|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Vụ phù phép Hiệp hội gas 'chui' thành chính thức: Cần làm rõ trách nhiệm của quản lý thị trường

22:00 | 02/06/2018
Chia sẻ
Như Báo Lao Động đã phản ánh trong số trước, trong khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang xử lý vi phạm thì tổ chức tự phát, hoạt động không phép mang tên “Hiệp hội Gas Quảng Ninh” với các biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật đã lột xác thành “Chi hội Gas Quảng Ninh” trực thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam.
vu phu phep hiep hoi gas chui thanh chinh thuc can lam ro trach nhiem cua quan ly thi truong Hiệp hội Gas muốn duy trì Nghị định 19 về kinh doanh khí
vu phu phep hiep hoi gas chui thanh chinh thuc can lam ro trach nhiem cua quan ly thi truong
Hàng vạn vỏ bình gas của doanh nghiệp bị thu giữ trái phép. Ảnh: HN

Như Báo Lao Động đã phản ánh trong số trước, trong khi cơ quan chức năng tỉnh Quảng Ninh đang xử lý vi phạm thì tổ chức tự phát, hoạt động không phép mang tên “Hiệp hội Gas Quảng Ninh” với các biểu hiện của hành vi vi phạm pháp luật đã lột xác thành “Chi hội Gas Quảng Ninh” trực thuộc Hiệp hội Gas Việt Nam.

Đáng bàn, Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Quảng Ninh lại liên tiếp xử lý đơn thư tố của tổ chức này gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác.

QLTT “bắt tay” hiệp hội thao túng thị trường gas ở Quảng Ninh

Đó là lời kêu cứu của tài xế Nguyễn Văn H. về việc xe chở gas liên tiếp vào địa bàn Quảng Ninh thường bị lực lượng QLTT kiểm tra hay bị gây khó khăn, cản trở trong việc kinh doanh buôn bán.

Anh H. cho biết: “Doanh nghiệp của mình từng là 1 đơn vị tham gia tổ chức “chui” Hiệp hội Gas Quảng Ninh. Tổ chức này được lập ra với biểu hiện “thâu tóm” thị trường gas trong toàn tỉnh. Chúng tôi muốn bán rẻ hơn cũng không được. Đại lý nào không tham gia hiệp hội này sẽ bị cắt hàng.

Ngoài ra, sẽ không được đổi vỏ chai gas để không vi phạm vào Nghị định 19 nên không muốn cũng phải tham gia nếu không còn “cửa sống”. Tuy nhiên, do phải đóng lệ phí quá cao và việc chi tiêu tài chính bất minh nên chúng tôi đã rời bỏ tổ chức tự xưng này” - anh H. nói.

Từ khi rời tổ chức trên, đơn vị thường vấp phải khó khăn như không có lỗi vẫn bị dừng xe kiểm tra, điển hình như vụ việc xảy ra vào ngày 26.5 vừa qua, Đội QLTT số 5, Chi cục QLTT Quảng Ninh bất ngờ dừng kiểm tra 1 xe tải chở gas trên địa bàn phường Hà Khẩu, TP.Hạ Long.

Hành động bất thường như đi xe biển trắng có gắn biển “xe báo chí”, dừng phương tiện, kiểm tra theo đơn tố giác của hiệp hội “chui”… của lực lượng QLTT khiến tài xế hốt hoảng phải báo cho cơ quan công an đến “giải cứu”.

Tương tự, ngày 14.5, Đội QLTT số 7, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh cũng kiểm tra 1 xe tải chở gas với nhiều dấu hiệu bất thường cũng đang gây tranh cãi. Ông Bùi Tiến Hoan - Đội trưởng Đội QLTT số 7 - cũng xác nhận với PV Báo Lao Động là nhận được đơn tố giác của Hiệp hội Gas Quảng Ninh.

Ngoài ra, theo quy chế làm việc của tổ chức chui này cũng đã nêu rõ: “Các cửa hàng, đại lí không tham gia đóng quỹ sẽ bị các thành viên của hiệp hội và chi hội kiến nghị với các cơ quan chức năng khi không đủ điều kiện về pháp lí”. Tổ chức này cũng báo cáo thành tích trong 7 tháng hoạt động (tới tháng 2.2017), hiệp hội và chi hội đã tiến hành kiểm tra, giám sát và phối hợp cơ quan chức năng thực hiện bắt giữ xe và xử phạt 4 vụ.

Thêm vào đó, mới đây, trả lời các cơ quan báo chí, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5 - cũng cho biết, nhận được phản ánh của Hiệp hội Gas Quảng Ninh từ năm 2016 và 2017. Điều đó cho thấy, Đội QLTT số 5 đã “tiếp tay” với hiệp hội này từ 3 năm trước.

Chi cục QLTT không biết về hiệp hội chui?

Với nhiều dấu hiệu bất thường từ việc tiếp nhận đơn tố cáo đến công tác kiểm tra khiến dư luận không khỏi đặt nghi vấn về việc QLTT Quảng Ninh có tiếp tay cho các doanh nghiệp đang bị xem xét về vi phạm pháp luật, tổ chức hoạt động chui hay không.

