Những đồng tiền nào sẽ biến động mạnh nếu xảy ra cuộc chiến thương mại?
[Phần 2] Chiến tranh thương mại toàn cầu liệu có xảy ra? | |
Dự báo kinh tế toàn cầu tăng trưởng cao nhất trong vòng 7 năm | |
[Phần 1] Chiến tranh thương mại toàn cầu liệu có xảy ra? |
Mặc dù mối đe dọa của chính quyền Trump về việc áp thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của Trung Quốc đã làm dấy lên nỗi lo về động thái trả đũa từ Bắc Kinh, song nó có chỉ tác động nhẹ đến các thị trường, vốn đã được hưởng một đợt tăng giá dài nhất trong nhiều năm khi tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi.
Tuy nhiên, nhiều đồng tiền dường như “không thích” các cuộc xung đột thương mại. Còn nhớ, mức thuế nhập khẩu tương đối nhỏ mà chính quyền của Tổng thống Obama thực hiến đối với thép Trung Quốc vào tháng 5/2016 đã đẩy chỉ số USD giảm mạnh hơn 2% trong vòng 1 tháng. Tương tự, trong vòng ba tháng kể từ khi chính quyền của Tổng thống George Bush áp đặt lên thép nhập khẩu từ EU vào tháng 3/2002, đồng USD cũng đã giảm 6%.
Các cuộc đụng độ về thương mại mới đây diễn ra khi biến động tiền tệ toàn cầu giảm trở lại sau khi bật tăng từ mức thấp trong nhiều năm vào tháng 2. Theo chỉ số biến động của Deutsche Bank, chỉ số này vẫn thấp hơn so với những tháng gần đây. Điều đó khiến các nhà đầu tư càng theo dõi sát sao để tìm kiếm những dấu hiệu cảnh báo sớm trên thị trường tiền tệ rằng biến động giá sẽ tăng mạnh.
Một số loại tiền tệ đã chuyển dịch như mong đợi khi tự do thương mại đang bị đe doạ: Đồng đôla Canada suy yếu và yên Nhật được củng cố, nhưng những biến động này vẫn còn khá hạn chế.
“Cuộc “khẩu chiến” về chiến tranh thương mại tại thời điểm này vẫn chỉ là “khẩu chiến”. Vì vậy rất khó để có thể định lượng việc nó xuất hiện như thể thị trường đang bỏ qua nó”, Russell Silberston - một nhà quản lý tiền tệ tại Investec Asset Management, định chế quản lý khoảng 140 tỷ USD tài sản, cho biết. “Nhưng tôi không sai khi cho rằng, nó (viễn cảnh của một cuộc chiến thương mại) hiện đang là rủi ro lớn nhất”.
Đặc biệt hậu quả sẽ rất nghiêm trọng nếu chiến tranh thương mại nổ ra bởi vì mức độ biến động thấp của thị trường thời gian gần đây đã khiến cho các nhà đầu tư áp dụng các chiến lược có nguy cơ cao hơn. Ví dụ, vị thế đầu cơ vào các đồng tiền của các thị trường mới nổi đang đứng ở mức cao trong nhiều năm.
Các đồng tiền châu Á chịu nhiều rủi ro
“Tôi rất kinh ngạc bởi sự phản ứng yếu ớt của các đồng tiền châu Á. Chúng phải chờ đợi sự trả đũa của Trung Quốc”, Richard Benson - đồng giám đốc đầu tư danh mục đầu tư tại Millennium Global, một nhà quản lý tiền tệ tại London, cho biết.
“Sẽ có những chuyển động khá có ý nghĩa. Chúng ta đang nói về các loại tiền tệ châu Á đang ở mức mạnh nhất trong nhiều năm. Không có gì trong đó (nguy cơ bảo hộ) được định giá”, ông nói.
Benson tin rằng các nhà xuất khẩu lớn của châu Á có nguy cơ cao nhất, bao gồm cả đồng won Hàn Quốc và đồng đôla Đài Loan cũng như đồng đô la Úc - một đại diện cho tăng trưởng kinh tế châu Á.
