Những cổ phiếu hút vốn ngoại ở HNX và UPCoM: Đại diện nhà bầu Thụy, bầu Hiển, tỷ phú Quang đều góp mặt
HNX: Khối ngoại mua nhiều THD, SHS; xả VND
Từ đầu năm đến hết phiên 2/7, các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng gần 30.000 tỷ đồng trên thị trường chứng khoán Việt Nam, tập trung chủ yếu ở sàn HOSE với giá trị hơn 27.000 tỷ.
Các cổ phiếu ở HNX cũng bị bán ròng gần 1.900 tỷ, trong đó dòng tiền rút khỏi VND của Chứng khoán VNDirect lên tới hơn 1.000 tỷ đồng.
Thực ra VND cũng không hoàn toàn là một "thành viên của gia đình HNX" trong nửa đầu năm 2021 do cổ phiếu này mới chuyển giao dịch từ HOSE sang HNX vào ngày 5/4 để giảm tình trạng quá tải cho HOSE.
Kể từ khi VND đến với HNX vào đầu tháng 4 đến nay, khối ngoại đã bán ròng mã này khoảng 360 tỷ đồng. Các cổ phiếu đứng sau VND trong danh sách bán ròng là PVI, PVS, PAN, BSI, …
Nhà đầu tư ngoại còn xả khoảng 90 tỷ đồng cổ phiếu SHB của Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội, tương tự với xu hướng rút vốn khỏi các ngân hàng lớn ở HOSE như VPBank, VietinBank, Vietcombank, …
Trái ngược với SHB, cổ phiếu "anh em" SHS của Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội được khối ngoại mua ròng 113 tỷ. Cả SHB và SHS đều do ông Đỗ Quang Hiển (hay gọi là bầu Hiển) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Tại đại hội cổ đông thường niên tổ chức ngày 16/6 vừa qua, ban lãnh đạo SHS ước tính lợi nhuận trong nửa đầu năm nay đạt 600 tỷ đồng, tương đương 80% kế hoạch cả năm.
Dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại ở HNX là cổ phiếu THD của Thaiholdings với giá trị 496 tỷ đồng. Ông Nguyễn Đức Thụy (hay gọi là bầu Thụy) từng có nhiều năm làm Chủ tịch HĐQT của Thaiholdings nhưng đã thôi chức vụ này từ cuối tháng 2/2020.
Em trai ông Thụy là ông Nguyễn Văn Thuyết đang là Chủ tịch HĐQT của công ty chuyên vật liệu xây dựng này.
Kết phiên 2/7, THD dừng ở 206.400 đồng/cp và là một trong số ít những mã có giá trên 200.000 đồng/cp, cùng với VCF (Vinacafé Biên Hòa), NTC (Nam Tân Uyên) và RAL (Bóng đèn & Phích nước Rạng Đông).
THD cũng là cổ phiếu có vốn hóa cao nhất HNX với giá trị gần 73.000 tỷ đồng, tức hơn 3,1 tỷ USD.
UPCoM: Tiền ngoại đổ vào ACV, MCH
Khác với HNX và HOSE, thị trường UPCoM được các nhà đầu tư nước ngoài rót thêm 315 tỷ đồng trong hơn 6 tháng đầu năm nay.
Cổ phiếu ACV của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam là mã được khối ngoại mua ròng mạnh nhất thị trường UPCoM với giá trị 288 tỷ đồng.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 đợt 3 và 4 hoàn hành trong nửa đầu năm 2021, giá cổ phiếu ACV chỉ giảm hơn 3%, khả quan hơn rất nhiều so với cổ phiếu của các hãng bay như HVN (Vietnam Airlines) hay VJC (Vietjet).
Tại ngày cuối quý I, ACV vẫn còn dồi dào thanh khoản với gần 33.000 tỷ đồng tiền gửi, tương đương khoảng 1,4 tỷ USD. Chỉ riêng lãi tiền gửi đã lớn hơn lợi nhuận gộp từ hoạt động sản xuất kinh doanh chính của ACV.
Vốn hóa của ACV hiện nay đạt khoảng 170.000 tỷ đồng, lớn nhất thị trường UPCoM nhưng chưa đủ để lọt vào top 10 toàn thị trường. Ngày đầu năm 2021, ACV có tên trong top 10 vốn hóa của thị trường nhưng do các cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh mẽ trong khi ACV đi ngang nên cổ phiếu của đại gia cảng hàng không này bị đẩy ra.
MCH của CTCP Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) là cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều thứ 2 ở UPCoM, giá trị đạt 192 tỷ đồng. Tập đoàn Masan (Mã: MSN) của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang hiện đang sở hữu gián tiếp hơn 69% vốn điều lệ của Masan Consumer.
Vốn hóa của MCH đang là hơn 80.000 tỷ đồng, lớn thứ 3 ở UPCoM, chỉ sau ACV và Đầu tư Quốc tế Viettel (VGI).
Một cổ phiếu "họ Masan" khác là MML của Masan MEATLife cũng được khối ngoại rót thêm hơn 100 tỷ đồng trong giai đoạn 4/1 - 2/7/2021.
Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), MMLcó kế hoạch chế biến khoảng 450.000 con heo thịt trong năm 2021, tăng mạnh so với con số 280.000 vào năm 2020.
Trong số 450.000 heo thịt này, khoảng 240.000 con sẽ đến từ trang trại heo của chính MML, 150.000 con là từ những hộ nông dân liên kết dài hạn và phần còn lại từ các trang trại của bên thứ ba khác.
Hiện tại, MML không có bất kỳ kế hoạch xây trang trại heo mới nào nên nguồn cung tăng trong tương lai sẽ chỉ đến từ các bên thứ ba.
Trong thời gian tới, việc phân phối các sản phẩm thịt mát của MML sẽ chủ yếu đi cùng với mạng lưới cửa hàng của VinCommerce (VCM). Hiện tại, Meat Deli - thương hiệu thịt heo của MML - đã có mặt tại gần 90% cửa hàng của VCM.
Công ty con mảng thịt gà mà MML mua lại vào cuối năm 2020 là 3F Việt đã ghi nhận biên lãi gộp 10% trong quý I/2021 giữa bối cảnh giá gia cầm giảm và chạm mức thấp nhất trong 10 năm vào quý 1/2021. Ở mặt tích cực, chi phí hoạt động sản xuất của 3F Việt được giữ ổn định. Do đó, lợi nhuận của công ty dự kiến sẽ tăng lên đáng kể khi giá gia cầm bình ổn, VCSC cho hay.
Trong khi MCH và MML được mua ròng thì một cổ phiếu "họ Masan" khác là MSR lại bị bán ròng 100 tỷ đồng, nhiều thứ 2 thị trường UPCoM, chỉ sau VTP của Viettel Post.