Những điểm nóng tại Eximbank trước 'giờ G'
'Lùm xùm' bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT
Bổ nhiệm và miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Eximbank là chủ đề nóng trong thời gian vừa qua. Ngày 22/3, bà Lương Thị Cẩm Tú, cựu Tổng giám đốc Nam A Bank bất ngờ được bổ nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Eximbank sau 9 tháng đảm nhận vị trí thành viên HĐQT. Cùng với đó, HĐQT Eximbank cũng đã công bố nghị quyết về việc miễn nhiệm ông Lê Minh Quốc.
Ông Lê Minh Quốc được bầu làm Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kì 2015 - 2020 vào ĐHCĐ bất thường tháng 12/2015. Khi đó, ông Lê Minh Quốc được cho là ứng viên do nhóm cổ đông sở hữu 11,28% cổ phần Eximbank đề cử chạy đua vào HĐQT, trong đó có 8,19% cổ phần EIB thuộc sở hữu của Vietcombank.
Trong thời điểm rối ren đó, ông Quốc vừa là thành viên HĐQT độc lập, vừa là Chủ tịch HĐQT.
Tuy nhiên, ngay sau đó ông Quốc đã có "tâm thư" gửi báo chí phản đối Quyết định trên của HĐQT Eximbank. Ông cho rằng phiên họp và những Nghị quyết ngày 22/3 của nhóm thành viên HĐQT Eximbank không có giá trị pháp lí. Ông cũng có Đơn xin cứu xét gửi lên Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và đơn khởi tố gửi lên Toà án nhân dân TP HCM.
Hai ngày sau, Toà án đã quyết định "Áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời" quy định tại điều 127 của Bộ luật tố tụng Dân sự", buộc tạm dừng thực hiện Nghị quyết số 112/2019/EIB/NQ-HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank cho đến khi giải quyết xong vụ án".
Lùm xùm về việc bổ nhiệm Chủ tịch HĐQT kéo dài chưa dứt. (Thiết kế ảnh: Alex).
Đáp lại những động thái từ ông Quốc, Eximbank cũng phát đi thông cáo khẳng định "việc HĐQT Eximbank đã tổ chức họp phiên 22/3 để bổ nhiệm bà Lương Thị Cẩm Tú là theo đúng qui định của Luật doanh nghiệp và điều lệ ngân hàng.
Đến nay những "lùm xùm" kiện cáo từ các vị trí nhân sự cấp cao đã kéo dài một tháng và gần sát ngày đại hội cổ đông vẫn chưa có kết luận rõ ràng.
Eximbank đang trong tình trạng không có Tổng Giám đốc?
Đầu tháng 4, hợp đồng lao động kí giữa Eximbank và ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc ngân hàng, cũng hết hạn trong khi chưa có quyết định bổ nhiệm mới khiến cho Eximbank phải trải qua một khoảng thời gian không có Tổng giám đốc.
Diễn biến mới nhất từ Eximbank cho thấy, nhóm 5 thành viên HĐQT gồm ông Đặng Anh Mai, ông Hoàng Tuấn Khải, ông Cao Xuân Ninh, ông Yasuhiro Saitoh và ông Yutaka Moriwaki vào sáng 23/4 đã có thông báo mời họp HĐQT để bàn về những vấn đề nhân sự. Văn bản nêu rõ lí do rằng do Chủ tịch HĐQT không thực hiện triệu tập họp theo đề xuất của Ban kiểm soát khiến nhiều vấn đề còn tồn đọng chưa được giải quyết.
Nội dung bàn trong cuộc họp dự kiến gồm (1) Bàn về việc chấm dứt hiệu lực của Nghị quyết 112/2019/EIB-NQ- HĐQT ngày 22/3/2019 của HĐQT Eximbank; (2) Gia hạn thời gian giữ chức vụ đối với ông Lê Văn Quyết; (3) Miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT đối với ông Lê Minh Quốc và bầu Chủ tịch mới.
Trong báo cáo thường niên năm 2018 mới công bố, HĐQT Eximbank gồm có 10 thành viên. Ngoài ông Lê Minh Quốc và nhóm 5 người kể trên còn có các cá nhân gồm: ông Lê Văn Quyết, bà Lương Thị Cẩm Tú, ông Nguyễn Quang Thông và ông Ngô Thanh Tùng.
Danh sách HĐQT Eximbank theo Báo cáo thường niên năm 2018
Các nhóm cổ đông "lục đục" phân quyền
Bên cạnh xôn xao về vấn đề nhân sự thì Eximbank lại phải chịu thêm đòn tranh chấp cổ phiếu. Ông Nguyễn Chấn, người sáng lập Ngân hàng Nam Á, thông tin về một số lượng lớn cổ phiếu Eximbank đã có thay đổi lớn về người sở hữu ngay trước thềm đại hội ngân hàng. Phần lớn cá nhân/tổ chức liên quan đến Tập đoàn Hoàn Cầu.
