 2018 đã ban hành quyết định rà soát 39 dự án chậm triển khai trên địa bàn, và sau khi rà soát đã ra quyết định thu hồi 16 dự án bỏ hoang tại 12 quận huyện.

Tới cuối năm 2018, Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-HĐND thông qua danh mục các dự án thu hồi đất năm 2019; dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội thuộc thẩm quyền quyết định của HĐND TP Hà Nội. Cụ thể, HĐND TP thông qua danh mục 1.686 dự án thu hồi đất năm 2019 với diện tích là 5.573,52ha; danh mục 308 công trình, dự án chuyển mục đích đất trồng lúa, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng năm 2019, với diện tích là 518,58ha.

Còn tại TP HCM, Sở Tài nguyên và Môi trường đã cùng 24 quận, huyện tiến hành rà soát 2.758 dự án bất động sản. Qua đó, Sở phát hiện 215 dự án có dấu hiệu chậm triển khai, cần xem xét tính pháp lý và đưa ra hướng xử lý.

Vincity - dự án "bom tấn" của năm khiến thị trường bất động sản "dậy sóng"

Những tháng cuối năm 2018 thị trường bất động sản cả nước nói chung và khu vực Hà Nội nói riêng bỗng "dậy sóng" khi 2 dự án "bom tấn" của Vinhomes là VinCity Ocean Park – Gia Lâm và VinCity Sportia - Đại Mỗ của Tập đoàn VinGroup chính thức ra mắt.

nhung su kien bat dong san noi bat nam 2018
Hàng nghìn người đổ xô đăng ký xem nhà mẫu và mua nhà tại dự án Vincity Ocean Park ngày mở bán.

Sở dĩ 2 dự án này khiến thị trường náo động là bởi lần đầu tiên thị trường bất động sản Việt Nam có sự xuất hiện của một loại hình dự án có quy mô khủng và khác biệt như vậy.

Các dự án mang thương hiệu Vincity được xem như một tiểu thành phố, bên trong tiện ích gì cũng có. Chỉ tính riêng Vincity Ocean Park đã có quy mô 420 ha, được quy hoạch theo mô hình đô thị xanh của Singapore. Dự án có biển hồ nước mặn rộng 6,1 ha, liền kề biển hồ nhân tạo là 24,5 ha diện tích hồ lớn trung tâm. Hệ thống công viên, cây xanh rộng 62 ha xen kẽ giữa các phân khu. Công viên thể thao ngoài trời và các công viên nội khu với 700 máy tập gym, 150 sân thể thao, hơn 60 sân chơi trẻ em và sân chơi vận động liên hoàn, 8 bể bơi trong nhà và ngoài trời phong cách resort cùng với đường dạo, chạy bộ và đạp xe ven hồ dài 8,5 km… phân bổ khắp khu đô thị...

Xem thêm

Khánh Hà

Liên tục tăng trưởng, FDI có trở thành 'trụ cột' cho nền kinh tế năm nay?
Trong tháng 4, lượng vốn FDI và số dự án đầu tư mới đạt mức cao nhất kể từ đầu năm. Xu hướng tích cực của dòng vốn FDI được kỳ vọng sẽ trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng, là 'trụ cột' quan trọng cho nền kinh tế trong bối cảnh đầu tư công chậm lại và đầu tư tư nhân vẫn ở mức rất thấp.