Blockchain có thể là ‘cứu cánh’ cho các giao dịch xuất nhập khẩu trong tương lai
Trung tâm nghiên cứu kinh tế quốc tế Áo (FIW) mới đây thực hiện tìm hiểu, đánh giá về những tác động, ảnh hưởng của việc số hoá, bao gồm áp dụng công nghệ blockchain (chuỗi khối), vào hoạt động xuất khẩu, theo Cointelegraph auf Deutsch. Được biết, báo cáo này được chuẩn bị bởi Bernhard Dachs đến từ Viện Công nghệ Áo với nội dung mang đến những góc nhìn tích cực cho công nghệ blockchain và các công nghệ trí tuệ nhân taọ.
Blockchain được nhìn nhận có thể là một yếu tố thay đổi nhiều lĩnh vực, trong đó có thương mại quốc tế.
Báo cáo khẳng định công nghệ blockchian có thể khiến các giao dịch trong hoạt động xuất khẩu được tiến hành an toàn hơn và từ đó giảm thiểu các yếu tố không chắc chắn. Bên cạnh đó, công nghệ phi tập trung cũng có thể giúp “giảm thiểu chi phí liên quan đến thực hiện bảo lãnh xuất khẩu”.
Báo cáo dù vậy cũng thừa nhận rằng trước hết công nghệ blockchain cần phải được cấp nhận rộng rãi, đặc biệt là trong ngành ngân hàng, trước khi ngành xuất nhập khẩu có thể hưởng lợi từ nó.
Nhiều ngân hàng cũng đang tìm hiểu ứng dụng của blockchain trong dịch vụ của mình, trong đó bao gồm chuyển tiền, tài trợ thương mại, tín dụng hay định danh khách hàng.
Thực tế, nhiều công ty lớn trên thế giới cũng đang bắt đầu áp dụng công nghệ sổ cái phân tán cho các lĩnh vực như logistics hay vận hành chuỗi cung ứng. Dự án chạy thử đầu tiên của IBM và công ty logistic nổi tiếng Maersk để đánh dấu sự tồn tại của các chứng từ vận tải bằng blockchain hiện vẫn đang được áp dụng.
Cùng lúc, cảng Hamburg của Đức cũng đang phát triển một dự án mang tên HanseBloc với mục đích được cho là để đảm bảo tính bảo mật của việc trao đổi qua không gian số các vận đơn đường biển, chứng từ quan trọng trong giao dịch xuất nhập khẩu, nhờ blockchain.