Lợi nhuận kỷ lục, ngân hàng giữ lại cổ tức để làm gì?
Cổ đông của Techcombank nhiều năm chưa biết "mùi" cổ tức. Ảnh: THÀNH HOA Chia cổ tức bằng cổ phiếu
Chia cổ tức bằng cổ phiếu
Trái với kỳ vọng khi các ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh năm 2018 với mức lợi nhuận khủng, mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) để lại cho cổ đông sự hụt hẫng vì “đói” cổ tức. Khoản lợi nhuận trong các báo cáo trước đó đều được giữ lại để phục vụ những mục tiêu khác của ngân hàng.
Cụ thể, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019, TPBank cho biết tăng trưởng lợi nhuận bình quân ngành ngân hàng năm 2018 đạt 40%, trong khi ngân hàng này tăng trưởng 82% với lợi nhuận trước thuế 2.258 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận tương đối lớn so với quy mô của ngân hàng hiện tại.
Tuy nhiên để xây dựng hệ sinh thái TPBank, Hội đồng quản trị (HĐQT) trình phương án thành lập công ty quản lý quản lý nợ và khai thác tài sản Ngân hàng Tiên Phong (TPBank AMC) với vốn điều lệ 50 tỉ đồng và mua lại 100% vốn của công ty tài chính. Với kế hoạch tổng thể này, ngân hàng chưa đề cập phương án trả cổ tức năm 2018.
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, cho biết lợi nhuận để lại chưa phân phối (1.527 tỉ đồng) sau khi lập TPBank AMC và mua công ty tài chính nếu còn dư sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu. Điều này cũng phù hợp với kế hoạch phát hành 200 triệu đô la Mỹ trái phiếu quốc tế và niêm yết trên sàn Singapore nhằm mục tiêu tăng vốn cấp 2 đạt chuẩn Basel II.
Trong khi đó, cổ đông của Techcombank “thiệt thòi” hơn khi nhiều năm chưa biết mùi cổ tức. Tại ĐHĐCĐ vừa qua, HĐQT ngân hàng này cũng quyết định giữ lại 10.600 tỉ đồng lợi nhuận và tiếp tục không chia cổ tức.
Báo cáo tại ĐHĐCĐ mới đây, VPBank cho biết lợi nhuận năm 2018 đạt gần 9.200 tỉ đồng, tăng 17% so với năm 2017. Dù còn thấp hơn chút ít so với kế hoạch song lợi nhuận của VPBank vẫn đứng thứ 4 trong hệ thống ngân hàng, tương đương vị trí của năm 2017.
Dẫu vậy, sau những báo cáo lạc quan thì cổ đông cũng đón nhận tờ trình phân phối lợi nhuận năm nay với việc không chia cổ tức. Lãnh đạo ngân hàng giải thích rõ là không chia tiền mặt cũng không chia cổ phiếu mà để lại lợi nhuận để phát triển ngân hàng. Số tiền chưa phân phối năm 2018 để lại sau khi trích các quỹ là hơn 3.400 tỉ đồng.
Ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước, một thành viên của Hội đồng Chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho hay lãnh đạo Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank), Công thương (VietinBank), Đầu tư và Phát triển (BIDV) luôn mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn điều lệ, hoặc giữ lại lợi nhuận (không chia cổ tức) để tăng thêm năng lực tài chính, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế về hệ số an toàn vốn.
Tại ĐHĐCĐ VietinBank vừa qua, HĐQT ngân hàng trình cổ đông thông qua hai phương án là chia toàn bộ cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 8,03% (tương đương 2.990 tỉ đồng) và để lại toàn bộ lợi nhuận (gần 2.997 tỉ đồng) để tăng vốn điều lệ.
