Những ngân hàng không chia cổ tức trong năm 2020
Không chia cổ tức để tăng vốn chủ sở hữu
Năm 2020, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận và không chia cổ tức với những cái tên như VPBank, MSB, Techcombank, Sacombank, Eximbank hay SCB, ABBank.
Có nhiều nguyên nhân để các ngân hàng đưa ra quyết đinh trên nhưng có thể chỉ ra một số lí do chính như: giữ lợi nhuận để tăng vốn chủ sở hữu, làm nguồn xử lí nợ xấu, theo lộ trình được đề ra tại đề án tái cơ cấu,...
Việc giữ lại lợi nhuận để bổ sung nguồn vốn kinh doanh là lựa chọn của Techcombank, VPBank, MSB, ABBank.
Đối với Techcombank, đây là năm thứ 9 liên tiếp không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông. Lí giải về vấn đề này trong đại hội đồng cổ đông năm ngoái, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho biết ngân hàng muốn giữ lại lợi nhuận để củng cố vốn chủ sở hữu, đảm bảo các yêu cầu về vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) như Basel II và tăng cạnh tranh trên thị trường.
Và đây cũng là lí do để ngân hàng tiếp tục không chia cổ tức trong năm 2020, theo chủ tịch Techcombank, nhờ việc giữ lại lợi nhuận trong những năm qua, tỉ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng hiện vào khoảng 16%, là một trong những ngân hàng có tỉ lệ an toàn vốn cao nhất thị trường.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với MSB khi ngân hàng này đã có 8 năm nói không với cổ tức. Trong đại hội đồng thường niên năm trước, MSB đã đặt kế hoạch chia cổ tức tỉ lệ 10% trong năm 2019 nhưng điều đó lại không thực hiện được trong năm nay.
Ngân hàng cho biết sẽ giữ lại toàn bộ lợi nhuận đạt được trong năm 2019 để tái đầu tư vào hoạt động của ngân hàng, đồng thời dự kiến kế hoạch chia cổ tức tỉ lệ 10% trong năm 2020.
"Phương án được đặt ra nhằm đảm bảo tỉ lệ an toàn vốn theo Basel II, đảm bảo vận hành an toàn trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị và dịch bệnh COVID-19", thông cáo của MSB viết.
Không trường kì nói không với cổ tức như Techcombank hay MSB nhưng đây cũng là năm thứ hai liên tiếp VPBank chọn phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận trong khi năm 2018, ngân hàng đã chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng cho kết quả hoạt động năm 2017 với tỉ lệ lên tới hơn 60%.
Toàn bộ lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quĩ bắt buộc (7.013 tỉ đồng) của năm 2019 sẽ được giữ lại toàn bộ để tăng vốn chủ sở hữu, tăng nguồn vốn phục vụ hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
Với ABBank, ngân hàng cũng cho biết việc giữ lại lợi nhuận sau thuế để tích lũy vốn, tăng cường năng lực tài chính, đáp ứng các qui định của NHNN và nhu cầu phát triển ngân hàng. Do đó, HĐQT đề xuất với cổ đông được giữ lại toàn bộ lợi nhuận còn lại để tăng vốn trong thời gian tới (tức không chia cổ tức năm 2019).
Trong nhóm các "ông lớn" đã cổ phần hoá, VietinBank là ngân hàng duy nhất trình kế hoạch không chia cổ tức, giữ lại toàn bộ lợi nhuận để tăng vốn. Ngân hàng xác định tăng vốn là mục tiêu nhất định phải đạt được trong năm nhằm áp dụng chuẩn Basel II và có đủ nguồn lực để tăng trưởng.
VIB mặc dù cũng không chia cổ tức trong năm nay nhưng ngân hàng sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ 20%, tăng vốn điều lệ từ 9.244 tỉ đồng lên 11.093 tỉ đồng. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết sẽ cân nhắc việc trình ĐHĐCĐ quyết định về việc chia cổ tức bằng tiền mặt trong trường hợp NHNN có thông báo mới về yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt.
Giữ lại lợi nhuận vì không được chia cổ tức
Đối với một số ngân hàng như SCB, Sacombank hay Eximbank, việc không chia cổ tức lại là một cấu phần trong phương án tái cơ cấu cần được NHNN phê duyệt.
Eximbank là ngân hàng chưa đủ điều kiện để chia cổ tức do là ngân hàng đã được NHNN chấp thuận gia hạn thời hạn trái phiếu đặc biệt. Ngân hàng vẫn còn lượng trái phiếu đặc biệt phát hành từ năm 2015 trở về trước được gia hạn 10 năm chưa được thanh toán hết vào cuối năm 2019.
