Tranh thủ cổ phiếu PVB tăng ‘nóng’ theo sóng dầu khí, quỹ ngoại liên tục bán ra
PVB thoát lỗ quý IV nhờ lợi nhuận khác, cả năm lãi hơn 55 tỷ đồng |
Tổ chức Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity vừa công bố thông tin bán 48.700 cổ phiếu PVB của CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam. Giao dịch thực hiện ngày 4/10. Sau giao dịch, quỹ ngoại này sở hữu 1.467.600 cổ phiếu PVB, tương đương 6,79% vốn điều lệ công ty. Đây là đợt bán ra cổ phiếu PVB lần thứ ba trong vòng một tháng gần đây của tổ chức này.
Được biết, ngày 27/9, Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity bán ra 82,800 cổ phiếu PVB, giảm số lượng cổ phần nắm giữ xuống 1.927.600 cp, tương ứng 8,92% vốn điều lệ công ty.
Ngày 2/10, tổ chức này cũng bán ra 110.000 cổ phiếu PVB, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 7,54%. Như vậy, tổng hợp trong ba đợt, Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity đã bán ra 241.500 cổ phần, giảm tỷ lệ sở hữu từ 9,31% xuống còn 6,79% vốn điều lệ công ty.
Diễn biến giao dịch trong ba tháng gần đây, giá cổ phiếu PVB tăng ấn tượng 60,78%, cao hơn so mới các cổ phiếu dầu khí khác như PVD (58,54%) và PVS (46,75%). Sự tăng giá các cổ phiếu dầu khí đến từ thông tin hỗ trợ tích cực về giá dầu thế giới liên tục tăng trong thời gian vừa qua.
Diễn biến giá cổ phiếu PVB, PVS, PVD trong ba tháng gần đây. Nguồn: VNDIRECT |
Hiện, Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity nắm giữ số cổ phần lớn thứ hai tại Bọc ống Dầu khí Việt Nam, đứng sau Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (sở hữu 52,94%).
Samarang Ucits – Samarang Asian Prosperity trở thành cổ đông lớn của Bọc ống Dầu khí Việt Nam từ tháng 11/2017 sau khi nhận chuyển nhượng cổ phiếu từ quỹ Halley Sicav - Halley Asian Prosperity. Cụ thể, tại thời điểm đó, Halley Sicav - Halley Asian Prosperity chuyển quyền sở hữu hơn 120 triệu cp với 26 mã chứng khoán. Ngoài PVB, một số cổ phiếu khác trong đợt chuyển nhượng này là PDR, DVP, DHC, PVC, DXP, GEX…
Tháng 9/2018, Phó Thủ tướng chấp thuận cho CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPipe) và Bọc ống Dầu khí Việt Nam được phép cung cấp các sản phẩm ống thép hàn thẳng – hồ quang chìm dưới lớp thuốc (LSAW) và dịch vụ bọc ống các loại cho các gói thầu thuộc dự án do Tổng Công ty Khí Việt Nam-CTCP (PVGas) làm chủ đầu tư.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng chấp thuận việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu năm 2013 cho các gói thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ thuộc 2 dự án: Giai đoạn 2 của dự án Đường ống dẫn khí Nam Côn Sơn 2 điều chỉnh và dự án Đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn mà chỉ có CTCP Sản xuất ống thép Dầu khí Việt Nam (PVPipe) và Bọc ống Dầu khí Việt Nam cung cấp được ở thị trường trong nước theo phương án do PVGAs đề xuất.
Xem thêm |