Những kẻ lừa đảo cao chạy xa bay, để lại mớ hỗn độn cho các doanh nghiệp công nghệ Blockchain chân chính
Blockchain có thể là ‘cứu cánh’ cho các giao dịch xuất nhập khẩu trong tương lai |
Blockchain đã và đang trở thành đề tài nóng hổi của giới truyền thông, mạng xã hội và vô số cuộc hội thảo chuyên đề. Giới chuyên môn chỉ ra vô số lợi ích mà công nghệ Blockchain mang tới cho xã hội nói chung và doanh nghiệp nói riêng.
Theo giới chuyên gia, Blockchain là công nghệ tiên tiến, cho phép truyền dữ liệu an toàn dựa vào cơ chế mã hóa phức tạp, với nhiều nút độc lập có khả năng xác thực thông tin mà không đòi hỏi một trung gian đáng tin cậy như các hệ thống khác. Các thông tin trong Blockchain không thể bị thay đổi và chỉ có thể được bổ sung thêm với sự đồng thuận của tất cả các nút trong hệ thống.
Với các đặc tính lưu trữ thông tin và vận hành hợp đồng thông minh, công nghệ Blockchain có tiềm năng ứng dụng lớn vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống như kế toán, xuất nhập khẩu hàng hóa, theo dõi xuất xứ sản phẩm, bán lẻ, ngân hàng, bình chọn.
"Là loại cơ sở dữ liệu có những đặc thù rất riêng biệt, Blockchain có thể giải quyết bài toán về niềm tin, sự minh bạch, phá vỡ mọi giới hạn địa lý. Trong kinh doanh, niềm tin là yếu tố quyết định việc doanh nghiệp muốn hợp tác với nhau hay không", anh Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập công ty Umbala, bình luận.
Giống như phần lớn quốc gia trên thế giới, Việt Nam mới đang ở giai đoạn sơ khai của công nghệ Blockchain. Song nhiều vấn đề đang khiến công chúng mất niềm tin vào thị trường Blockchain.
Nguyễn Minh Thảo, người sáng lập công ty Umbala. |
Anh Thảo nhận định đối tượng trên thị trường Blockchain gồm hai loại: Dân đầu cơ tiền mã hóa và giới công nghệ đang làm Blockchain nghiêm túc. Thảo khẳng định tỷ lệ những người thuộc nhóm thứ hai rất nhỏ, trong khi đối tượng thuộc nhóm thứ nhất lại quá nhiều và họ theo đuổi tư duy làm giàu ngắn hạn, manh mún.
ICO (Initial Coin Offering) - hình thức kêu gọi vốn đầu tư cho các dự án tiền mã hóa - là thuật ngữ liên quan tới Blockchain mà công chúng biết tới nhiều nhất. Song một nghiên cứu của Công ty tư vấn Satis cho thấy tới 78% dự án ICO là cạm bẫy lừa đảo.
Ông chủ công ty Umbala nhận định ban đầu các dự án ICO phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhưng sau đó tình hình trở nên phức tạp bởi lòng tham của những kẻ lừa đảo. Họ vẽ ra những ICO hoành tráng để thu hút tiền của người dân, rồi sau đó "cao chạy xa bay", để lại một mớ hỗn độn cho những doanh nghiệp làm thật và có tầm nhìn dài hạn. Trong bối cảnh lòng tin của công chúng giảm, những doanh nghiệp chân chính phải cạnh tranh nhau những "miếng bánh" nhỏ.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Bá Khang, người sáng lập và điều hành công ty Newcater (một start-up trong lĩnh vực Blockchain) nhận định các doanh nghiệp trong lĩnh vực Blockchain đang gặp vô số thách thức. Họ vừa phải lo nguồn vốn để hoạt động, nghiên cứu phát triển, vừa phải cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài cũng như những kẻ lợi dụng danh nghĩa Blockchain để lừa đảo, chộp giật.
Nguyễn Bá Khang, người đồng sáng lập và giữ chức giám đốc điều hành của công ty Newcater. |
Khang nhắc lại rằng công nghệ Blockchain mới ở giai đoạn sơ khai và còn cần giải quyết rất nhiều trở ngại để có thể trở nên phổ biến trong cuộc sống. Một trong các vấn đề là tốc độ và khả năng mở rộng, cũng như cần hoàn thiện hệ sinh thái các ứng dụng phi tập trung nhằm giải quyết các bài toán cuộc sống cụ thể.
"Một nghiên cứu gần đây cho thấy, chỉ khoảng 40 công ty phát triển Blockchain có sản phẩm hoạt động. Trong số vài ngàn dự án Blockchain bùng nổ năm qua, dự án lừa đảo chiếm tới gần 80%, 15% dự án thất bại vì nhiều nguyên nhân và chỉ còn khoảng 5% sống sót và phát triển", Khang nêu thực trạng.
Dẫn một con số thống kê, Khang nói khoảng hơn 300 dự án liên quan đến lĩnh vực Blockchain đang hoạt động ở Việt Nam, trong đó khoảng 20 công ty đã và đang trực tiếp xây dựng hạ tầng công nghệ Blockchain. Một số dự án đã thành công trong việc huy động vốn cộng đồng thông qua việc phát hành tiền số - như Kyber Network (60 triệu USD), Tomochain (8,5 triệu USD) Nexty (8 triệu usd) Midas Protocol (18.000 ETH).
"Với nhà đầu tư, tôi nghĩ họ đã trải qua một thời kỳ bong bóng và mất tiền vào các dự án ma, nên tạm thời họ đang mất niềm tin, cần đợi thị trường hồi phục", Khang nhận xét.
Nhưng vấn đề khó khăn là tỷ lệ người dân am hiểu công nghệ vẫn thấp, và rất nhiều dự án lợi dụng danh nghĩa công nghệ Blockchain để lôi kéo nhà đầu tư hoạt động theo mô hình kim tự tháp, mô hình ponzi để trục lợi rồi bỏ chạy, gây ảnh hưởng xấu đến các start-up phát triển công nghệ chân chính. Nhiều doanh nghiệp trong số đó phải sang Singapore để đăng ký hoạt động.
Để thị trường này có thể hoạt động minh bạch và hiệu quả hơn, chúng tôi đã thành lập các hiệp hội và liên minh Blockchain minh bạch, đồng thời chúng tôi cũng mong chính phủ thực thi các hoạt động và khuôn khổ pháp lý cụ thể hơn trong lĩnh vực Blockchain, ban hành những chế tài xử lý nghiêm các dự án biến tướng, lừa đảo.
Xem thêm |