|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu vàng thế giới 2023 cao kỷ lục

15:30 | 03/02/2024
Chia sẻ
yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng lớn nhất vào năm 2023 là căng thẳng Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas và sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Những yếu tố trên có thể tiếp tục thúc đẩy giá kim loại này tăng cao vào năm 2024.

 

Theo CNBC, trong báo cáo mới đây, Hội đồng Vàng Thế giới cho biết nhu cầu vàng đạt mức cao kỷ lục vào năm 2023 khi căng thẳng địa chính trị kéo dài dai dẳng và sự yếu kém của nền kinh tế Trung Quốc đã thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến tài sản trú ẩn an toàn.

Tổng giao dịch vàng năm ngoái ở mức 4.899 tấn tăng so với mức 4.741 tấn vào năm 2022.

Không giống như giao dịch được thực hiện bởi một sàn giao dịch, giao dịch OTC diễn ra trực tiếp giữa hai bên.

Ông Shaokai Fan, Giám đốc nghiên cứu các ngân hàng trung ương tại Hội đồng vàng Thế giới cho biết, yếu tố thúc đẩy nhu cầu vàng lớn nhất vào năm 2023 là căng thẳng Nga-Ukraine và xung đột Israel-Hamas và sự suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc. Những yếu tố trên có thể tiếp tục thúc đẩy giá kim loại này tăng cao vào năm 2024. 

Giá vàng đạt mức cao nhất mọi thời đại là 2.100 USD /ounce vào tháng 12 khi các ngân hàng trung ương cũng như các nhà đầu tư nhỏ lẻ tăng cường mua vàng. Lượng mua của ngân hàng trung ương đã vượt quá 1.000 tấn trong hai năm liên tiếp. 

Trả lời phản ánh trang CNBC, ông Fan cho biết: “2023 ghi nhận là năm các ngân hàng trung ương mua nhiều vàng thứ hai, chỉ kém một chút so với kỷ lục năm 2022”. 

Báo cáo cho thấy Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc là nước mua vàng lớn nhất với 225 tấn vào năm ngoái, nâng lượng dự trữ lên 2.235 tấn.

Ông nhấn mạnh, cuộc khủng hoảng bất động sản ở Trung Quốc cũng đã thúc đẩy nhiều nhà đầu tư hướng tới vàng.

Evergrande, từng là một trong những nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc, đã bị tòa án Hồng Kông ra lệnh thanh lý sau khi công ty này không đạt được thỏa thuận về tái cấu trúc.

Lượng mua vàng miếng và tiền xu của Trung Quốc đã tăng 28% trong năm 2023 ở mức 280 tấn.

Ông Fan cho biết: “Các nhà đầu tư Trung Quốc lo lắng về tương lai của các loại tài sản khác và họ đang chuyển sang vàng như một cách để bảo vệ danh mục đầu tư của mình”. 

Ngoài ra, dữ liệu từ Hội đồng Vàng Thế giới cho thấy Trung Quốc đã soán ngôi Ấn Độ trở thành nước mua trang sức vàng lớn nhất thế giới vào năm 2023. 

Người dân Trung Quốc mua 603 tấn vàng trang sức vào năm 2023, tăng 10% so với năm 2022. Ông Fan lưu ý rằng điều này phần lớn là do có nhiều đám cưới được tổ chức hơn sau đại dịch COVID-19. 

Ông giải thích thêm rằng lượng mua vàng có thể tăng hơn nữa khi Tết Nguyên đán đến gần và theo quan niệm dân gian châu Á, năm con Rồng sắp tới là năm tốt để sinh con. 

Fan cho biết: “Nhìn chung, việc có nhiều em bé hơn sẽ tác động tích cực đến nhu cầu vàng”, nhưng ông cũng cảnh báo rằng nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể giảm sau quý đầu tiên của năm 2024. 

Báo cáo của Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, ngoài giá vàng tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, năm nay được dự đoán là một năm kém may mắn đối với hôn nhân. Ấn Độ cũng sẽ chỉ có 16 ngày cưới tốt lành trong quý đầu tiên, so với 28 ngày năm ngoái.

Triển vọng năm 2024

Hội đồng Vàng Thế giới cho biết, việc mua vàng trong năm nay khó có thể đạt được mức của năm 2023, nhưng lạm phát giảm có thể ngăn chặn nhu cầu giảm mạnh. 

“Nếu lạm phát giảm đáng kể, người tiêu dùng có thể bắt đầu cảm thấy giàu có hơn trên thực tế, điều này có thể giảm thiểu phần nào sự sụt giảm nhu cầu.”

Lạm phát ở Mỹ đạt 3,3% trong năm 2023, vẫn cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang. Chủ tịch Fed Jerome Powell mới đây cho biết Cục Dự trữ Liên bang Mỹ khó có thể cắt giảm lãi suất vào tháng 3.

Thông báo này đã khiến giá vàng giảm 3%, đứng ở mức 2.064 USD/ounce trong phiên giao dịch sáng 1/2 tại châu Á.

“Trong thời kỳ siêu lạm phát mạnh kéo dài, diễn biến giá vàng vẫn rất tốt. Nhưng trong thời kỳ lạm phát vừa phải, vàng có thể đi theo một trong hai hướng. Nó cũng có thể được xác định bởi các yếu tố khác”, ông Fan nói.

 

H.Mĩ