Trong nhóm Big4 chỉ duy nhất có Vietcombank chia cổ tức bằng tiền mặt, tuy nhiên, thời điểm tiến hành vẫn chưa được ngân hàng này công bố. Như vậy, đi qua mùa ĐHĐCĐ năm nay, khi đề cập đến vấn đề phân phối lợi nhuận và chia cổ tức, hầu hết các ngân hàng đều đưa ra một kịch bản chung: “Không chia cổ tức để tập trung tái cơ cấu, xử lý tồn đọng”. Nhưng không phải toàn bộ các ngân hàng đều ứng xử như vậy với lợi nhuận, vẫn có một vài ngân hàng tiến hành chia cổ tức tiền mặt (ACB, NamABank, MBBank...).
Trong bối cảnh NHNN yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, các ngân hàng thương mại đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn, kéo hệ số an toàn tăng lên. Trong diễn biến đó, thời cổ tức ngân hàng bằng tiền mặt sẽ vẫn còn ở rất xa. |
Basel II và nợ xấu đang chặn dòng cổ tức
Vậy vấn đề còn tồn đọng cần tập trung xử lý ở đây là gì? Một trong những lý do đầu tiên là áp lực của nợ xấu (kể cả nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam - VAMC), tiếp đó là áp lực tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II.
Về nợ xấu, để giúp các ngân hàng có thêm thời gian xử lý nợ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép bán nợ cho VAMC và nhận lại trái phiếu. Theo yêu cầu của NHNN, ngân hàng cần phải đưa trích lập dự phòng xuống dưới năm năm mới được chia cổ tức. Trong đó, các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán.
Đề cập đến vấn đề này, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SHB, cho biết bản thân ông cũng là cổ đông, cũng rất muốn được chia cổ tức. Tuy nhiên, sau sáp nhập với Habubank, ngân hàng phải gánh khoản nợ liên quan đến Vinashin, nên ngân hàng phải bán nợ cho VAMC và trích lập dự phòng trong tám năm. Theo yêu cầu của NHNN, ngân hàng phải đưa dự phòng xuống dưới năm năm mới được chia cổ tức, do vậy ban lãnh đạo ngân hàng sẽ cố gắng xử lý xong sớm để thực hiện chia cổ tức trong năm nay. Ngoài ra, SHB cần tăng vốn để đáp ứng chuẩn Basel II, và phục vụ cho sự phát triển của các công ty con nên phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu là khả thi nhất.
Nhắc đến Basel II, các ngân hàng xem như là đích đến “hợp lý” cho việc bảo toàn lợi nhuận và không chia cổ tức tiền mặt. Thời hạn hoàn thành áp dụng chuẩn này ngày càng gần, nhưng tính đến nay, trong số 10 ngân hàng thí điểm mới có hai ngân hàng chính thức áp dụng là Vietcombank và VIB. Nhưng kể cả như vậy, các ngân hàng này vẫn tiếp tục đứng trước áp lực tăng vốn để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiếu (CAR). Với tám ngân hàng còn lại, tăng vốn để đáp ứng Basel II lại càng cần thiết hơn; nhiều ngân hàng khác đang tái cơ cấu cũng sẽ không đứng ngoài yêu cầu này.
Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank, chia sẻ ngân hàng cũng đã trình NHNN phương án được giữ lại toàn bộ lợi nhuận ba năm 2017-2019 để tăng vốn hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu. Đây đang là phương án khả thi nhất để tăng vốn đối với VietinBank hiện nay, khi các phương án khác đã được khai thác tới hạn. Trên thực tế, mong muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu và được để lại lợi nhuận để tăng vốn của VietinBank đã có từ mấy năm nay. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên, nội dung này được chính thức trình tại ĐHĐCĐ thường niên vì tính cấp bách của việc tăng vốn.
Trong bối cảnh NHNN yêu cầu áp dụng hệ số an toàn vốn theo chuẩn mực quốc tế, các ngân hàng thương mại đều muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng thêm vốn, kéo hệ số an toàn tăng lên. Trong diễn biến đó, thời cổ tức ngân hàng bằng tiền mặt sẽ vẫn còn ở rất xa.