|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Những dấu hỏi xoay quanh việc OceanBank bị mua lại 0 đồng

10:09 | 12/09/2017
Chia sẻ
Nhiều sai phạm trong quá trình cho vay dẫn đến khối nợ xấu khổng lồ, âm vốn chủ sở hữu đến 2,5 lần là những nguyên nhân chính khiến OceanBank bị NHNN mua lại với giá 0 đồng. Nhưng thực tế, OceanBank có xấu như vậy khi mà lãi hơn 1.000 tỷ đồng ngay sau khi chuyển giao.
nhung dau hoi xoay quanh viec oceanbank bi mua lai 0 dong
Những 'dấu chấm hỏi' xoay quanh việc Oceanbank bị mua lại 0 đồng (Ảnh: OceanBank)

Trong vụ án xét xử Hà Văn Thắm đang diễn ra, nhiều vấn đề được đặt ra xoay quanh việc NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng. Câu chuyện không còn mới mẻ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, trước đó đã có nhiều tranh cãi về tính pháp lý trong thương vụ được hình dung là quyết định "một chiều" hay "phi thị trường". Một lần nữa tại vụ OceanBank, vấn đề quyền lợi của cổ đông cũ và minh bạch thông tin lại được đưa ra.

OceanBank có thực sự âm vốn chủ sở hữu?

Theo cáo trạng vụ án, tại thời điểm 31/3/2014, tổng nợ xấu của OceanBank đã lên đến 14.923 tỷ đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ. Lỗ lũy kế hơn 10.188 tỷ đồng, bằng 249,6% vốn chủ sở hữu, tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần.

Nói về kết luận này của đoàn giám định, ông Hà Văn Thắm - nguyên Chủ tịch HĐQT, người đại diện nắm gần 63% vốn của OceanBank khẳng định ngân hàng không xấu đến mức như vậy. Ông Thắm cho biết trong hơn 14.000 tỷ nợ xấu thì có khoảng 3.000 tỷ đồng là khoản vay được chuyển từ khoản ủy thác đầu tư do Thống đốc chấp thuận ở lần thanh tra trước. Tuy nhiên, sau khi đổi đoàn thanh tra thì quá trình chuyển đổi này không được chấp nhận và bị ghi là nợ xấu.

Ngoài ra, sau đó, OceanBank cũng đã thu được 8.000 tỷ trong số 14.000 tỷ đồng nợ xấu trên, ông Thắm là người trực tiếp lập danh sách, hồ sơ đưa cho Phó Thống đốc NHNN. Tuy nhiên, phía Thanh tra NHNN cho rằng việc kết luận thanh tra ra tại ngày 31/3/2014, tức trước khi khoản vay được xử lý nên kết luận không hề sai và giữ nguyên kết quả.

Hà Văn Thắm cũng đã đưa ra căn cứ theo kết luận của cơ quan điều tra (CQĐT) là đến tháng 3/2016, OceanBank chỉ còn khoảng 4.900 tỷ đồng nợ xấu, trong đó có khoản nợ Trung Dung là 500 tỷ đồng. Theo giám định của NHNN, số tiền dự kiến thu hồi được là 134 tỷ đồng (thấp hơn dự kiến của ông Thắm khoảng 2.500 tỷ đồng).

Với những căn cứ và lý luận này, ông Thắm khẳng định OceanBank không bị âm vốn chủ sở hữu, không xấu như trong kết luận Thanh tra NHNN trước đó.

Ngay sau khi bị mua lại 0 đồng OceanBank mang lại lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng

Tiếp nối những luận cứ trên, bà Nguyễn Thị Nga - nguyên kế toán trưởng của OceanBank cùng với nhiều cựu giám đốc chi nhánh, phòng giao dịch OceanBank đã liên tục đưa ra nhiều lý lẽ chứng minh cho việc chi lãi ngoài không phải thiệt hại mà là chi phí hợp lý. Cụ thể, trong những năm thực hiện OceanBank có lợi nhuận lớn từ hoạt động từ hoạt động kinh doanh.

Theo lời khai của Cựu chủ tịch Hà Văn Thắm, trong 3 năm thực hiện chi lãi ngoài, OceanBank đã mang về hơn 2.000 tỷ đồng lợi nhuận, từng là đơn vị đóng thuế cao nhất tỉnh Hải Dương (300 tỷ đồng) và nằm trong top 200 doanh nghiệp nộp thuế nhiều nhất Việt Nam.

Bà Nga cho biết thêm sau khi OceanBank bị mua lại 0 đồng, bà còn làm Giám đốc khối nguồn vốn kế hoạch trong 1 năm sau đó. Vào cuối năm 2015 sau khi bị mua lại 0 đồng ngân hàng đã thu lợi nhuận hơn 1.000 tỷ đồng, và thu hồi hơn 5.000 tỷ nợ xấu. Bà đặt ra câu hỏi, nếu ngân hàng xấu như vậy và thì làm sao có thể mang về một khoản lợi nhuận cao như thế.

Vì sao các cổ đông lớn không nhận được kết quả đánh giá ngân hàng trước khi bị mua 0 đồng?

Luật sư cũng đặt ra câu hỏi đối với đại diện NHNN về việc thuê đơn vị kiểm toán độc lập đối với OceanBank khi bị kiểm soát đặc biệt và báo cáo cổ đông về thực trạng của tổ chức. Trên thực tế, cả hai cổ đông lớn của OceanBank (ông Hà Văn Thắm và PVN) đều không nhận được kết quả đánh giá này.

