'Cần có cơ chế giúp nhà đầu tư mua trái phiếu của doanh nghiệp có lãnh đạo bị tạm giam lấy lại tiền'
Tại Toạ đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, ông Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết, thời gian qua xảy ra một số vụ việc liên quan trái phiếu, ông được một số nhà đầu tư cá nhân mời đại diện làm việc với nhà phát hành trái phiếu.
Trong quá trình làm việc, ông cho biết hầu hết nhà đầu tư không quan tâm đến các vấn đề vĩ mô hay sức khoẻ doanh nghiệp như thế nào? Tài sản đảm bảo là gì. Điều họ quan tâm là lãi suất cao hơn ngân hàng.
Vừa qua, một số lãnh đạo của doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý, một số vấn đề về trái phiếu đã phát sinh và các nhà quan lý chưa có kinh nghiệm trong xử lý việc này.
“Một số nhà đầu tư mong muốn lãnh đạo doanh nghiệp vướng vào vòng lao lý được tại ngoại để xử lý các lô trái phiếu đã phát hành để lấy lại tiền. Tuy nhiên trong cơ chế nền tư pháp Việt Nam thì khó cho tại ngoại để xử lý. Giai đoạn tới phải xem xét cách xử lý, ứng xử của các đơn vị nếu lãnh đạo doanh nghiệp vướng lao lý”, ông Hà cho biết.
Hiện tại, một số nhà đầu tư lo lắng không lấy lại được tiền. Một số doanh nghiệp cũng có phương án bán dự án để đáo hạn trái phiếu và trả lại tiền cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.
“Trong luật chứng khoán và nghị định 153 nêu rõ khi xảy ra những vấn đề liên quan đến trái phiếu thì huỷ lô trái phiếu đó. Tuy nhiên, việc xử lý hậu quả của huỷ lô trái phiếu đó như thế nào lại là một khoảng trống pháp lý”, ông Hà nhận định.
Do đó, ông Hà cho rằng thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý các trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Điều này là cần thiết, nhất là khi niềm tin của nhà đầu tư đang di xuống sau những vụ việc vừa qua.
Báo cáo mới nhất của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa nối dài thêm một tháng trầm lắng ở hoạt động phát hành mới.
Cụ thể, trong tháng 8, có 26 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ với giá trị 13.930 tỷ đồng và 1 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng trị giá 300 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong đó chủ yếu là trái phiếu của các ngân hàng thương mại; các lĩnh vực khác tiếp tục khá hạn chế, chỉ có 2 đợt phát hành từ CTCP Fuji Nutri Food và CTCP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng 1.800 tỷ đồng.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng trái phiếu vẫn là kênh huy động vốn quan trọng của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo ông, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp khoảng 1,5 triệu tỷ tương đương 1/3 tổng vốn trung và dài hạn của hệ thống ngân hàng. Với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng 30 - 35%/năm thì trong vòng 2 năm khối lượng trái phiếu sẽ tăng gấp đôi và 6 năm sau có thể tăng gấp 7 lần lên 11,2 triệu tỷ. Con số này có thể "gánh" được gần nhưvốn trung dài hạn mà hệ thống ngân hàng tìm vốn ngắn cho vay trung dài hạn.
Ông Nghĩa nhận định: "Đây là điều chúng ta kỳ vọng trong tương lai, trong khi hiện tại có quan điểm coi trái phiếu như trò chơi đánh bạc của các nhà phát hành, có trường hợp sai phạm, nhà đầu tư phải ráng chịu. Trái phiếu là thị trường vô cùng quan trọng nhưng đang không được phát triển với tâm thế xem nó là "máu" của nền kinh tế thị trường".
Cũng theo ông Nghĩa, bộ phận phát triển thị trường trái phiếu là bộ phận hẹp trong Uỷ ban chứng khoán Nhà nước là điều rất đáng trách.
Thị trường trái phiếu là một thị trường có độ rủi ro tương đối cao, vì thế cần có hệ thống giám sát vi phạm chuẩn để nhà đầu tư nhìn vào sức khỏe doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đó chỉ biết nhìn vào, quyết định chọn theo khẩu vị rủi ro.