|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam: Nếu coi vàng là hàng hoá, NHNN không nên trực tiếp quản lý

14:40 | 25/01/2024
Chia sẻ
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết nếu Việt Nam quan niệm  vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường này nữa.

 

Tại Tọa đàm "Giải pháp phát triển thị trường vàng an toàn và bền vững”, ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cho biết theo thông lệ quốc tế, người ta coi vàng là một loại hàng hóa. 

Và quy định có hai loại vàng là vàng vật chất và vàng phi vật chất. Vàng vật chất bao gồm vàng thỏi, vàng miếng, đồng tiền vàng, trang sức. Còn vàng phi vật chất bao gồm vàng tài khoản và các chứng chỉ về vàng được giao dịch rất thông dụng trên thị trường. 

Trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP chỉ đề cập đến vàng vật chất, đặc biệt vàng miếng được chọn là thương hiệu quốc gia và được Nhà nước độc quyền sản xuất và kinh doanh.

“Theo khảo sát của chúng tôi đồng thời cũng đã có cuộc làm việc với Hội đồng Vàng Thế giới đều khẳng định rất rõ là các nước trên thế giới, kể cả các nền kinh tế lớn, các ngân hàng Trung ương không quản lý trực tiếp về kinh doanh vàng bởi họ quan niệm vàng là một loại hàng hóa thông thường”, ông Hùng cho biết. 

Ông nói thêm, tại các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Bộ Thương mại hoặc Bộ Công thương, Bộ Kinh tế quản lý mặt hàng vàng. 

Ngân hàng Nhà nước chỉ quản lý về ngoại hối, điều tiết các dòng tiền ngoại tệ. Và các ngân hàng Trung ương ở các nước chỉ có vai trò dự trữ quốc gia, điều phối vàng như là một tài sản để dự trữ quốc gia. Đây là một công cụ để bảo đảm an ninh tiền tệ. Như vậy, ngân hàng Trung ương ở các nước không trực tiếp quản lý vàng.

Chính vì thế, vai trò như là ngân hàng Trung ương trong Nghị định 24 phát huy trong thời điểm mà thị trường vàng có những lộn xộn. 

“Đến bây giờ, chúng ta vẫn duy trì việc độc quyền SJC sẽ dẫn đến sự chênh lệch rất lớn về giá vàng, mà thực tế đã chứng minh như vậy”, ông Hùng nhận định.

Theo ông, ở Việt Nam, người dân coi vàng như là một phương tiện để tích trữ và phòng ngừa lạm phát, rủi ro. Nhưng đến bây giờ, giá trị đồng tiền Việt Nam rất ổn định; tỷ giá cũng rất ổn định. Chính vì thế người dân không dùng vàng để làm phương tiện thanh toán và không có khái niệm "vàng hóa". 

“Bây giờ trên thị trường, không ai sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán nữa. Vì thế, nếu chúng ta không khuyến khích người dân tích trữ vàng miếng nữa, theo chủ trương của Nhà nước là tập trung vào sản xuất trang sức để tăng giá trị thặng dư, tập trung vốn vào sản xuất và xuất nhập khẩu, thì phải xem xét lại cách thức quản lý thị trường vàng hiện nay. 

Nếu chúng ta quan niệm giống như các nước trên thế giới, vàng là một loại hàng hóa thì Ngân hàng Nhà nước không quản lý trực tiếp thị trường vàng nữa”, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nói.

H.Mĩ