Nguồn lợi nhuận giữ lại này sẽ là nguồn để xử lí nợ xấu cho đến khi toàn bộ phần trái phiếu gia hạn được thanh toán. Năm 2019, lợi nhuận sau khi trích lập các quĩ của ngân hàng là 1.380 tỉ đồng và của năm 2018 là 704 tỉ đồng.
Hội đồng quản trị ngân hàng đặt mục tiêu mua lại toàn bộ nợ đã bán cho VAMC trong năm 2020 theo định hướng tái cơ cấu của NHNN.
Cổ tức cũng là vấn đề trăn trở đối với ban lãnh đạo SCB. Tổng Giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết việc chia cổ tức ngân hàng phải tuân thủ pháp luật và sự cho phép của NHNN, đồng thời mong cổ đông thông cảm về vấn đề này.
SCB cho biết sẽ triển khai các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng mới, thu hồi nợ xấu, và xử lí tài sản theo lộ trình đã được NHNN phê duyệt tại Đề án cơ cấu lại SCB gắn với xử lí nợ xấu giai đoạn 2019-2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên Sacombank, nhiều cổ đông đã bày tỏ bức xúc về việc không nhận được cổ tức trong nhiều năm, đồng thời đề nghị ban lãnh đạo ngân hàng nghiên cứu đề xuất phương án chia cổ tức trong các năm tới.
Nói về vấn đề này, Chủ tịch Dương Công Minh cho biết trong năm 2019, HĐQT ngân hàng đã tích cực trong việc kiến nghị NHNN chấp thuận phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông từ lợi nhuận giữ lại. Tuy nhiên đến nay Sacombank chưa nhận được ý kiến phản hồi của NHNN.
Vẫn có ngân hàng chi trả cổ tức tới 50%
Trái ngược với bức tranh trên, vẫn có những ngân hàng công bố tỉ lệ chi trả cổ tức ở mức cao. Tiêu biểu như HDBank trả cổ tức tỉ lệ 50%; ACB trả cổ tức tỉ lệ 30%; OCB trả cổ tức tỉ lệ từ 25% - 27%; TPBank với tỉ lệ 20%;...
Trong bối cảnh tác động với dịch COVID-19, NHNN đã đưa ra quyết định không chi trả cổ tức tiền mặt với các ngân hàng. Do đó, phương thức chi trả cổ tức năm nay của các nhà băng đều là bằng phát hành thêm cổ phiếu, điều này đồng nghĩa với việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng.
HDBank, ngân hàng có mức chi trả cổ tức cao nhất hệ thống (theo công bố tới hiện tại), cho biết sẽ phát hành gần 483 triệu cổ phiếu để trả cổ tức (tỉ lệ 50%) và gần 145 triệu cổ phiếu thưởng (tương ứng tỉ lệ 15%). Như vậy, nếu thực hiện thành công, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ từ gần 9.810 tỉ đồng lên 16.088 tỉ đồng.
ACB là nhà băng có mức chi trả cổ tức cao thứ hai với con số 30% bằng cổ phiếu. Tổng Giám đốc Đỗ Văn Toàn cho biết ban đầu ngân hàng dự kiến chia cổ tức bằng tiền 10%, tuy nhiên do dịch COVID-19 nên chưa thể tiến hành. Ông cũng dự kiến mức tỉ lệ cổ tức kì vọng trong năm 2020 là khoảng 18%.
Với mục tiêu tăng trưởng dư nợ cho vay thị trường 1 tới 25%, lợi nhuận tăng trưởng 36% trong năm 2020, OCB cũng đã thông qua việc chia cổ tức với tỉ lệ 25 - 27%, nằm trong nhóm ngân hàng có kế hoạch chia cổ tức cao trong bối cảnh tình hình thị trường trong nước và quốc tế đang chịu ảnh hưởng mạnh bởi dịch COVID-19.
Đáng chú ý, ngân hàng còn lên kế hoạch tăng vốn từ gần 7.899 tỉ đồng lên 11.275 tỉ đồng, tương đương tăng gần 43%. Trong đó bao gồm việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành thành công cổ phiếu riêng lẻ (11%) cho nhà đầu tư nước ngoài, Aozora Bank (Nhật Bản).
Trong nhóm Big4, Vietcombank công bố tỉ lệ cổ tức năm nay là 18% trong khi BIDV có con số khiêm tốn 7%. Theo đó, Vietcombank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu trong nửa cuối năm 2020. Sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng thêm 6.675 tỉ đồng lên 43.764 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức trong năm 2020 gồm: MB, VietBank (tỉ lệ 15%); Nam A Bank (tỉ lệ 14,65%); SHB, LienVietPostBank, PG Bank (10%).