Những điểm siết của Nghị định 65 so với Nghị định 153 về trái phiếu doanh nghiệp
Điểm mới của Nghị định 65
Với điều kiện phát hành và hồ sơ chào bán, Nghị định bổ sung quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu bao gồm: Kết quả xếp hạng tín nhiệm theo các trường hợp và lộ trình thực hiện như quy định đối với chào bán trái phiếu ra công chúng (từ 01/01/2023); Hợp đồng ký kết với đại diện người sở hữu trái phiếu trong trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân; Xác nhận của ngân hàng thương mại về việc mở tài khoản nhận tiền mua trái phiếu.
Về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành, Nghị định bổ sung quy định doanh nghiệp phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật.
Trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố.
Nghị định cũng bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nội dung Chuyên trang thông tin về TPDN tại Sở GDCK sẽ bổ sung công bố một số chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp phát hành, thông tin về các doanh nghiệp không thanh toán đầy đủ gốc, lãi trái phiếu, sử dụng vốn trái phiếu không đúng mục đích để nhà đầu tư và thị trường biết được thông tin của doanh nghiệp phát hành.
Để nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư, Nghị định bổ sung việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.
Khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về TPDN riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.
Nhà đầu tư không được phép bán hoặc cùng góp vốn đầu tư trái phiếu với nhà đầu tư không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Đồng thời, nghị định bổ sung quy định nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, bổ sung quy định để thiết lập thị trường giao dịch có tổ chức và hoàn thiện quy định về cơ chế quản lý, giám sát.
Nhiều tồn đọng trong thị trường trái phiếu
Tại cuộc họp báo, ông Nguyễn Hoàng Dương, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) thông tin, từ năm 2019 đến nay, khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng nhanh, bình quân khoảng 467.000 tỷ mô thị trường đến cuối năm 2021, tương đương 15% GDP.
Tuy nhiên, theo ông Dương, thị trường cũng phát sinh nhiều rủi ro mới như một số doanh nghiệp có tình hình tài chính yếu nhưng phát hành trái phiếu với lãi suất cao, khối lượng lớn.
Hiện tại quy định chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư tự chịu rủi ro khi quyết định đầu tư nhưng thực tế nhiều nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ không tìm hiểu kỹ quy định và thông tin về trái phiếu, đã vi phạm quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, mua TPDN riêng lẻ hoặc góp vốn thông qua hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư theo pháp luật dân sự.
Hơn nữa, một số tổ chức cung cấp dịch vụ về tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu, kiểm toán, thẩm định giá, đại lý phát hành, đăng ký, lưu ký trái phiếu chưa tuân thủ quy định pháp luật, chưa đảm bảo đạo đức nghề nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư hợp thức hóa hồ sơ chào bán, hồ sơ xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp hoặc cố tình chào mời không đúng đối tượng nhà đầu tư đối với TPDN riêng lẻ.
Thông tin tại cuộc họp, ông Lê Công Điền, Vụ trưởng Vụ Giám sát công ty đại chúng (Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, từ tháng 10/2021 đến nay, UBCKNN đã triển khai 30 đoàn thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành , giao dịch TPDN đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn và tổ chức phát hành.
Qua kiểm tra công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, UBCKNN phát hiện có 6 trường hợp vi phạm liên quan đến việc cung cấp dịch vụ TPDN riêng lẻ. Ví dụ có công ty cung cấp dịch vụ tư vấn hồ sơ chào bán TPDN riêng lẻ, cung cấp dịch vụ đại lý lưu ký, chuyển nhượng TPDN khi chưa được UBCKNN cấp phép nghiệp vụ bảo lãnh phát hành.
Một số công ty vi phạm không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bản phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác, công bố thông tin sai lệch, công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định về việc mua lại trái phiếu trước hạn.
Qua kiểm tra 9 tổ chức phát hành, UBCKNN phát hiện có 8 tổ chức vi phạm. Cụ thể, hai công ty vi phạm chào bán trái phiếu ra công chúng nhưng không đăng ký với UBCKNN và phần lớn các công ty vi phạm công bố thông tin không đúng thời hạn theo quy định Nghị định 153.
Theo ông Nguyễn Hoàng Dương có 5 nguyên nhân dẫn đến các tồn tại hạn chế trên thị trường trái phiếu hiện nay. Thứ nhất là do việc thực thi chính sách, tính tuân thủ của một số doanh nghiệp phát hành, tổ chức cung cấp dịch vụ chưa cao.
Thứ hai, điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán cần được rà soát, đặc biệt là điều kiện về nhà đầu tư nắm giữ danh mục chứng khoán niêm yết có giá trị tối thiểu 2 tỷ đồng cần cân nhắc sửa đổi để phù hợp với thực tế.
Thứ ba, nhận thức của nhà đầu tư còn hạn chế, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân, mặc dù đã được thông tin, tuyên truyền, cảnh báo nhiều lần nhưng vẫn đầu tư theo tâm lý đám đông và ham lãi suất cao.
Thứ tư, nhà đầu tư tổ chức tại Việt Nam chưa phát triển. Thứ 5 là công tác thanh, kiểm tra gặp khó khăn do số lượng doanh nghiệp phát hành lớn.