|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Những sự kiện chấn động nhất trên thị trường chứng khoán toàn cầu năm 2022

10:57 | 22/12/2022
Chia sẻ
Năm 2022 có không ít những sự kiện khiến các nhà đầu tư phải kinh ngạc, từ cú rớt thảm của cổ phiếu Meta cho đến mức tăng vốn hóa khủng khiếp của Apple.

 

Nhà đầu tư trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ. (Ảnh: Wall Street Journal). 

Năm 2022 là giai đoạn đầy biến động đối với chứng khoán toàn cầu trong bối cảnh các ngân hàng trung ương quyết liệt tăng lãi suất nhằm dập tắt lạm phát. Nhưng hầu hết các khoảnh khắc kịch tính nhất trên thị trường lại không liên quan gì đến môi trường kinh tế vĩ mô.

Dưới đây là 8 tình tiết gay cấn nhất trên thị trường chứng khoán thế giới năm 2022, theo tổng hợp của Bloomberg:

Ngày 3/2: Meta ngã nhào

Meta, công ty mẹ của Facebook, báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý thê thảm và đưa ra dự báo doanh số gây thất vọng. Điều này đã khiến các nhà đầu tư lo ngại về tăng trưởng người tiêu dùng của công ty.

Hơn 251 tỷ USD đã bị xoá sổ khỏi vốn hóa Meta khi giá cổ phiếu cắm đầu giảm 26%. Chưa từng có công ty Mỹ nào chứng kiến vốn hóa giảm mạnh như vậy trong một ngày.

Sự kiện trên là một trong những dấu hiệu sớm và rõ nhất cho thấy nhà đầu tư đã không còn mặn mà với các cổ phiếu công nghệ vốn hóa siêu lớn sau khi nhóm này dẫn đầu thị trường suốt nhiều năm.

Khó khăn của Meta vẫn chưa kết thúc. Trong tháng 10, một báo cáo kết quả kinh doanh khác lại khiến nhà đầu tư bán tháo Meta, khiến giá của cổ phiếu này giảm khoảng 25%. Một phần nguyên nhân là nhà đầu tư ngờ vực về các nỗ lực đắt đỏ của Meta dành cho metaverse. 

 

17-18/5: Ngày buồn của cổ phiếu bán lẻ

Cổ phiếu của hai đại gia bán lẻ Walmart và Target bị bán tháo dữ dội trong hai ngày liên tiếp. Đầu tiên, Walmart hạ dự báo lợi nhuận hàng năm do chi phí chuỗi cung ứng gia tăng và người tiêu dùng chuyển sang chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu vì lạm phát tăng cao. Cổ phiếu Walmart tụt dốc 11%, ghi nhận ngày tồi tệ nhất kể từ năm 1987.

Ngày tiếp theo, Target thực hiện động thái tương tự và giảm dự báo biên lợi nhuận hàng năm. Tương tự như Walmart, giá cổ phiếu Target cũng trải qua ngày suy giảm mạnh nhất trong 35 năm, mất 25%. Chỉ số S&P 500 chìm nghỉm, thước đo các cổ phiếu bán lẻ rơi xuống mức thấp nhất kể từ tháng 6/2020.

 

Ngày 12/7: Warren Buffett và BYD

Cổ phiếu BYD lao dốc mạnh nhất kể từ năm 2020 sau khi 20,49% cổ phần của hãng xe điện Trung Quốc này xuất hiện trong hệ thống thanh toán bù trừ của sàn chứng khoán Hong Kong.

Do số cổ phần này tương đương với vị thế của Berkshire Hathaway trong BYD, thị trường đồn đoán suốt nhiều tuần rằng có thể tập đoàn của Warren Buffett đang thoái vốn khỏi công ty. Thông tin này sau đó đã được xác nhận là đúng.

Kể từ đó, Berkshire đã cắt giảm hơn 25% vị thế, góp phần khiến BYD giảm hơn 30% kể từ mức giá giữa tháng 7 dù công ty báo cáo doanh số hàng tháng cao kỷ lục.

Ngày 31/8: Cú nổ 13.000%

Một nhà sản xuất hàng may mặc có trụ sở tại Trung Quốc đã làm nên lịch sử với màn chào sàn rực rỡ ở Mỹ.

Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu của Addentax Group nhảy vọt hơn 13.000% từ giá IPO, giúp doanh nghiệp này huy động được 25 triệu USD thông qua công ty bảo lãnh phát hành Network 1 Financial.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, đây là mức tăng giá cổ phiếu lớn nhất trong bất kỳ cuộc IPO nào ở Mỹ kể từ ít nhất là năm 1990. Số liệu chỉ tính đến những thương vụ có quy mô trên 1 triệu USD.

Trung bình, giá cổ phiếu của 8 công ty do Network1 bảo lãnh phát hành trong năm nay tăng 1.910% trong phiên chào sàn. Cơ quan quản lý đã tăng cường giám sát sau chuỗi sự kiện bất thường này nhưng chưa có công ty nào bị cáo buộc sai phạm.

 

Ngày 26/9: Cú sốc ngân sách Anh

Các nhà đầu tư Anh đã trải qua một phen sợ hãi sau khi Thủ tướng Liz Truss và Bộ trưởng Tài chính Kwasi Kwarteng công bố kế hoạch giảm thuế trong gói “ngân sách nhỏ”.

Thông báo được phát đi vào ngày 23/9 đã khiến thị trường chao đảo và làm các nhà đầu tư hoảng hốt về số tiền chính phủ sẽ phải vay mượn thêm để tài trợ cho các chính sách mới.

Nhưng đối với chứng khoán, thiệt hại nặng nề nhất đến vào đầu tuần sau, tức ngày 26/9, sau khi ông Kwarteng mạnh mẽ bảo vệ các chính sách mới trong những buổi phỏng vấn hồi cuối tuần.

Các cổ phiếu có mối liên quan chặt chẽ với nền kinh tế Anh lao dốc thảm hại, bao gồm cổ phiếu của các công ty xây dựng nhà ở, ngân hàng, quỹ bất động sản và nhà bán lẻ.

Ông Kwarteng bị sa thải vào ngày 14/10. Chưa đầy một tuần sau đó, bà Truss cũng từ chức, trở thành vị thủ tướng có nhiệm kỳ ngắn nhất của nước Anh.

Ngày 24/10: Náo động sau Đại hội Đảng Trung Quốc

Sau khi ông Tập Cận Bình tái đắc cử Tổng Bí thư nhiệm kỳ thứ ba và Trung Quốc công bố dàn lãnh đạo cấp cao mới tại Đại hội Đảng, chứng khoán Trung Quốc đồng loạt lao dốc trong phiên đầu tuần 24/10.

Khối ngoại bán ra lượng cổ phiếu kỷ lục do lo ngại rằng chính sách Zero COVID sẽ tiếp diễn và ngờ vực về sự hỗ trợ mà Bắc Kinh sẽ dành cho doanh nghiệp tư nhân.

Ngày 27/10: Credit Suisse rớt thảm

Cổ phiếu ngân hàng Credit Suisse rớt 19% - mức giảm mạnh nhất từ trước đến nay – sau khi báo cáo khoản lỗ khoảng 4 tỷ USD và thông báo kế hoạch chiến lược mới. Cổ phiếu của ngân hàng này vẫn đang trên đà giảm và đã rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử trong tháng này.

Credit Suisse đã trở thành tâm điểm chú ý sau khi thua lỗ hàng tỷ USD trong hai năm qua vì các vụ bê bối liên quan đến Greensill Capital và Archegos Capital Management cũng như những thay đổi về ban lãnh đạo cấp cao.

 

Ngày 10/11: Kỷ lục ấn tượng của Apple

Lạm phát lên cao là lực cản lớn đối với cổ phiếu công nghệ trong suốt năm 2022. Mặt khác, điều này cũng có nghĩa là các dấu hiệu cho thấy áp lực giá cả sắp hạ nhiệt có thể mở đường cho đợt phục hồi lớn.

Hôm 10/11, dự liệu lạm phát thấp hơn dự kiến của Mỹ đã trở thành chất xúc tác giúp thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trên diện rộng.

Apple đi lên 8,9%, giúp vốn hóa thị trường tăng thêm 190,9 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay của giới công ty đại chúng Mỹ. Apple đã vượt qua kỷ lục Amazon thiết lập hồi tháng 2 với cách biệt suýt soát 100 triệu USD.

Giang