|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những câu chuyện khó tin nhất trên thị trường thế giới trong một năm qua

14:57 | 31/12/2022
Chia sẻ
Lạm phát và nguy cơ suy thoái là mối quan tâm chính của các nhà đầu tư trong một năm qua. Nhưng năm 2022 cũng sẽ được nhớ đến bởi các sự kiện kỳ lạ, phi lý và gây sốc trên thị trường.

Nhân viên làm việc tại Sàn Giao dịch Kim loại London (LME). (Ảnh: Reuters). 

Trong năm nay, cơn sốt cổ phiếu meme đã lụi tàn, nhưng ít nhất một mã cổ phiếu meme đã giúp một cậu sinh viên đại học kiếm được hơn 100 triệu USD.

Siêu tỷ phú Elon Musk khiến cả thế giới kinh ngạc với quyết định mua lại Twitter, sau đó đòi hủy bỏ thương vụ, rồi lại dành nhiều thời gian cho mạng xã hội này đến mức các cổ đông Tesla phát bực.

Đó mới chỉ là hai trong số những sự kiện đã xảy ra trên thị trường trong năm nay. Dưới đây, Insider đã tổng hợp 5 trong trong số những khoảnh khắc điên rồ nhất của năm 2022: 

Sinh viên đại học lãi trăm triệu USD từ cổ phiếu meme

Sinh viên đại học Jake Freeman đã lãi lớn 110 triệu USD nhờ cổ phiếu Bed Bath & Beyond vào mùa hè năm nay khi giá cổ phiếu meme này nhảy vọt và tăng hơn ba lần.

Freeman bỏ ra 25 triệu USD để mua cổ phiếu của nhà bán lẻ Bed Bath & Beyond rồi sau đó bán lại cổ phần với giá 130 triệu USD. Không lâu sau khi Freeman “thoát hàng”, CEO Ryan Cohen của GameStop cũng thoái vốn, khiến giá cổ phiếu lao dốc 19%.

Dĩ nhiên, Freeman không phải một sinh viên "thường thường bậc trung". Cậu đã đầu tư từ năm 13 tuổi và huy động hàng triệu USD từ bố và mẹ và bạn bè để tài trợ cho thương vụ Bed Bath & Beyond.

Nhìn chung, cậu cũng đã đạt được thành tích đáng nể trong một năm mà cổ phiếu meme tuột duốc không phanh.

“Tay to” và vụ lộn xộn của sàn LME

Giá niken từng tăng sốc 111% trong một ngày, có lúc vượt 100.000 USD/tấn sau khi các lệnh trừng mà phương Tây giáng xuống Nga dẫn đến hiện tượng bán non đối với kim loại quý này. Niken là một trong những mặt hàng xuất khẩu chính của Nga và được sử dụng trong nhiều loại pin công nghệ cao.

Khi thấy giá tăng không tưởng, Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) đã hủy mọi giao dịch niken trong ngày, khiến các nhà đầu tư nổi giận.

Động thái này của LME đã ngăn các thương nhân thực hiện loạt giao dịch trị giá 3,9 tỷ USD và dẫn đến cuộc điều tra của Cơ quan Quản lý Tài chính và Ngân hàng Trung ương Anh.

Trên thực tế, nhân vật đóng vai trò trung tâm trong sự kiện vô tiền khoáng hậu này là một ông trùm kim loại Trung Quốc, được người trong giới đặt biệt danh là “Tay to”.

Ông là Xiang Guangda, nhà sáng lập kiêm Chủ tịch Tsingshan Holding Group, công ty lớn chuyên sản xuất các sản phẩm hợp kim niken.

Trước đó, Tsingshan đã tích lũy vị thế bán khống niken khổng lồ, ước tính vào khoảng 8 tỷ USD tính tới cuối phiên giao dịch bất thường. Nếu giá niken tiếp tục duy trì ở mức 100.000 USD/tấn thì khoản lỗ của ông Xiang có thể khiến Tsingshan bị phá sản.

