TS. Vũ Tiến Lộc: '4 đồng vốn huy động thì mới chỉ có 1 đồng từ thị trường cổ phiếu, trái phiếu'
4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ kênh trái phiếu, cổ phiếu.., 3 đồng đến từ ngân hàng
Chia sẻ tại Tọa đàm “Mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp - Niềm tin và Trách nhiệm”, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định nguồn cung tín dụng để phục hồi và phát triển kinh tế đang hạn chế so với nhu cầu vốn thực tế.
“Chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14% nhưng đến nay đã đạt 10%, dư địa chỉ còn 4% từ nay đến cuối năm. Như vậy, nguồn cung tín dụng đang hạn hẹp so với nhu cầu thực thực tế”, ông Lộc nói.
Do đó, thị trường đang kỳ vọng nhiều vào các “van” cung ứng khác cho nền kinh tế như chứng khoán, trái phiếu.
“Nguồn vốn huy động qua chứng khoán và trái phiếu mới chiếm 26%, tức là cứ 4 đồng vốn huy động thì chỉ có 1 đồng từ thị trường vốn khác trái phiếu, cổ phiếu.., còn lại chủ yếu qua kênh tín dụng ngân hàng. Đây là vấn đề cần tháo gỡ của Việt Nam”, ông Lộc nhận định.
Nhiều doanh nghiệp cũng đang đa dạng hóa các nguồn vốn trong đó có qua kênh chứng khoán và trái phiếu. Tuy nhiên, trên thực tế đã có những ví dụ thành công nhưng việc huy động vốn qua các kênh này vẫn gặp khó khăn.
“Làm sao để đồng tiền tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, không chỉ thông qua việc gửi tiết kiệm ngân hàng. Đây chính là công thức thành công của các nền kinh tế phát triển”, ông Lộc nói.
Vẫn còn những lỗ hổng về luật, nhà đầu tư chỉ quan tâm lợi nhuận, không màng rủi ro
Việc phát triển thị trường vốn để tạo thêm kênh huy động vốn cho doanh nghiệp rất quan trọng, nhưng quá trình học hỏi kinh nghiệm thế giới còn hạn chế.
“Về ngắn hạn thời gian tới đến hạn thanh toán trái phiếu của các doanh nghiệp, như vậy các doanh nghiệp huy động vốn trên thị trường nhất là doanh nghiệp bất động sản đang gặp khó khăn rất lớn nên cần tháo gỡ ngay những khó khăn nếu không sẽ có những đổ vỡ”, ông Lộc nhận định.
Tuy nhiên, ở kênh trái phiếu thời gian qua đã bộc lộ những khoảng trống về mặt pháp lý. Trao đổi bên lề toạ đàm, ông Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB Law cho biết một số doanh nghiệp, tổ chức “lách luật”.
Theo quy định, khi mua trái phiếu, người mua phải là những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Thế nhưng, thực tế, một tổ chức phát hành bán toàn bộ trái phiếu cho đơn vị khác. Sau đó, đơn vị này lại bán cho nhà đầu tư chứng khoán không chuyên dưới dạng hợp đồng hợp tác.
“Trong quá trình làm việc, đứng khía cạnh nhà đầu tư đặc biệt nhà đầu tư cá nhân rất nhiều người không hiểu nhiều về các vấn đề vĩ mô, bản chất trái phiếu, họ quan niệm mua trái phiếu như gửi tiết kiệm. Thứ hai là lãi suất trái phiếu cao hơn ngân hàng thì họ nhảy vào, không quan tâm tài sản đảm bảo là gì, hay các vấn đề liên quan ra sao”, ông Hà nói.
Ông Hà cho biết hiện nhà đầu tư cá nhân lo lắng không lấy lại được tiền. Một số chủ doanh nghiệp mong muốn bán các dự án để xử lý, trả lại tiền cho nhà đầu tư. Nhưng cơ chế xử lý hiện nay không được, tiền vào kho bạc, vào cơ quan điều tra phải đợi các phiên tòa, bản án của tòa.
“Tôi nghĩ vấn đề ở đây khía cạnh tư pháp trong thời gian tới Chính phủ cần nghiên cứu xử lý những trường hợp doanh nghiệp sắp tới đáo hạn không trả được tiền cho nhà đầu tư, cần có cơ chế xử lý, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư. Trong Nghị định 153 cần có cơ chế đảm bảo việc đó, khi mà niềm tin nhà đầu tư đi xuống sau những vụ việc vừa qua”, ông Hà đề xuất.
Cần có quy định rõ ràng
Theo TS. Nguyễn Tú Anh cho rằng hiện các nhà đầu tư không quan tâm nhiều đến rủi ro và tham gia thị trường trái phiếu khá hững hờ. Nếu hệ thống pháp luật Việt Nam chặt chẽ hơn thì thị trường sẽ bớt rủi ro hơn.
Tại Mỹ từ lâu quốc gia này đã có quy định tách ngân hàng thương mại và ngân hàng đầu tư. Song tại Việt Nam hiện nay nhiều ngân hàng đang thực hiện chức năng môi giới đầu tư và có lợi nhuận rất lớn.
Điều này không có pháp luật nào cấm, nhưng có một thực tế là những doanh nghiệp nào càng rủi ro càng cần đơn vị đứng ra bảo lãnh.
“Chúng ta chưa có những quy định tách bạch giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại nên cần có những quy định pháp luật rõ ràng về vấn đề này. Tôi không nói là cần siết quá chặt lại nhưng cần có những quy định rõ ràng, thế giới đã tách bạch rồi Việt Nam cũng nên học hỏi”, ông Tú Anh cho biết.
TS. Trương Văn Phước Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng những gì vừa xảy ra trên thị trường vốn là một hồi chuông cảnh báo, bởi chúng ta không có một thể chế chịu trách nhiệm cuối cùng.
"Dân gian có câu, “Con dại cái mang” - con hư là do cha mẹ. Thị trường tài chính bao gồm thị trường tiền tệ và thị trường vốn. Vậy ở Việt Nam đã có cơ quan nào quản lý, chịu trách nhiệm chính cho thị trường vốn hay chưa?", ông Phước nói .
Vị này cho rằng muốn phát triển một thị trường vốn lành mạnh, tiên tiến thì cần có một định chế độc lập, cần một cơ quan có chức năng tổ chức, thanh tra, giám sát và chịu trách nhiệm cho sự vận động của thị trường tài chính nói chung và thị trường vốn nói riêng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng cần phải có các định chế xếp hạng sức khỏe của doanh nghiệp, nhà đầu tư từ đó quyết định và chịu trách nhiệm về các quyết định của mình.
Ông Võ Trí Thành cho biết thời gian qua có nhiều điều chưa hài lòng về thị trường trái phiếu, trong đó có vấn đề về bộ máy giám sát, điều tiết thị trường. Tuy nhiên, thị trường trái phiếu của Việt Nam không cần phải xóa đi lập lại.
Thị trường trái phiếu của Việt Nam hình thành từ những năm 90, đến nay cũng khá đa dạng, vấn đề là cơ quan nào chịu trách nhiệm chính.
Theo đó, cần phải xác định được rõ nên giám sát thị trường tài chính là thị trường hợp nhất hay chuyên biệt. Từ khi thành lập Ủy ban giám sát đã quản lý gắn với kinh tế vĩ mô, điều tiết các vấn đề tài chính bên cạnh đó là giám sát các định chế tài chính. Do đó, trong bối cảnh mới có thể xem xét lại vai trò và trách nhiệm của ủy ban giám sát chứ không cần thiết phải lập lại thị trường.
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/