Những 'ngư ông đắc lợi' khi giá nguyên liệu leo thang
Theo nhật báo Les Echos, năm 2021 là một năm bội thu của các nhà đầu tư vào thị trường nguyên liệu. Ngân hàng Goldman Sachs nhờ đầu tư vào loại hàng hóa này mà doanh thu đã vượt 2,2 tỷ USD. Nhiều quỹ đầu tư phòng rủi ro (hedge fund) cũng đã ghi nhận những thành tích kỷ lục.
“Người ăn không hết, kẻ lần không ra”
Trong khi nhiều công ty đau đầu vì giá nguyên liệu leo thang, thì các nhà đầu tư tài chính lại hoan hỉ với những khoản lợi nhuận kếch xù mà họ kiếm được nhờ giá hàng hóa nguyên liệu tăng vọt trong năm qua.
Tại Goldman Sachs, sàn đầu tư "nguyên liệu" đang ghi được thành tích hoạt động tốt nhất từ 10 năm trở lại đây. Theo Bloomberg, chỉ riêng loại hàng hóa này đã mang lại cho Goldman Sachs hơn 2,2 tỷ USD doanh thu vào năm 2021, tăng 0,2 tỷ USD so với năm 2020.
Các nhân viên làm việc trong nhóm đầu tư nguyên liệu thô thậm chí đã được nhận những món tiền thưởng hậu hĩnh vào cuối năm. Theo nguồn tin nội bộ của Bloomberg, mức thưởng cá nhân có thể lên tới hàng triệu USD cho những nhân viên làm việc hiệu quả nhất.
Dầu thô, khí đốt, những nguyên liệu hàng đầu
Bộ phận phụ trách nguyên liệu thô của Goldman Sachs đang sống trong “thời kỳ phục hưng” của họ. Gần như sạt nghiệp vài năm trước đây - năm 2017 doanh thu chỉ đạt 300 triệu USD - ngành hàng này đã sôi động trở lại từ đầu những năm 2010.
Lĩnh vực "nguyên liệu thô" khi đó đã từng được coi là “con bò sữa” của ngân hàng. Goldman Sachs đặc biệt hoạt động tích cực trên thị trường dầu mỏ. Vào thời điểm đó, ngân hàng này được mệnh danh là “nhà máy lọc dầu của Phố Wall”.
Kể từ khi hợp nhất với nhà môi giới J. Aron & Co, Goldman Sachs đặc biệt chú ý đến thị trường năng lượng và kim loại quý. Trong một thời gian dài, ngân hàng đã thống trị về nguyên liệu thô và các nhà lãnh đạo của ngân hàng đã trưởng thành đi lên từ đó, như Lloyd Blankfein hay cựu Tổng Giám đốc Gary Cohn.
Nhờ họ mà Goldman Sachs đã không đóng cửa bộ phận giao dịch nguyên liệu, không giống như phần lớn các đối thủ cạnh tranh của họ, mặc dù loại tài sản này khi đó không mang lại bất cứ khoản lợi nhuận nào.
Với sự phục hồi của các nền kinh tế sau đại dịch COVID-19, các ngân hàng đầu tư Mỹ hơn ai hết được hưởng lợi nhờ đầu tư vào thị trường nguyên liệu, nơi giá cả liên tục tăng do không đủ để đáp ứng nhu cầu. Ngay khi thị trường dầu mỏ trở lại trạng thái hoạt động bình thường, giá dầu thô đã tăng 50% trong năm để trở lại mốc gần 80 USD/thùng. Trong khi đó, thị trường khí đốt tự nhiên đã liên tục biến động, đặc biệt là ở châu Âu nơi giá mỗi một MWh tăng từ 20 euro (23 USD) đến 180 euro.
Các quỹ đầu tư hedge fund “ăn mừng”
Các quỹ đầu cơ chuyên về nguyên liệu cũng đã phất lên nhờ làm ăn “thuận buồm xuôi gió”. Quỹ Merchant Commodity Fund, do ông Doug King quản lý, đã công bố thành tích lợi nhuận tăng 74% năm 2021.
Với vốn đầu tư trị giá 244 triệu USD, quỹ này đã thu về khoản lợi nhuận kếch xù khi giá dầu tăng. Nhà tài phiệt hàng đầu thế giới này còn dự đoán rằng dầu thô có thể sẽ sớm cán mốc 100 USD/thùng và ông sẽ không ngạc nhiên khi thấy một thùng dầu sẽ được bán với giá 200 USD/thùng trong 5 năm tới do tình trạng thiếu đầu tư dài hạn.
Một "ngư ông đắc lợi" khác trong thị trường nguyên liệu, nhà đầu tư người Pháp, Pierre Andurand, cũng đã đạt doanh thu một cách vững chắc.
Một trong các quỹ đầu tư của ông đã hoàn vốn 87% vào năm 2021 và các khoản đầu tư trong chuyển đổi năng lượng thông qua quỹ Andurand Climate & Energy Transition, mới khởi động vào tháng 7/2021 đã thu về 28%.
Là một trong những gương mặt mới nổi trong làng đầu tư Pháp, Pierre Andurand đã đầu tư khoảng 950 triệu USD trên thị trường nguyên liệu.
Đặc biệt quán quân của cuộc đua lợi nhuận trên thị trường nguyên liệu đã thuộc về Westbeck Capital Management, quỹ Energy Opportunity của nó đã chứng kiến cổ phiếu tăng đến 107%.
Mặc dù sự siêu lây nhiễm của biến thể Omicron gây ra nhiều rủi ro cho tăng trưởng trong tương lai, các nhà đầu tư vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường nguyên liệu.
Goldman Sachs không ngần ngại dự đoán về một siêu chu kỳ mới, nghĩa là sự tăng giá kéo dài do nhu cầu tăng mạnh liên quan đến kế hoạch phục hồi và chuyển đổi của các nền kinh tế, đồng thời cũng do năng lực sản xuất yếu, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu mỏ.