Doanh nghiệp tố khổ vì Sổ theo dõi bán bình gas
Từ trạm chiết gas nhiều khuất tất lộ diện đại gia chơi xế 'khủng' | |
Giải cứu nhà kinh doanh gas nhỏ khỏi cửa tử |
Trong vòng hơn 2 tiếng diễn ra Hội nghị, có gần 40 ý kiến phát biểu, trong đó nêu lên bất cập của Nghị định 87 khiến các đơn vị kinh doanh gas gặp khó khăn. Hoàng Việt |
Theo đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị, Nghị định 87 “mở đầu vào, siết đầu ra” khi đưa ra rất nhiều điều kiện ràng buộc, bắt buộc doanh nghiệp gas, đại lý gas. Ông Nguyễn Văn Lân - Phó giám đốc Công ty gas Nguyên Khê (Bình Chánh, TP.HCM) thẳng thừng “cơ quan quản lý nhà nước đẩy trách nhiệm, đẩy rủi ro về phía doanh nghiệp, đại lý gas”.
Cụ thể, Nghị định 87 quy định các thương nhân, đại lý kinh doanh gas phải có Sổ theo dõi bán bình gas, Sổ theo dõi nạp bình gas… Theo đó các thương nhân kinh doanh phải ghi chép theo biểu mẫu gồm những thông tin bắt buộc để theo dõi số lượng bình gas nạp, phân phối mỗi ngày, các đại lý cũng phải ghi sổ theo dõi với những nội dung theo biểu mẫu về số lượng bình gas xuất, nhập hằng ngày… Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, chủ trì hội nghị này cho rằng điều kiện này tương tự như truy xuất thịt heo nhằm tăng cường công tác giám sát, quản lý việc kinh doanh, phân phối gas. Để việc kinh doanh gas vào nề nếp hơn, dễ truy trách nhiệm nếu chẳng may xảy ra sự cố về gas.
Tuy nhiên, đại diện Tập đoàn Anpha Petrol cho rằng, mỗi ngày thương nhân chiết nạp cả ngàn, vài ngàn chai, bắt họ phải ghi sổ theo dõi nạp bình gas bằng số sê ri là rất tốn công sức. Hơn nữa, từ ngày 1.8.2018 Nghị định 87 có hiệu lực nhưng lượng bình gas đã chiết nạp và phân phối ra thị trường trước đó cũng phải thu về ghi sổ theo dõi, đây là việc gần như bất khả thi. Do việc ghi sổ thủ công quá tốn công sức nên các doanh nghiệp phải đặt viết phần mềm chuyên dụng và trước khi sử dụng chính thức phải chạy thử nghiệm…, ước tính phải tăng gấp đôi lượng lao động ở bộ phận này khiến doanh nghiệp gặp khó.
"Miếng thịt heo khác bình gas vì thịt heo bán đến người dùng, chế biến và ăn là hết. Trong khi đó vòng đời bình gas đến 15 năm. Bình gas được ghi số sê ri theo dõi ở công ty này nhưng sau khi phân phối ra thị trường lại có thể lòng vòng sang đơn vị khác. Như vậy việc ghi sổ theo dõi là không có hiệu quả"- ông Lân dẫn chứng. Một số ý kiến lại đặt câu hỏi, thời hạn các thương nhân, cửa hàng gas lưu trữ Sổ theo dõi nạp/bán gas là bao lâu? Nếu chẳng may cửa hàng làm thất lạc, mất sổ theo dõi thì xử lý thế nào?
Ngoài ra, Nghị định 87 còn có quy định cửa hàng gas khi giao gas cho người tiêu dùng phải giao tài liệu hướng dẫn sử dụng gas, đồng thời phải hướng dẫn sử dụng cho khách hàng, phải có chữ ký xác nhận của người tiêu dùng. “Các đại lý gas lo ngại rằng, nếu những người tiêu dùng không hợp tác, không chịu ký xác nhận thì phải làm sao? Có phải các cửa hàng gas phải giả mạo chữ ký để đối phó cơ quan chức năng?”, chủ một cửa hàng gas nêu ý kiến.
Theo ông Đông, Nghị định 87 này rất thoáng, đúng tinh thần của Chính phủ là tạo thông thoáng cho doanh nghiệp. Một số vấn đề còn vướng mắc, bất cập, nhất là các ý kiến của các đại biểu phát biểu tại hội nghị này, Sở Công thương TP.HCM sẽ thu thập, sàng lọc và chuyển đến cơ quan phụ trách của Bộ Công thương tham khảo, xem xét.