|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Ngành gas vẫn rối

18:30 | 01/11/2018
Chia sẻ
Không chỉ thương nhân mà ngay cả sở công thương một số tỉnh, thành cũng kêu khó với các quy định mới về quản lý kinh doanh gas
nganh gas van roi Từ ngày 1/11, giá gas giảm 40.000 đồng/ bình 12 kg

Nghị định 87 về quản lý kinh doanh gas chính thức có hiệu lực từ ngày 1-8 vừa qua. Dù được xem là nghị định thông thoáng nhất trong lĩnh vực gas từ trước tới nay nhưng vẫn còn không ít vướng mắc khó thực hiện. Một số sở công thương các tỉnh, thành đã có văn bản "kể khó" với Bộ Công Thương về nghị định này.

Còn nhiều quy định rắc rối

Theo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện đối với thương nhân kinh doanh mua bán gas bình theo quy định mới phải có bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa. Quy định này đồng nghĩa với việc thương nhân bắt buộc phải có bồn chứa gas, trong khi điều 8 của nghị định này chỉ yêu cầu thương nhân có bồn chứa hoặc thuê bồn.

Trong khi thực tế, các cơ sở kinh doanh mua bán gas bình chỉ chứa gas trong bình, tức không chứa gas tại bồn. Do đó, việc yêu cầu thương nhân khi làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện phải có bản sao giấy chứng nhận kết quả kiểm định kỹ thuật an toàn lao động bồn chứa là không phù hợp thực tế, không cần thiết, phát sinh thêm giấy phép con.

nganh gas van roi
Việc quản lý kinh doanh gas vẫn rối sau gần 3 tháng Nghị định 87 có hiệu lực Ảnh: TẤN THẠNH

Chưa hết, tại khoản 5 điều 38 của nghị định còn quy định để được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện là thương nhân kinh doanh mua bán gas, người đề nghị phải có bản sao giấy chứng nhận kiểm định bình gas và bản sao giấy chứng nhận hợp quy đối với bình gas. Trong khi 2 điều kiện này lại thuộc trách nhiệm của đơn vị sản xuất, không phải của thương nhân kinh doanh gas. Do đó, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi cho rằng thủ tục bắt buộc phải có 2 điều kiện trên là không phù hợp.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi phản ánh về quy định cửa hàng phải có tài liệu chứng minh đáp ứng các điều kiện về phòng cháy chữa cháy nhưng đó là tài liệu gì thì không ai biết. Chưa hết, nghị định còn yêu cầu thương nhân phải có chương trình quản lý an toàn, báo cáo đánh giá rủi ro, kế hoạch ứng cứu khẩn cấp là như thế nào nhưng cũng chỉ nêu chung chung, không cụ thể nên cơ quan chức năng địa phương rất khó thực hiện.

Sở Công Thương TP Hải Phòng cũng có kiến nghị Bộ Công Thương giải quyết hàng loạt vướng mắc, trong đó nhắc tới "tài liệu chứng minh trạm nạp được cấp thẩm quyền cho phép đầu tư xây dựng" là những tài liệu gì? Đối với các trạm cấp gas, sở này đề nghị Bộ Công Thương hướng dẫn những đối tượng trên có phải xin cấp giấy đủ điều kiện trạm cấp, trạm nén hay không?

Trong khi đó, Sở Công Thương Hà Nội lại dẫn một số trường hợp cụ thể khác xa với quy định. Chẳng hạn trường hợp thương nhân có trạm cấp khí nhưng chỉ là trạm cấp khí từ hệ thống dàn chai trực tiếp qua đường ống mà không có bồn chứa có được hay không? Hoặc thương nhân có bồn chứa, trạm cấp, đường ống vận chuyển khí nhưng trạm cấp không cấp khí từ bồn chứa cố định mà cấp qua hệ thống dàn chai, còn bồn chứa đặt ở địa điểm khác thì xử lý thế nào?

Khó thực hiện

Nhiều cửa hàng gas còn bức xúc về việc Nghị định 87 buộc họ phải ghi chép sổ theo dõi theo từng chủng loại bình, số xê-ri, ngày giờ xuất bán, nhập vào, hạn kiểm định và cả địa chỉ người bán, người mua… hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh bình thường của họ. Không chỉ cửa hàng bán lẻ phải ghi sổ theo dõi mà các thương nhân, doanh nghiệp kinh doanh gas cũng phải thực hiện.

Từ khi nghị định có hiệu lực, doanh nghiệp, thương nhân phải tuyển thêm nhân viên mới mong hoàn thành được việc ghi sổ hằng ngày. Còn đối với cửa hàng lại càng không thể thực hiện được vì không có người, nhân viên nghỉ việc liên tục nên khó hướng dẫn nghiệp vụ này.

Gần đây, nhiều cửa hàng gas tại TP HCM còn phản ánh với phóng viên về quy định nếu phát hiện cửa hàng có chứa gas giả hay vỏ bình không có trong hợp đồng thì họ sẽ là người bị phạt đầu tiên. Ông Quách Văn Vinh, chủ cửa hàng gas ở quận 1, cho rằng gas giả, gas kém chất lượng là thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, tổng đại lý, cửa hàng bán lẻ không thể kiểm soát được chất lượng gas bên trong như thế nào. Rồi khi đổi bình gas cho khách, cửa hàng phải thu hồi vỏ bình mà khách hàng đã sử dụng trước đó nhưng bình gas này lại được một nơi khác cung cấp nên chắc chắn sẽ không có trong hợp đồng của họ.

Các cửa hàng còn lo lắng về số phận tổng đại lý vì theo nghị định mới, khi xin cấp lại giấy phép, họ phải "lên" thương nhân, trong khi cửa hàng chỉ được ký với tổng đại lý. Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Tổng đại lý Nguyên Khuê ở TP HCM, cho biết một số cửa hàng gas ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An đang bị vướng vì giấy phép kinh doanh hết hạn nhưng chưa được cấp lại. "Trước đây, giấy phép này do Sở Công Thương cấp nhưng theo nghị định mới thì được phân cấp về quận, huyện. Nay quận, huyện chỉ tiếp nhận hồ sơ rồi để đó chứ không giải quyết ngay mà còn phải chờ thông tư hướng dẫn" - ông Lân giải thích.

Chưa đề cập bình gas composite

Các thương nhân kinh doanh gas tại TP HCM nêu thắc mắc là trong nhiều năm qua, vỏ bình gas bằng vật liệu composite đã được nhiều đơn vị đưa vào lưu thông, tức loại bình này cũng đã có thị phần và được người tiêu dùng sử dụng. Tuy nhiên, trong Nghị định 87 lại chưa thấy đề cập loại vỏ bình này. Như vậy gas chứa trong bình composite cung cấp cho người tiêu dùng quản lý như thế nào. Vấn đề này được cơ quan quản lý hướng dẫn tìm đến Sở Khoa học và Công nghệ TP để tìm hiểu.

Nguyễn Hải