Trả lời vấn đề này, đại diện NHNN cho rằng NHNN đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật về quy trình mua lại 0 đồng OceanBank. Cụ thể, vào ngày 25/4/2015, ĐHCĐ thường niên của OceanBank có đại diện của 70,26% của số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự đủ điều kiện thông qua các nội dung tại phiên họp.

Trong phiên xét hỏi gần nhất (11/9), đại diện PVN từ chối nói về việc có nhận được báo cáo kiểm toán độc lập về việc đánh giá ngân hàng trước khi bị mua 0 đồng hay không. Vị đại diện này chỉ cho biết PVN đã thực hiện đủ quyền và nghĩa lợi của cổ đông tại OceanBank. Trong khi đó, ông Hà Văn Thắm (sở hữu trên 70% vốn của OceanBank) một mực khẳng định không hề nhận được bất kỳ một báo cáo hay thông báo nào từ NHNN hay OceanBank về việc kiểm soát đặc biệt hay mua 0 đồng kể từ sau khi bị bắt.

Tại sao có hai BCTC kiểm toán về hoạt động của OceanBank trong cùng ngày?

Luật sư cho biết trước khi tổ chức họp đại hội đồng cổ đông, NHNN đã yêu cầu Công ty Kiểm toán Ernst & Young tổ chức kiểm toán nhưng lại có hai bản kết quả mặc dù cùng số, cùng ngày nhưng nội dung đối lập. Một bản được gửi cho các cổ đông từ chối kết luận kiểm toán, tức không có số liệu. Một kết quả khác có số con số âm 14.000 tỷ đồng, kiểm toán đặc biệt theo yêu cầu của NHNN và chỉ sử dụng cho mục đích của NHNN chứ không sử dụng ở mục đích khác nhưng lại không được gửi cho các cổ đông.

Theo Quyết định 48, trước khi thực hiện mua 0 đồng, các cổ đông cần nhận được kết quả kiểm toán hoạt động của ngân hàng để biết được thực trạng tài chính của tổ chức, nhưng trong trường hợp này quyền lợi của cổ đông đã không được thực hiện.

Luật sư nghi ngờ 'có vùng cấm' khi nói về việc mua lại Oceanbank với giá 0 đồng

Trước việc nhiều luật sư nêu câu hỏi về nhiều việc NHNN mua OceanBank giá 0 đồng, HĐXX cho rằng trình tự, thủ tục và quyết định mua lại OceanBank với giá 0 đồng thuộc phạm vi vụ án khác, không thuộc vụ án này. Đây là chính sách của nhà nước và đã được thực hiện theo các quy định của pháp luật.

HĐXX đề nghị các luật sư tập trung hỏi để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. "Nếu có thông tin gì cần bổ sung, các luật sư có thể đưa vào phần tranh luận", thẩm phán Trương Việt Toàn nói.

Luật sư Nguyễn Huy Thiệp chứng minh nguyên nhân, điều kiện phạm tội, những tình tiết quan trọng ảnh hưởng đến kết luận tội danh. Ở đây, những nguyên nhân quan trọng dẫn đến số liệu được kết luận là thiệt hại lại chịu ảnh hưởng trực tiếp từ quy trình này. Đồng thời, ông khẳng định chỉ xem xét ở góc độ tài chính, không liên quan đến vấn đề chính sách.

"Liệu có “vùng cấm” nào đối với HĐXX trong vụ án này hay không?" - Luật sư nói.

Thẩm phán Trương Việt Toàn trả lời: "Đây là phiên toà công khai nên không có vùng cấm nào với HĐXX. HĐXX chịu trách nhiệm trước nhà nước về kết quả hoạt động, về sự đúng đắn nhưng giới hạn xét xử đã giải thích rồi, không giải thích lại”.

Thẩm phán Toàn đề nghị tất cả các vấn đề luật sư đặt ra hãy để vào phần tranh luận.

nhung dau hoi xoay quanh viec oceanbank bi mua lai 0 dong 1.576 tỷ đồng chi lãi ngoài của OceanBank: Thiệt hại người cũ, bồi thường người mới?

Liên quan đến con số thiệt hại tại OceanBank 1.576 tỷ đồng do chi vượt trần lại suất, đại diện OceanBank mới cho hay: “Chúng ...

nhung dau hoi xoay quanh viec oceanbank bi mua lai 0 dong Xét xử Hà Văn Thắm sáng 11/9: Lãnh đạo Lọc hoá dầu Bình Sơn khẳng định không nhận tiền từ OceanBank

Trong phiên toà sáng ngày 11/9, các lãnh đạo BSR khẳng định chưa bao giờ nhận một khoản tiền nào từ bà Nguyễn Thị Minh ...

nhung dau hoi xoay quanh viec oceanbank bi mua lai 0 dong Xét xử Hà Văn Thắm sáng 9/9: Cơ quan Giám định NHNN không có trách nhiệm xác định thiệt hại?

Trong phiên xét xử ngày 9/9, khi Luật sư hỏi về trách nhiệm giám định thiệt hại của đoàn giám định NHNN, ông Đỗ Anh ...

Diệp Bình