Đồng won và đôla Singapore, một loại tiền tệ khác cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi dòng thương mại toàn cầu, đang giao dịch gần mức mạnh nhất của chúng so với đồng USD trong hơn 3 năm.
Trong số các đồng tiền của các nền kinh tế phát triển, đồng crown của Thụy Điển cũng sẽ chịu tác động lớn - các nhà chiến lược của ING chỉ ra Thụy Điển là nền kinh tế mở thứ hai trong nhóm 10 nước giàu nhất dựa trên tỷ lệ thương mại và tổng sản phẩm quốc nội.
Trong khi Bank of America Merrill Lynch nhận thấy đồng đôla Canada chịu rủi ro cao nhất; đôla Mỹ và đôla New Zealand cũng có vẻ dễ bị tổn thương. Họ nói rằng đồng franc Thụy Sỹ và đồng euro sẽ tăng mạnh.
USD sẽ ổn định
Hiện nhiều người tin tưởng rằng thế giới sẽ vượt qua các mức thuế do chính quyền Trump gây ra vì sự hồi phục bền vững trong thương mại đã hỗ trợ tăng trưởng, với kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ nhanh nhất trong 6 năm.
Mặc dù động thái của các chính phủ thường là để bảo vệ ngành công nghiệp trong nước khi tăng trưởng đang gặp khó khăn, tuy nhiên các mức thuế nhập khẩu của chính quyền Trump được đưa ra vào thời điểm mà các động cơ kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc đang bùng nổ.
Một lời giải thích khác cho sự ổn định của đồng USD là nhiều nhà quan sát thị trường không tin rằng Trump sẽ tiếp tục triển khai các đe dọa của ông ta. David Bloom – trưởng bộ phận nghiên cứu tiền tệ toàn cầu của HSBC cho rằng, các quan chức Mỹ có thể nhận thấy một đồng USD yếu sẽ là một giải pháp dễ dàng hơn trong nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại khổng lồ của Mỹ.
Vậy sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ tăng có nghĩa gì đối với đồng đôla?
Trong ngắn hạn, đồng USD có thể sẽ suy yếu, đặc biệt là đối với đồng euro và đồng yên. Nhưng nếu tăng trưởng toàn cầu hoặc thị trường chìm vào bán tháo rộng rãi, đồng đôla sẽ được hưởng lợi từ vị thế là đồng tiền dự trữ toàn cầu số một của nó.
Đồng yên sẽ tăng
Các nhà đầu tư ít nhất cũng thống nhất là sẽ có “một người chiến thắng”, đó là đồng yên Nhật, vốn được hỗ trợ bởi khoản thặng dư tài khoản vãng lai khổng lồ và danh tiếng của nó như là một nơi trú ẩn an toàn nhờ vào hàng nghìn tỷ USD mà các nhà đầu tư Nhật đổ vào tài sản ở nước ngoài.
“Nếu có chiến tranh thương mại, đồng yên sẽ được chọn lựa như một tài sản an toàn”, Manuel Oliveri - một chuyên gia chiến lược ngoại hối tại Credit Agricole nói.
Đồng yen đã tăng 6% trong năm nay và hiện đang giao dịch gần mức cao nhất 1,5 năm so với đồng USD một phần nhờ vào kỳ vọng NHTW Nhật sẽ thu hẹp chương trình mua trái phiếu khổng lồ của mình.
BlackRock - nhà quản lý tiền lớn nhất thế giới đã nghiên cứu những phản ứng tức thời của thị trường xung quanh 6 sự kiện thương mại lớn trong 15 năm qua và kết luận rằng vàng và đồng yên có xu hướng tăng trưởng tốt hơn. Trong một lưu ý, họ gọi một cuộc chiến tranh thương mại “gây tranh cãi nhất” là rủi ro lớn nhất của thị trường trong năm 2018.