Các ngân hàng có tham vọng khi đặt chỉ tiêu tăng trưởng lợi nhuận hai con số trong năm 2020?
Vẫn có những ngân hàng đặt kế hoạch lãi tăng mạnh
Khi mùa đại hội cổ đông đã đi qua, những con số kế hoạch kinh doanh năm 2020 cũng dần được các ngân hàng hé lộ.
Theo tổng hợp của người viết, phần lớn trong số 20 ngân hàng công bố thông tin có mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng dương so với năm 2019, chỉ có 6 nhà băng dự kiến lợi nhuận giảm (gồm VPBank, MB, LienVietPostBank, Sacombank, VietBank và PVcomBank).
Đáng chú ý, gần một nửa trong số đó (9/20) "tự tin" đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận hai con số. Trong bối cảnh nền kinh tế cũng như toàn ngành ngân hàng đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh COVID-19, những con số tăng trưởng cao trong kế hoạch của các ngân hàng khiến các nhà đầu tư e ngại về tính khả thi.
PG Bank, một ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu chờ sáp nhập, lại là tổ chức có mức kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cao nhất 111%, tức lợi nhuận năm 2020 gấp đôi năm trước.
Tuy nhiên, nhìn vào các chỉ tiêu kế hoạch mà PG Bank công bố có thể nhận thấy tăng trưởng lợi nhuận không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Tổng thu nhập hoạt động dự kiến năm 2020 của ngân hàng chỉ gần bằng con số của năm ngoái trong khi chi phí hoạt động theo kế hoạch còn tăng khoảng 10,7%.
Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận có thể tăng ở đây là việc cắt giảm hơn 57% chi phí dự phòng, tương đương giảm 314 tỉ đồng so với năm trước. Tăng trưởng lợi nhuận không đến từ các hoạt động cơ bản thường không phải là một xu hướng tăng bền vững.
Chia sẻ tại đại hội cổ đông thường niên ban lãnh đạo PG Bank cũng cho rằng sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đã ảnh hưởng đến nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực ngân hàng và PG Bank là một trong số đó.
Ngoài PG Bank, cũng có nhiều ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận trên 20% như OCB (tăng 36,1%), VietABank (hơn 34%) và Eximbank (20,4%).
Phía OCB cho biết cơ sở cho mức kế hoạch năm 2020 là việc kiểm soát tốt chi phí hoạt động duy trì duy trì tỉ lệ chi phí hoạt động trên tổng doanh thu từ hoạt động (CIR) dưới 37%. Trong năm 2019, lợi nhuận trước thuế của OCB tăng gần 50% so với năm trước đạt gần 3.232 tỉ đồng.
Cùng với đó, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng trưởng tín dụng cao tới 25% trong năm 2020, gần gấp đôi ngưỡng tăng trưởng kế hoạch toàn ngành (13 - 14%).
Tăng vốn điều lệ thêm 43% trong năm 2020 cũng là một trong những tiền đề cho kế hoạch lợi nhuận cao của OCB. Ngân hàng cho biết sẽ tăng vốn qua việc phát hành cho cổ đông ngoại và một phần là chi trả cổ tức bằng cổ phiếu tỉ lệ từ 25 - 27%.
Mới đây, OCB đã hoàn tất việc bán 11% vốn cho đối tác Nhật Bản là Aozora Bank và dự kiến cổ đông ngoại này sẽ tiếp tục nâng sở hữu lên 15% vốn điều lệ của OCB.
Trong quí I/2020, mặc dù chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nhưng lợi nhuận thuần của OCB vẫn tăng trưởng khả quan, lãi trước thuế đạt hơn 1.100 tỉ đồng, tăng gấp đôi cùng kì.
Khác với PG Bank và OCB, Eximbank từng đặt kế hoạch lợi nhuận gấp đôi trong năm 2020 trước khi những tác động của dịch COVID-19 trở nên rõ rệt. Đầu tháng 5, ngân hàng đã phải điều chỉnh giảm một loạt chỉ tiêu kinh doanh trong đó, đưa mức lợi nhuận trước thuế kế hoạch từ 2.214 tỉ đồng về mức 1.318 tỉ đồng, giảm 40%.
Cùng với đó là việc điều chỉnh giảm các chỉ tiêu từ tăng trưởng tín dụng, tổng tài sản đến tăng trưởng huy động. Theo kế hoạch mới, mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là 8% trong khi hạn mức tăng trưởng được NHNN cấp là 9%. Ban lãnh đạo ngân hàng cho biết trong điều kiện kinh doanh thuận lợi sẽ xin phép điều chỉnh tăng hạn mức này.
Trong quí I, mặc dù chịu ảnh hưởng từ lùm xùm về nhân sự và khó khăn do COVID-19 nhưng lợi nhuận hợp nhất trước thuế ngân hàng vẫn tăng 30,6% so với cùng kì 2019, đạt 458 tỉ đồng. Tuy nhiên, tăng trưởng lợi nhuận của Eximbank chủ yếu đến từ việc cắt giảm chi phí hoạt động và hoàn nhập dự phòng rủi ro tín dụng.
Có lẽ khó để nói rằng những con số kế hoạch này có thực sự tham vọng với các ngân hàng này hay không bởi vì bằng cách này hay cách khác, tăng trưởng có thể bền vững hoặc không, những kết quả lợi nhuận có thể đạt được theo cách riêng của từng ngân hàng.
