|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cổ đông ngân hàng nhận tin vui, cổ tức tiền mặt và hàng tỷ cổ phiếu sắp về tay

07:20 | 29/05/2023
Chia sẻ
Nhiều ngân hàng ra thông báo triển khai kế hoạch trả cổ tức trong năm nay với tỷ lệ từ 10-39%, trong đó một số nhà băng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt.

Nhiều ngân hàng đã thông báo triển khai kế hoạch trả cổ tức ngay từ những tháng đầu năm, trong đó một số ngân hàng sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt sau nhiều năm trả bằng cổ phiếu theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Mới đây nhất, NHNN đã có văn bản chấp thuận việc TPBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 6.198 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu phổ thông để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Đây là phương án đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 của TPBank thông qua.

Cụ thể, TPBank sẽ phát hành gần 620 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 39,19% bằng cổ phiếu, từ nguồn lợi nhuận để lại chưa phân phối luỹ kế đến năm 2021 là hơn 1.536 tỷ đồng, thặng dư vốn cổ phần (2.561 tỷ đồng) và 2.102 tỷ đồng được lấy từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2022.

Số cổ phiếu phát hành thêm này sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng. Sau khi phát hành theo phương án này, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng từ 15.817 tỷ đồng lên 22.016 tỷ đồng. 

Tại ACB, ngân hàng thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền trả cổ tức năm 2022 bằng tiền và cổ phiếu là 2/6, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 1/6. 

Theo đó, ngân hàng sẽ thực hiện trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10%, tức một cổ phiếu được nhận 1.000 đồng. Ước tính với gần 3,38 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ACB sẽ phải chi hơn 3.377 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông. Ngày thanh toán dự kiến là 12/6.

Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dự kiến phát hành hơn 506 triệu cổ phiếu để chia cổ tức 2022 với tỷ lệ thực hiện quyền là 15%, tức cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận thêm 15 cổ phiếu mới.

Nguồn vốn thực hiện từ lợi nhuận có thể sử dụng chia cổ tức sau khi đã trích lập đầy đủ các quỹ và lợi nhuận năm trước còn lại chưa chia theo kết quả kiểm toán tại thời điểm 31/12/2022.

Nếu hoàn tất kế hoạch phát hành trên, vốn điều lệ của ACB dự kiến tăng từ 33.774 tỷ đồng lên 38.840 tỷ đồng. Sau khi chia cổ tức, Dragon Financial Holdings Limited vẫn là cổ đông lớn duy nhất với tỷ lệ sở hữu 6,92% vốn điều lệ ngân hàng. 

Một ngân hàng khác cũng lên kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay là HDBank. Ngày chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức tiền mặt dự kiến là ngày 30/5. Cổ đông có tên trong danh sách tại ngày đăng ký cuối cùng sẽ được nhận 1.000 đồng/cổ phiếu. Ngày thanh toán cổ tức cho cổ đông dự kiến là 12/6.

Một số ngân hàng sắp thực hiện trả cổ tức trong thời gian tới. (Nguồn: Phương Nga).

Với VIB, ngân hàng cho biết đã nhận được công văn của NHNN chấp thuận việc thực hiện tăng vốn điều lệ thêm tối đa 4.291,3 tỷ đồng. 

Cụ thể, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 412,5 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và 7,6 triệu cổ phiếu thưởng cho cán bộ, nhân viên (ESOP), với tỷ lệ phát hành lần lượt là 20% và 0,36%.

Nếu các đợt phát hành diễn ra thành công, vốn điều lệ của VIB tăng từ 21.077 tỷ đồng lên 25.368 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng thêm sẽ được sử dụng để cấp tín dụng và đầu tư tài sản thanh khoản, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cấp mạng lưới chi nhánh,...

Trước đó, đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023 của VIB đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức ở mức 35% bao gồm 15% cổ tức tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Ngày 5/5, ngân hàng đã hoàn tất phân phối 15% cổ tức tiền mặt. 

Nằm trong nhóm các ngân hàng triển khai kế hoạch chia cổ tức ngay sau ĐHĐCĐ, ABBank thông báo ngày đăng ký cuối cùng trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 10% cho cổ đông hiện hữu là 31/5, tương ứng ngày giao dịch không hưởng quyền là 30/5. 

Chia sẻ về kế hoạch chia cổ tức của ABBank trong 5 năm tới, Chủ tịch HĐQT Đào Mạnh Kháng cho biết ngân hàng đang hướng đến tương lai là một tổ chức mang lại giá trị cho khách hàng, lấy khách hàng làm trọng tâm. Do đó đòi hỏi phải đầu tư rất mạnh mẽ vào con người.

"Do vậy, chúng tôi đề nghị cổ đông sẵn sàng đồng hành với Ban điều hành, HĐQT để giữ lại lợi nhuận để đầu tư dài hạn vào con người, hệ thống, công nghệ để lợi nhuận bứt phá hơn.

Thị trường đang khó khăn như này là cơ hội để chúng ta nhìn lại hệ thống. Đồng tiền đang khó như thế này thì đầu tư vào đâu để không mất giá? Đầu tư vào con người. Chúng ta có con người thì mới cạnh tranh được", ông Kháng cho hay.

Phương Nga