Tuy nhiên, nhờ vào sự can thiệp chưa từng có tiền lệ của LME, ông Xiang đã thoát hiểm và đẩy thua lỗ cho những nhà đầu tư đặt cược đúng.

Kim Kardashian bị phạt 1,26 triệu USD vì quảng cáo tiền mã hóa 

Ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian bị Ủy ban Chứng khoán và Sàn Giao dịch Mỹ (SEC) buộc tội vì đã quảng bá token EMAX trên Instagram.

Chủ tịch SEC Gary Gensler nói rằng Kardashian đã vi phạm một đạo luật từ thập niên 1930, trong đó yêu cầu những người quảng bá chứng khoán phải tiết lộ nếu họ được trả tiền và số tiền được trả là bao nhiêu.

Bài đăng của ngôi sao truyền hình thực tế này có gắn hashtag “#ad” để báo hiệu đây là quảng cáo. Song, SEC nói Kardashian đã không tiết lộ cô được trả 250.000 USD để đăng bài về EMAX. Kardashian đồng ý trả gần 1,3 triệu USD để giải quyết các cáo buộc của SEC.

Toàn bộ ồn ào xoay quanh Twitter và Elon Musk

Sau khi công bố lượng cổ phần lớn trong Twitter, Elon Musk chính thức bước vào hành trình thâu tóm mạng xã hội này.

Tuy nhiên, sau đó Musk đã dành hàng tháng trời cố gắng rút khỏi thương vụ. Vị tỷ phú cho rằng Twitter có quá nhiều bot và ông có quyền rút khỏi thoả thuận.

Ban lãnh đạo Twitter không chấp nhận nhân nhượng. Toàn bộ vụ tranh cãi khiến giá cổ phiếu của Twitter biến động chóng mặt, nhiều lần xuống thấp hơn mức giá hai bên đặt ra là 54,2 USD/cp.

Khi hai bên chuẩn bị bước vào cuộc chiến pháp lý với phần bất lợi nghiêng hẳn về phía Musk, vị tỷ phú đã chốt thỏa thuận và tiếp quản Twitter vào tháng 10.

Giống như quá trình thâu tóm, nỗ lực cải tổ Twitter của Elon Musk cũng đầy tranh cãi. Ông đã cắt giảm 70% nhân sự của Twitter và không trả tiền thuê nhà cho văn phòng của công ty.

Trong tháng 12, người dùng Twitter đã bỏ phiếu để Musk rời khỏi chức CEO Twitter. Musk nói ông sẽ tuân thủ kết quả cuộc thăm dò ý kiến, nhưng vẫn chưa thực hiện động thái chính thức nào để bổ nhiệm người thay thế mình.

Đống hoang tàn của Sam Bankman-Fried

Sự kiện chấn động khép lại năm 2022 là sự sụp đổ của sàn giao dịch tiền mã hóa lớn thứ hai thế giới FTX và vụ bắt giữ vị CEO từng được coi là gương mặt đại diện của toàn ngành.

Sau khi giá đồng token của FTX trượt dốc không phanh, công ty tuyên bố phá sản vào ngày 11/11. Trong chưa đầy một tuần, khối tài sản từng được ước tính trị giá 16 tỷ USD của CEO Sam Bankman-Fried đã “về 0”, theo Chỉ số Tỷ phú Bloomberg.  

Quá trình tái cơ cấu đã làm lộ ra rằng sàn giao dịch này không có bộ phận kế toán nội bộ. Đồng thời, FTX đã chi hàng triệu USD cho các bất động sản nghỉ dưỡng ở Bahamas và sử dụng trái phép tiền của khách.

Đến cuối tháng 12, Sam Bankman-Fried bị bắt giữ tại Bahamas và dẫn độ về Mỹ. Ông bị cáo buộc lừa đảo, rửa tiền và đối mặt với án tù nghiêm trọng.

Giang