'Nhức nhối' với với hiện tượng sang chiết gas trái phép
Từ trạm chiết gas nhiều khuất tất lộ diện đại gia chơi xế 'khủng' |
Ai thiệt hại khi sang chiết gas trái phép
Tại Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường Gas, ông Trần Trọng Hữu, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư kí Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết vấn đề nổi cộm trong suốt thời gian qua là tình trạng sang chiết nạp gas trái phép, thu gom, chiếm dụng bình gas của nhau.
Hội thảo Thách thức và Triển vọng thị trường Gas. Ảnh: Đức Quỳnh |
"Thậm chí có những đơn vị, cá nhân đã mài chữ nổi trên vỏ chai của các hãng khác, cắt tai, mài vỏ, thay đổi kết cấu, logo để biến thành bình gas của mình, tung ra trên thị trường", ông Hữu cho hay.
Ông nhận định điều này gây thiệt hại cho nhà kinh doanh gas chân chính, gây nên tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, nhà nước thất thu thuế. Đặc biệt, đây là những mầm mống gây ra những vụ tai nạn, cháy nổ, gây bất bình trong dư luận, xã hội.
Trong khi đó, các đối tượng vi phạm không phải chi phí đầu tư vỏ bình, kiểm định, kiểm định định kỳ, bảo dưỡng, sửa chữ, thu lợi bất chính.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam thông tin trên thị trường có bình gas là giả nhãn hiệu của thương nhân có uy tín, vỏ bình bị hoán cải, không rõ nguồn gốc xuất xứ, bị chiếm dụng trái pháp luật gây tổn thất lớn cho người kinh doanh chân chính và rất nguy hiểm cho người tiêu dùng.
Các hành vi trên ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển lành mạnh thị trường Gas, làm giảm lòng tin của người tiêu dùng và nghiêm trọng hơn là gây bất ổn an ninh, trật tự trong xã hội.
Với các hình thức gian lận thương mại này đã ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh gas tại thị trường của Việt nam. Điển hình là các thương hiệu nổi tiếng như Shell gas, Total gas, BP gas, Thăng Long gas phải thu gọn lại hoặc phải rút khỏi Việt Nam do tình trạng gian lận thương mại.
Kiến nghị tịch thu bình gas vi phạm trả lại cho chủ sở hữu
Việc kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh gas, nhất là hành vi chiếm dụng, sang chiết trái pháp luật, giả nhãn hiệu, đã đạt nhiều kết quả, góp phần quan trọng ổn định thị trường.
Tuy nhiên, ông Hữu cho hay việc xử lý các vỏ bình gas bị các lực lượng chức năng tịch thu, xử lý của mỗi lực lượng, mỗi địa phương khác nhau, cùng một loại hành vi vi phạm, có vụ việc xử lý hình sự, có vụ việc sau khi xử phạt vi phạm hành chính.
Việc xử lý mỗi vụ việc, mỗi lực lượng chức năng, mỗi địa phương khác nhau như trên phần nào đã hạn chế hiệu quả, hiệu lực của pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas.
Để giải quyết tình trạng này ông Hữu đề xuất cần có sự hướng dẫn để các cơ quan chức năng hiểu và áp dụng văn bản xử lý thống nhất bình gas bị tịch thu do bị chiếm đoạt, lưu giữ và sử dụng trái pháp luật, tạo bước đột phá trong công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng vi phạm sở hữu tài sản, sở hữu trí tuệ về hoạt động kinh doanh khí gas.
Tình trạng thu gom vỏ bình gas, sang chiết nạp trái phép là hành vi gian lận thương mại phổ biến nhất hiện nay, gây ảnh hưởng rất lớn đến các thương hiệu kinh doanh gas lành mạnh và làm ảnh hưởng đến quyền lợi, sự an toàn của người tiêu dùng.
Ông Hữu kiến nghị tịch thu bình gas vi phạm trả lại cho chủ sở hữu, thêm vào đó có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe, hạn chế tái vi phạm tình trạng sang chiết nạp trái phép dù chỉ là một chai gas. Các cơ quan quản lý nhà nước nghiên cứu, xây dựng, ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một số hành vi vi phạm trong kinh doanh gas.