Ông Chấn cho biết nhóm cá nhân, tổ chức liên quan đến Tập đoàn Hoàn Cầu và Ngân hàng Nam Á đã thay mặt ông đứng tên sở hữu 147 triệu cổ phiếu Eximbank (tại tháng 2/2016). Tuy nhiên, số chứng từ liên quan đã bị đánh cắp. Cùng với đó trên thị trường thời điểm những tháng gần đây lại có nhiều giao dịch chuyển nhượng khối lượng lớn cổ phiếu EIB.
Do đó, ông đề nghị Eximbank phong toả toàn bộ cổ phần thuộc sở hữu của nhóm cổ đông liên quan đến gia đình ông để chờ cơ quan điều tra trước ngày đại hội cổ đông thường niên diễn ra.
Mới đây, theo đưa tin từ Người đưa tin, nhóm nhà đầu tư liên quan đến ông Nguyễn Quốc Toàn, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank), sắp sửa hoàn tất thoái vốn khỏi Eximbank. Nguồn tin cho biết nhóm cổ đông này đã chuyển nhượng 8%, trong vài ngày tới sẽ bán nốt 7% vốn còn lại.
Theo thống kê của người viết, tính từ đầu năm 2019 đến hiện tại, chỉ tính riêng giao dịch thoả thuận đã có khoảng 500 triệu cổ phiếu được "sang tay", tương đương với 50% số lượng cổ phiếu được tự do chuyển nhượng của Eximbank. Đáng chú ý là phiên giao dịch ngày 3/4 và 5/4 với khối lượng giao dịch lên đến 40 triệu và gần 60 triệu cổ phiếu, giá trị đến hàng nghìn tỉ đồng.
Đền bù gần 400 tỉ cho các vụ mất tiền, lãi ròng cả năm chỉ đạt 660 tỉ đồng
Ngoài rắc rối vấn đề nhân sự, kết quả hoạt động kinh doanh không mấy khả quan của Eximbank cũng là điều nhà đầu tư "trăn trở". Quí IV/2018, Eximbank báo lỗ gần 310 tỉ đồng, lợi nhuận ròng cả năm chỉ đạt 660 tỉ đồng, giảm gần 20% so với năm trước.
Đáng chú ý, ảnh hưởng từ hai vụ mất tiền gửi tiết kiệm của khách hàng khiến cho ngân hàng phải trích lập một khoản dự phòng khá lớn 390 tỉ đồng. Riêng vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình, Eximbank phải hoàn trả 245 tỉ đồng tiền gốc (đã bị thất thoát) và hơn 115 tỉ đồng tiền lãi (lãi trong hạn và lãi phạt).
Đánh giá hoạt động năm 2018 của Eximbank, Ban kiểm soát ngân hàng nhận định mặc dù các chỉ tiêu kinh doanh có tăng so với năm 2017 nhưng mức tăng còn khá thấp, chỉ đạt 1/2 kế hoạch đề ra.
Mất định hướng tăng trưởng cho vay trong nhiều năm
Bên cạnh những yếu tố tác động trong ngắn hạn, những hạn chế về tăng trưởng cho vay cũng là một điểm "nhức nhối" của Eximbank. Theo thống kê của CTCP Chứng khoán TP HCM (HSC), kể từ năm 2011 tốc độ tăng trưởng gộp bình quân cho vay khách hàng chỉ đạt 4,2%/năm khiến Eximbank bị giảm thị phần. Từ vị trí Top 10 ngân hàng thương mại về thị phần, hiện Eximbank đã rơi xuống Top 15.
Riêng năm 2018, tăng trưởng cho vay khách hàng chỉ đạt 2,9%, đáng chú ý giai đoạn tăng trưởng chỉ dồn vào quí IV trong khi giảm trong 9 tháng đầu năm giảm 2,71%.
HSC nhận định, sự thiếu vắng một chiến lược trung hạn thực sự đã khiến Eximbank mất định hướng và tăng trưởng cho vay không được đều trong nhiều năm.
Chưa thoát khỏi "bóng ma" nợ xấu
Cũng như tại nhiều ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu, Eximbank đang phải đối chọi với "bóng ma" nợ xấu khá lớn. Tính đến cuối 2018, số dư nợ từ nhóm 3 đến nhóm 5 của Eximbank là 1.921 tỉ đồng, giảm 16,4% so với năm trước. Tỉ lệ nợ xấu nội bảng là 1,84%.
Ngoài ra, Eximbank còn 5.487 tỉ đồng nợ xấu tại VAMC, đứng thứ 6 trong danh sách các ngân hàng có nhiều nợ xấu tại VAMC nhất (không kể Agribank). Ngân hàng cho biết trong năm 2018 đã trích lập thêm 904 tỉ đồng dự phòng rủi ro để đẩy nhanh việc thu hồi và xử lí nợ xấu.
Một số chỉ tiêu tài chính của Eximbank (Nguồn: BCTC ngân hàng).
Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.
Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.
Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.
Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/