Hà Văn Thắm bị đề nghị từ 10-12 năm tù trong vụ án thứ ba
Sáng 28/4, phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương - OceanBank) cùng 7 đồng phạm về tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” chuyển sang phần tranh tụng.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố tại phiên tòa đã trình bày bản luận tội và đề nghị mức án đối với từng bị cáo.
Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Hà Văn Thắm mức án từ 10 năm đến 12 năm tù, tổng hợp với hình phạt tù chung thân của bản án án trước, buộc bị cáo Thắm phải chấp hành hình phạt chung là tù chung thân.
Bị cáo Lê thị Thu Thủy bị đề nghị xử phạt từ 36 tháng đến 42 tháng tù, tổng hợp với hình phạt 4 năm tù của bản án trước, buộc bị cáo Thủy phải chấp hành hình phạt chung là từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù.
Bị cáo Vũ Thị Thùy Dương bị đề nghị xử phạt từ 30 tháng đến 36 tháng tù, tổng hợp với hình phạt 42 tháng tù của bán án trước đó, buộc bị cáo Dương phải chấp hành hình phạt chung là từ 6 năm đến 6 năm 6 tháng tù.
Đối với các bị cáo còn lại, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt các mức án, gồm bị cáo Đinh Thị Hồng Hương, Trần Thị Thu Hồng cùng bị đề nghị từ 24-30 tháng tù; Đào Thị Nhài bị đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Lê Thị Quyên từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo; Hoàng Văn Tuyến bị đề nghị từ 18-24 tháng tù.
Về trách nhiệm dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị Tòa tuyên buộc bị cáo Hà Văn Thắm phải bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho OceanBank là hơn 31 tỷ đồng; đề nghị Tòa tuyên trả lại cho OceanBank số tiền đang tạm giữ là hơn 10 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát nhân dân nhận định, trong vụ án này, với vai trò là Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hà Văn Thắm đã ra chủ trương, phân công, chỉ đạo các lãnh đạo OceanBank và các đối tác thuộc Tập đoàn Đại Dương phê duyệt, ký kết 44 hợp đồng khống/nâng khống, gây thiệt hại cho OceanBank.
Do vậy, bị cáo Thắm là người giữ vai trò chính, chỉ đạo cấp dưới ký hợp đồng khống. Hành vi chỉ đạo giả mạo, khai man chứng từ kế toán của bị cáo Thắm đã xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về hậu quả thiệt hại trong vụ án, do bị cáo Hà Văn Thắm là người ra chủ trương thực hiện việc ký kết các hợp đồng khống và cũng chính bị cáo là người quyết định việc chi, sử dụng số tiền có được từ các hợp đồng khống này.
Viện Kiểm sát nhân dân cho rằng, các đồng phạm trong vụ án với Hà Văn Thắm là những người làm công và hưởng lương, không hưởng lợi cá nhân nên buộc bị cáo Hà Văn Thắm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho OceanBank là hơn 41 tỷ đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình điều tra và trước khi Tòa án mở phiên tòa, bị cáo Hoàng Văn Tuyến và các đối tượng liên quan trong vụ án đã nộp lại số tiền hưởng lợi là vật chứng của vụ án với tổng số hơn 10 tỷ đồng, nên bị cáo Hà Văn Thắm chỉ còn phải chịu trách nhiệm bồi thường số tiền đã gây thiệt hại cho OceanBank còn lại là hơn 31 tỷ đồng.
Đối với bị cáo Lê Thị Thu Thủy (nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính OceanBank), Viện Kiểm sát nhân dân xác định bị cáo Thủy đã tiếp nhận chủ trương của Hà Văn Thắm, chỉ đạo bộ phận kế toán và PR tìm kiếm, ký kết, thanh toán, hạch toán, mở tài khoản, chi tiền từ các hợp đồng khống/nâng khống; phê duyệt thanh toán 44 hợp đồng khống/nâng khống có giá trị là 133 tỷ đồng, ký 15 hợp đồng khống/nâng khống có giá trị là 60 tỷ đồng.
Bị cáo Thủy đã đồng phạm giúp sức tích cực nhất cho Hà Văn Thắm trong vụ án nên phải chịu trách nhiệm với hậu quả gây ra cho OceanBank là 106 tỷ đồng.