Những cam kết về thuế quan theo Hiệp định EVFTA
Với kết quả 29 phiếu ủng hộ trên 40 đại biểu, INTA đã nhất trí thông qua khuyến nghị phê chuẩn Hiệp định EVFTA.
Theo đó, Ủy ban Thương mại Quốc tế (INTA) của Nghị viện châu Âu đã họp bỏ phiếu khuyến nghị cho các Nghị sĩ về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA).
Cam kết về thuế nhập khẩu theo Hiệp định EVFTA
Là một Hiệp định thương mại tự do tiêu chuẩn cao, EVFTA có cam kết mạnh về ưu đãi thuế nhập khẩu, cụ thể là loại bỏ thuế nhập khẩu đối với phần lớn hàng hóa từ một Bên nhập khẩu vào Bên kia (từ EU nhập khẩu vào Việt Nam và ngược lại).
Cam kết loại bỏ thuế ngay khi EVFTA có hiệu lực
- Ở hình thức ưu đãi này, thuế nhập khẩu sẽ được loại bỏ (0%) ngay tại thời điểm EVFTA có hiệu lực; các dòng thuế áp dụng theo hình thức này chiếm tỷ lệ phổ biến trong cả Biểu cam kết của EU và Việt Nam.
Cam kết loại bỏ thuế quan theo lộ trình
- Ở hình thức này, thuế nhập khẩu sẽ được giảm dần và loại bỏ (về 0%) sau một khoảng thời gian nhất định (gọi là lộ trình) kể từ khi EVFTA có hiệu lực. Trong EVFTA, nhìn chung lộ trình phổ biến của EU cho các trường hợp ưu đãi theo hình thức này là 7 năm, Việt Nam là 10 năm.
Cam kết hạn ngạch thuế quan
- Một số ít các dòng thuế còn lại sẽ được áp dụng hạn ngạch thuế quan, theo đó sẽ áp dụng mức thuế ưu đãi hoặc thuế 0% chỉ cho một số lượng, khối lượng hàng hóa nhập khẩu nhất định; phần hàng hóa nhập khẩu vượt ra khỏi mức hạn ngạch sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan mà áp dụng mức thuế thông thường (thuế MFN).
Cam kết về thuế xuất khẩu theo Hiệp định EVFTA
Việt Nam và EU cam kết không áp dụng bất kì loại thuế, phí xuất khẩu nào trừ các trường hợp được bảo lưu rõ.
Theo nguyên tắc này, trừ các trường hợp có bảo lưu (của Việt Nam), Việt Nam và EU sẽ không áp dụng loại thuế, phí nào riêng đối với hàng xuất khẩu mà không áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa, không áp dụng mức thuế, phí đối với hàng xuất khẩu cao hơn mức áp dụng cho hàng tiêu thụ nội địa.
Bảo lưu của Việt Nam về các thuế xuất khẩu, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sang EU với các nội dung chủ yếu như sau:
- Việt Nam duy trì đánh thuế xuất khẩu đối với 57 dòng thuế, gồm các sản phẩm như cát, đá phiến, đá granit, một số loại quặng và tinh quặng, dầu thô, than đá, than cốc, vàng,... Trong số này, các dòng thuế hiện nay đang có mức thuế xuất khẩu cao sẽ được đưa về mức 20% trong thời gian tối đa là 5 năm (riêng quặng mangan sẽ được giảm về 10%). Các sản phẩm còn lại duy trì mức thuế xuất khẩu hiện hành.
- Với toàn bộ các sản phẩm khác, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế xuất khẩu theo lộ trình tối đa là 15 năm.
Cam kết về hàng rào phi thuế
Rào cản kĩ thuật đối với thương mại (TBT):
- Hai Bên thỏa thuận tăng cường thực hiện các qui tắc của Hiệp định về các Rào cản kĩ thuật đối với thương mại của WTO (Hiệp định TBT), trong đó Việt Nam cam kết tăng cường sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế trong ban hành các qui định về TBT của mình.
- Hiệp định qui định về các hàng rào phi thuế đối với lĩnh vực ô tô, trong đó Việt Nam cam kết công nhận toàn bộ chứng nhận phù hợp về kĩ thuật đối với ô tô của EU theo các nguyên tắc của Hiệp định UNECE 1958 (hệ thống tiêu chuẩn Liên Hợp Quốc) sau 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực.
- Việt Nam cam kết chấp nhận nhãn “Sản xuất tại EU” (Made in EU) cho các sản phẩm phi nông sản (trừ dược phẩm) đồng thời vẫn chấp nhận nhãn xuất xứ cụ thể ở một nước EU.
Các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS):
- Việt Nam và EU đạt được thỏa thuận về một số nguyên tắc về SPS nhằm tạo điều kiện cho hoạt động thương mại đối với các sản phẩm động vật, thực vật.
- Đặc biệt, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu với Việt Nam, chủ thể quản lí phía EU là cơ quan có thẩm quyền của từng nước thành viên EU cụ thể (nơi xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa Việt Nam) chứ không phải là cơ quan trung cấp liên minh của EU.
Ủy ban châu Âu chỉ chịu trách nhiệm về phối hợp chung, kiểm tra, thanh tra hệ thống kiểm soát và hệ thống pháp luật liên quan của các nước thành viên nhằm bảo đảm việc áp dụng thống nhất các tiêu chuẩn, qui chuẩn kĩ thuật trong toàn thị trường EU.
Các biện pháp phi thuế quan khác Hiệp định cũng bao gồm các cam kết theo hướng giảm bớt hàng rào thuế quan khác (Cam kết về cấp phép xuất khẩu/nhập khẩu, thủ tục hải quan…) nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai Bên.