Trong khi tổ chức tự phát Hiệp hội Gas Quảng Ninh với 8 đơn vị lớn nhất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hoạt động không phép công khai trong một thời gian dài, cùng với đó là việc đang bị các cơ quan chức năng xem xét dấu hiệu vi phạm pháp luật trong hoạt động kinh doanh gas nhưng Chi cục QLTT Quảng Ninh vẫn cho hay “không hề biết tổ chức này”.

Ông Nguyễn Văn Thoại - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh, người phát ngôn của Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh - xác nhận với PV Báo Lao Động: “Chi cục có trách nhiệm kiểm tra và xử lý với tất cả cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý. Chúng tôi chỉ biết Chi hội Gas Quảng Ninh thuộc các thành viên tham gia với quy chế hoạt động riêng của họ”.

Điều này khiến dư luận vô cùng lo ngại về công tác giám sát, kiểm tra, quản lý hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp gas trên địa bàn bởi 8 đơn vị tham gia và hoạt động theo quy chế của tổ chức chui Hiệp hội Gas Việt Nam là 8 đơn vị kinh doanh rất lớn trong tỉnh Quảng Ninh nhưng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh không hề hay biết về việc này.

Trái với lời của người phát ngôn cơ quan Chi cục QLTT tỉnh, ngày 24.5, ông Cao Xuân Luật - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng QLTT Quảng Ninh - xác nhận với báo chí, cơ quan này vẫn tiếp tục xử lý đối với Hiệp hội gas Quảng Ninh.

Để có thể làm rõ các nội dung liên quan tới tổ chức không phép Hiệp hội Gas Quảng Ninh, PV Báo Lao Động nhiều lần liên hệ với ông Cao Xuân Luật - Phó giám đốc Sở Công thương kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT Quảng Ninh - thì bị “đá bóng” sang gặp ông Nguyễn Văn Thoại - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh. Ông Thoại trả lời PV “không thuộc thẩm quyền quản lý”. Những lần cố liên lạc sau đó đều chỉ nhận được sự im lặng của ông Luật.

Nhiều khuất tất trong thủ đoạn “bẩn” kinh doanh gas cần được làm rõ

Những doanh nghiệp kinh doanh gas ngoài tỉnh không thể xâm nhập thị trường Quảng Ninh - và luôn nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng QLTT tỉnh Quảng Ninh sau khi nhận đơn tố giác của Chi nhánh Gas Quảng Ninh - đã phải khẩn thiết kêu cứu tới nhiều cơ quan chức năng, cơ quan báo chí về việc bị sử dụng các chiêu trò bẩn trong kinh doanh.

Đại diện 1 công ty này cho biết: “Việc công ty có những vi phạm nhỏ như chở 60 vỏ chai của các hãng gas thuộc Chi hội Gas Quảng Ninh bị QLTT Quảng Ninh xử phạt mới đây là do công ty này đang loay hoay bởi những bất cập tại Nghị định 19/2016/NĐ-CP về kinh doanh khí.

Nghị định có quy định các doanh nghiệp không được chở vỏ chai gas của nhau nhưng thực tế, trong đời sống khi chúng tôi đổi gas cho dân thì dân sẽ đổi lại 1 vỏ chai gas khác. Như vậy, là chúng tôi đã phải bỏ vỏ chai của mình để đổi lại với dân chứ không phải không mất gì.

Trong khi nhiều doanh nghiệp liên kết với nhau nhất định không cho chúng tôi đổi vỏ chai, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần có công văn đề nghị hợp tác mà đều bị từ chối. Muốn được đổi bình, chúng tôi phải tham gia vào hiệp hội và tổ chức của họ, nộp phí và kinh doanh theo quy định của họ. Nếu không sẽ không có cửa sống hoặc thường xuyên bị dùng chiêu trò tố giác”.

Đại diện đơn vị này cũng chỉ biết “kêu trời” vì vào cuối tháng 9.2017 đã phát hiện số lượng lớn vỏ bình gas của hãng mình bị chiếm giữ tại Cụm Công nghiệp làng nghề Đông Thọ (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) và tại Hưng Yên. Số lượng vỏ chai lên tới gần 6 vạn.

Ngay sau đó, đơn vị này đã có đơn kiến nghị lực lượng chức năng để yêu cầu được lấy lại vỏ bình để về tái sản xuất và xử lý nghiêm. Tuy nhiên, theo hướng xử lý của các cơ quan chức năng thì hiện vụ việc đang dần trở nên bế tắc, bởi Bắc Ninh trả lời số vỏ bình gas được thu gom bởi các đại lý kinh doanh gas nhỏ lẻ chứ không phải 1 công ty gas nào đó thu gom nhằm thâu tóm, triệt hạ lẫn nhau.

Điều đáng nói là lời khai của các đại lý với các cơ quan chức năng ngây thơ đến ngờ nghệch nhưng lại rất dễ được cán bộ cảm thông, ghi nhận là đúng sự thật. Có đại lý khai là thu gom vỏ bình để chờ được giá thì bán, lại có đại lý khai thu gom để chuẩn bị thành lập công ty gas.

Anh Nguyễn Văn K. đại diện doanh nghiệp trên cho biết: “Chúng tôi bị chiếm giữ gần 6 vạn vỏ chai gas mà không làm được gì. Trong khi mới chỉ chở 60 vỏ chai đã bị mang tiếng xấu, đã bị xử phạt. Công lý ở đâu?”.

Xem thêm

Nhóm PV