|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Giá vàng miếng quay trở lại đà tăng

14:31 | 01/02/2024
Chia sẻ
Trong vòng một tuần qua, giá vàng SJC ở cả hai chiều tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Khoảng chênh lệch giá mua - bán nới rộng, hơn 2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng miếng quay trở lại đà tăng khi vượt mốc 78 triệu đồng/lượng trong sáng nay. 

Theo đó, tính đến 11h30 ngày 1/2, giá vàng SJC chiều mua vào - bán ra lần lượt ở mức 75,8 - 78,2 triệu đồng/lượng, tăng khoảng 400.000 đồng/lượng ở hai chiều.

Trong vòng một tuần qua, giá vàng SJC ở cả hai chiều tăng gần 2 triệu đồng/lượng. Khoảng chênh lệch giá mua - bán nới rộng, hơn 2 triệu đồng/lượng.

 Diễn biến giá vàng SJC trong một tuần qua (Nguồn: Doji)

Giá vàng thế giới đảo chiều và giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (31/1) sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đặt dấu chấm hết cho những kỳ vọng về việc hạ lãi suất của Mỹ vào tháng 3.

Chốt phiên giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.034,37 USD/ounce (tương đương 60 triệu đồng/lượng) sau khi tăng tới gần 1% vào đầu phiên. Vàng đã giảm 1,3% trong tháng 1 nhưng vẫn giữ trên mức quan trọng 2.000 USD/ounce từ đầu năm đến nay.

So sánh với giá vàng miếng Việt Nam, giá vàng thế giới thấp hơn khoảng 18 triệu đồng/lượng. Tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết: “Đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh như vậy”.

Ông Hùng cho biết theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa. 

Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. 

Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.

“Theo khảo sát của chúng tôi đồng thời cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng Vàng Thế giới đều khẳng định rất rõ là các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường”, ông Hùng cho biết. 

Ông nói thêm, tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Bộ Thương mại hoặc Bộ Công thương, Bộ Kinh tế quản lý mặt hàng vàng. 

Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Và các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Chính vì thế, vai trò như là ngân hàng Trung ương trong Nghị định 24 phát huy trong thời điểm mà thị trường vàng có những lộn xộn. 

H.Mĩ