|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Đang hoàn thiện phương án chuyển giao các ngân hàng GPBank và DongA Bank, cơ cấu lại SCB

11:54 | 09/10/2024
Chia sẻ
Báo cáo của Chính phủ cho thấy đã hoàn thiện phương án chuyển giao bắt buộc đối với hai ngân hàng CBBank và OceanBank và đang tiến hành tiếp với các ngân hàng GPBank và DongA Bank, đồng thời có phương án cơ cấu lại SCB.

CBBank, OceanBank sẽ sớm được chuyển giao

Chính phủ vừa có báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, trong đó tiết lộ về hai ngân hàng yếu kém sắp được chuyển giao. 

Theo báo cáo, Chính phủ đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank). 

Đồng thời, đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng còn lại là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank). Đối với ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại.  

CBBank được NHNN mua lại bắt buộc năm 2015 và đã nhận sự hỗ trợ từ Vietcombank. (Ảnh: CB). 

Báo cáo cũng nêu rõ cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongA Bank nói riêng còn nhiều bất cập.

Trước đó, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2024, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết ngành ngân hàng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực rà soát tình hình tài chính và chuẩn bị sẵn sàng tài liệu để tổ chức lễ chuyển giao hai ngân hàng 0 đồng. 

Hai ngân hàng còn lại, NHNN cũng đang chỉ đạo các đơn vị hoàn thiện nhanh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vietcombank, MB đã sẵn sàng nhận chuyển giao

4 ngân hàng sẽ nhận chuyển giao bao gồm Vietcombank, MB, VPBank và HDBank. Cả 4 ngân hàng này đều đã trình cổ đông phương án nhận chuyển giao ngân hàng yếu kém. Trong đó, CBBank sẽ về với Vietcombank. Oceanbank đang nhận hỗ trợ từ MB. DongA Bank và GPBank nhiều khả năng sẽ về với hai ngân hàng HDBank và VPBank. 

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Vietcombank năm nay, Thành viên HĐQT Đỗ Việt Hùng cho biết tiến độ chuyển giao tùy thuộc vào quyết định Chính phủ, NHNN. Dự kiến việc chuyển giao sẽ được thực hiện trong năm 2024 này.

Ngoài ra, Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Để chuẩn bị, Vietcombank đã có giải pháp cụ thể, không bị động, đảm bảo suôn sẻ, đúng lộ trình. Ngân hàng đã thành lập tiểu ban nghiệp vụ: rà soát quy định nội bộ và phát hiện ra hơn 300 gaps (khoảng trống, thiếu sót). Hiện đã chỉ còn 20 gap về quy trình, quy chế".

Ngân hàng cũng đã tiến hành rà soát về mạng lưới, nhân sự, công nghệ thông tin cũng như có các giải pháp hỗ trợ, ông Tùng nói thêm. Ngoài ra, lãnh đạo Vietcombank cho biết về lâu dài, tiếp nhận ngân hàng yếu kém tạo ra cơ hội cho Vietcombank có nhiều lựa chọn như bán cổ phần, sáp nhập … 

OceanBank nhận được sự hỗ trợ từ MB. (Ảnh: OceanBank).

Còn tại ĐHĐCĐ năm nay, Tổng Giám đốc MB Phạm Như Ánh kỳ vọng có thể hoàn thành việc nhận chuyển nhượng bắt buộc một ngân hàng trong năm 2024 hoặc trong năm 2025. Sau khi hết thời gian cơ cấu thì có thể tính đến việc là có thực hiện sáp nhập hay thoái vốn hay không. 

Chủ tịch MB Lưu Trung Thái cho biết thêm rằng ngân hàng đã trình và hoàn tất mọi thủ tục từ phía MB, chỉ đợi kết quả phê duyệt và đã sẵn sàng với nhiệm vụ được giao. 

Còn với HDBank và VPBank quá trình nhận chuyển giao có thể kéo dài hơn khi đề án tái cơ cấu vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Trong báo cáo gửi đến Quốc hội tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết NHNN tiếp tục thực hiện kiểm soát đặc biệt đối với SCB, DongA Bank cũng như giám sát tăng cường theo quy định đối với một ngân hàng.

Về khó khăn, Thống đốc cho biết cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý TCTD yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và DongABank nói riêng còn nhiều bất cập, vướng mắc, thủ tục kéo dài. 

Tại ĐHĐCĐ năm nay, HĐQT VPBank đã trình kế hoạch nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng (TCTD). Theo đó, tổng tài sản, vốn chủ sở hữu của tổ chức tín dụng này không vượt quá 5% quy mô tương ứng của VPBank vào cuối năm 2023 và vốn điều lệ của TCTD trên không quá 5.000 tỷ đồng.

Còn với HDBank, tại đại hội năm 2023, ngân hàng cũng đã xin ý kiến cổ đông về việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu. HDBank là có quy mô vốn, tài sản thấp nhất trong các ngân hàng nhận chuyển giao tổ chức tín dụng yếu kém. Tuy nhiên, DongA Bank lại là ngân hàng có vốn điều lệ cao nhất trong danh sách chờ chuyển giao, ở mức 5.000 tỷ đồng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Minh Quang

Uỷ ban Kinh tế: 'Bỏ cọc' khi đấu giá gây tác động tiêu cực, phân lô, bán nền 100 lô đất, chỉ 5 lô được sử dụng
Theo báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế, tình trạng đấu giá ở mức gấp nhiều lần khởi điểm rồi bỏ cọc tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở. Đặc biệt, có ý kiến cho rằng, ở nhiều vùng ngoại thành của các thành phố lớn, tỷ lệ lấp đầy sau “phân lô, bán nền” chỉ 5% gây lãng phí.