Bức tranh lợi nhuận ngân hàng vẫn kém sắc
Bức tranh tổng quát kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng có vẻ kém sắc khi tổng lợi nhuận kế hoạch của 20 ngân hàng khảo sát chỉ tăng 3,4% so với năm trước trong khi năm 2019 tăng trưởng lợi nhuận của hầu hết ngân hàng được ghi nhận ở mức hai con số, tăng trưởng bình quân 33%.
Lưu ý rằng trong số những ngân hàng này đã không tính đến kế hoạch của hai "ông lớn" như Vietcombank, quán quân lợi nhuận trong ngành, và VietinBank do cả hai đều chọn bỏ ngỏ con số lợi nhuận.
VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng dư nợ khiêm tốn từ 4 - 8,5% (8,5% là hạn mức được NHNN duyệt đầu năm) và tăng trưởng huy động từ 5 - 10% nhưng kế hoạch lợi nhuận sẽ được cập nhật sau theo diễn biến và tác động của dịch COVID-19.
Chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 là khó lường do ảnh hưởng từ việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
Ông Lê Đức Thọ - Chủ tịch HĐQT VietinBank
Chủ tịch Lê Đức Thọ cho biết chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020 là khó lường do ảnh hưởng từ việc cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều này tác động tới lãi dự thu (phải đưa ra khỏi tính lợi nhuận ngân hàng), thu nhập, chi phi dự phòng. Bên cạnh đó, ngân hàng còn đang xây dựng nhiều biện pháp giảm lãi, phí cho các khách hàng, những chính sách này cũng tác động trực tiếp tới lợi nhuận của ngân hàng.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên của Vietcombank, ngân hàng đã thông qua kế hoạch dư nợ tín dụng tăng 10% (mức cao nhất trong nhóm Big4 ngân hàng), huy động vốn tăng 8% so với cuối năm trước nhưng lại để trống chỉ tiêu lợi nhuận. ĐHĐCĐ cũng đồng ý giao cho HĐQT thực hiện kế hoạch tài chính 2020 phù hợp với diễn biến dịch bệnh và định hướng chỉ đạo của NHNN.
BIDV, ngân hàng duy nhất trong nhóm Big4 công bố con số lợi nhuận kế hoạch, thì thời điểm công bố đã từ những ngày đầu tháng 3 khi chưa có dự tính đến những ảnh hưởng của COVID-19. Trong quí I, do lập tăng mạnh chi phí dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận trước thuế giảm 28% xuống 1.814 tỉ đồng.
Những ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ là nhóm bị ảnh hưởng đầu tiên về lợi nhuận trước dịch COVID-19 vì đó là những tổ chức phải luôn đi đầu trong việc cắt giảm lãi suất, phí hỗ trợ khách hàng.
Phát biểu trong cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết lợi nhuận riêng của nhóm ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.
"Ví dụ Vietcombank năm trước lãi 22.000 tỉ đồng thì năm nay phải giảm 30 - 40% của cái lãi. Tức ít nhất đóng góp khoảng 8.000 tỉ đồng cho vấn đề hạ lãi suất", Phó Thống đốc cho biết.
Trên thực tế, Chủ tịch VietinBank cho biết ngân hàng đã dành từ 3.000 - 4.000 đồng lợi nhuận để chia sẻ khó khăn cùng với doanh nghiệp, khách hàng. Vietcombank cũng công bố con số giảm hơn 2.200 tỉ đồng lợi nhuận nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi COVID-19.
Những ngân hàng từng tăng trưởng lợi nhuận cao năm trước giờ ra sao?
Không chỉ riêng ông lớn của nhóm Big4, những ngân hàng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm 2019 cũng có kế hoạch khá dè dặt thậm chí giảm mạnh trong năm 2020.
Cụ thể, TPBank, ngân hàng có lợi nhuận tăng trưởng 71% trong năm 2019 đặt kế hoạch tăng trưởng chỉ hơn 5% trong năm nay. Tương tự với LienVietPostBank và VietBank với kế hoạch lợi nhuận giảm lần lượt 16,6% và 51%.
Ngân hàng | Tăng trưởng LNTT năm 2019 | Tăng trưởng LNTT kế hoạch năm 2020 |
TPBank | 71% | 5,20% |
LienVietPostBank | 68% | -16,60% |
VietBank | 53% | -51,10% |
Tăng trưởng lợi nhuận các ngân hàng (Nguồn: Diệp Bình tổng hợp).
Nhóm các ngân hàng cổ phần nằm trong Top 10 các ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất trong năm 2019 như ACB, Techcombank, VPBank, MB, HDBank, VIB cũng có kế hoạch khiêm tốn mặc dù những con số lợi nhuận quí I tương đối khả quan.
ACB, Techcombank đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2020 xấp xỉ con số của năm trước; VPBank, MB dự kiến lợi nhuận giảm lần lượt 1,1% và 10% trong khi HDBank và VIB dự kiến tăng trưởng 11,4% và 10,2%.
Theo báo cáo của CTCP Chứng khoán SSI, do tình hình dịch COVID-19 bắt đầu trở nên phức tạp kể từ tuần thứ hai của tháng 3 nên tác động của dịch bệnh đối với kết quả kinh doanh của hầu hết các ngân hàng trong quí I/2020 là không lớn. Ngoại trừ một số ngân hàng lựa chọn chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trước để có thêm nguồn dự trữ trong tương lai.
Tuy nhiên, trong quí II/2020, SSI Research cho rằng thu nhập lãi, thu nhập từ phí và thu hồi nợ xấu sẽ giảm xuống khi các ngân hàng cung cấp các gói lãi suất cho vay ưu đãi và cắt giảm chi phí giao dịch và thanh toán.