Gas giả lại bùng phát
Nguồn gas giả lưu thông trên thị trường với số lượng lớn không chỉ gây thất thu thuế cho nhà nước mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Dỏm nên rẻ
Sau một thời gian tạm lắng do nhà nước siết chặt các quy định về quản lý, tình trạng sản xuất, kinh doanh gas giả đang bùng phát trở lại do lợi dụng sự thông thoáng của Nghị định 87 của Chính phủ về kinh doanh khí áp dụng từ ngày 1-8 vừa qua.
Theo một doanh nghiệp (DN) gas có thị phần lớn, trước đây, trạm chiết gas phải là sở hữu của một đầu mối tiêu thụ gas. Thế nhưng, theo quy định mới, trạm chiết không phải trực thuộc đầu mối nào nên tự do sang chiết mà không lo bị kiểm tra, xử lý. Ngoài ra, mức xử phạt gas giả hiện còn thấp so với lợi nhuận quá cao từ kinh doanh gas ngoài luồng.
Ông Trần Minh Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam, cho biết gas giả tràn lan từ Bắc chí Nam nhưng việc kiểm tra như "bắt cóc bỏ đĩa". Gas giả vừa trốn thuế vừa sử dụng nguồn khí không rõ nguồn gốc nên sống "khỏe". Theo ông Loan, các DN gas nên tự cứu mình, tạo liên kết với cửa hàng, xây dựng hệ thống phân phối, chuỗi liên kết cũng như tạo chuỗi giá trị bền vững. Cách tốt nhất để dẹp nạn gas giả là kiểm tra quyết liệt các cửa hàng, từ đó truy ngược lại nơi phân phối, trạm chiết với chứng cứ cụ thể. "Cách làm lâu nay là kiểm tra các trạm chiết, họ đổ thừa qua lại nên không biết ai là chủ mưu nên khó xử lý" - ông Loan lý giải.
Theo phản ánh từ các DN gas, ở Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh đều có trạm sang chiết gas giả; gần đây xuất hiện thêm tại Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu. Các khu vực này có khoảng 20 trạm sang chiết gas giả, trong đó có những trạm lớn mỗi tháng sang chiết 300-400 tấn gas, tương ứng hàng chục ngàn bình loại 12 kg.
Với mỗi bình gas không đúng thành phần, tỉ lệ, trạm bơm "bỏ túi" 15.000-20.000 đồng. Mỗi bình chỉ cần bơm thiếu 1 kg sẽ có thêm khoảng 30.000 đồng, khâu trung gian vận chuyển giao đến cửa hàng bán lẻ hưởng 30.000 đồng/bình, các cửa hàng bán lẻ hưởng tiếp vài chục ngàn đồng/bình.
Ông Nguyễn Văn Bảy - chủ một cửa hàng gas tại quận 4, TP HCM - cho biết giá mỗi bình Elf gas đỏ chính hãng do đại lý chính thức giao là 345.000 đồng. Cũng bình này, nếu bơm gas ngoài luồng thì được chào giá 273.000 đồng, rẻ hơn đến 70.000 đồng.
Quy định về kiểm soát mặt hàng gas thông thoáng hơn đã tạo kẽ hở cho gas dỏm, gas giả bùng phát trở lại. Trong ảnh: Một cửa hàng gas ở TP HCM. Ảnh: TẤN THẠNH |
Nguy cơ mất an toàn cao
Các DN kinh doanh gas cho biết có nhiều loại gas. Gas tốt là loại sạch, không có tạp chất nên giá cao; gas kém chất lượng có lẫn nhiều tạp chất nên giá thấp. Các trạm bơm thu lợi lớn từ việc sử dụng gas kém chất lượng, nếu phối trộn các loại có tỉ lệ khác nhau thì lợi nhuận càng tăng.
Theo ông Lê Tấn Tài, chủ một đầu mối tiêu thụ gas tại TP HCM, trong gas có hai thành phần chính là khí butane và propane. Các hãng gas thường pha trộn theo tỉ lệ 50:50, trong khi trạm sang chiết gas giả thường tăng tỉ lệ propane lên cao để giảm giá thành (chẳng hạn, bình 12 kg thì thành phần propane chiếm 8-9 kg). Không những vậy, methane vốn không được phép đưa vào gas làm chất đốt cũng được các trạm sang chiết gas giả phối trộn, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Bởi lẽ, methane có đặt tính gây cháy nổ cao, chỉ sử dụng trong ngành công nghiệp để rò hàn.
Người tiêu dùng mua phải gas giả còn đối mặt sự nguy hiểm từ vỏ bình. Thông thường, vỏ bình gas của các công ty sau khi được thu hồi phải được kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn cũng như điều kiện lưu hành. Các trạm sang chiết gas dỏm chiếm dụng vỏ bình của các công ty để bơm loại kém chất lượng nên rất nguy hiểm.
Hiện nay, bình gas giả sử dụng màng chụp van đầu bình, tem chống giả rất giống gas chính hãng. Nhân viên kỹ thuật của các hãng gas cũng khó phân biệt được tem thật và tem giả. Do đó, người tiêu dùng khó có thể nhận biết thật - giả mà chỉ biết phó thác hoàn toàn vào cửa hàng gas.