|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Nhu cầu tôn mạ sẽ tăng mạnh nhờ hoạt động tái thiết sau bão Yagi?

07:30 | 04/10/2024
Chia sẻ
Theo nhận định của chuyên gia và các doanh nghiệp đầu ngành, nhu cầu tái thiết sau bão Yagi sẽ chỉ tác động đến nhu cầu tôn mạ trong ngắn hạn.

Tác động chỉ ngắn hạn

Trong báo cáo cập nhật thị trường thép tháng 8, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) nhận định cơn bão Yagi hồi tháng 9 đã để lại hậu quả đáng kể, đặc biệt là một số tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên và các tỉnh miền núi phía Bắc. 

“Điều này đồng nghĩa với việc thị trường thép, đặc biệt là tôn mạ sẽ có những diễn biến mới. Sau bão nhu cầu về tôn mạ để lợp lại nhà cửa, sửa chữa các công trình như hỏng sẽ tăng”, VSA nhận định.

Đây là thông tin hỗ trợ cho tôn mạ trong bối cảnh mảng này đang trên đà phục hồi mạnh mẽ.

Báo cáo của VSA cho thấy trong tháng 8, mặc dù là tháng “ngâu” nhưng tiêu thụ tôn mạ chỉ giảm nhẹ 3,5% so với tháng 7 xuống 480.804 tấn. Nếu so sánh với cùng kỳ năm ngoái, con số này tăng gần 79%. 

Tính chung 8 tháng năm nay, các doanh nghiệp bán ra hơn 3,6 triệu tấn, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Hoa Sen duy trì vị trí đứng đầu thị phần với 28,7%; theo sau là Nam Kim, Tôn Đông Á, Hoà Phát, TVP….

 Nguồn: VSA

Báo cáo mới đây của Tổng Công ty Thép (Mã: TVN), tôn mạ, thép cán nguội là điểm sáng trong số những sản phẩm thép của doanh nghiệp này trong tháng 8. 

Cụ thể, tiêu thụ thép cán nguội đạt 65.000 tấn tăng 22% so với cùng kỳ năm trước; tôn mạ đạt trên 42.000 tấn, tăng gần 43%.

Tuy nhiên, theo nhận định của chuyên gia và các doanh nghiệp đầu ngành, nhu cầu tái thiết sau bão Yagi sẽ chỉ tác động đến nhu cầu tôn mạ trong ngắn hạn. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Đào Minh Châu, Phó Giám đốc Phân tích cổ phiếu - CTCP Chứng khoán SSI, cho rằng việc khắc phục hậu quả sau bão Yagi sẽ làm tăng nhu cầu tôn mạ nhưng sẽ không quá lớn. Theo đó, miến Bắc chiếm 15% tổng tiêu thụ (bao gồm cả nội địa và xuất khẩu) của cả nước. Trong khi, chỉ một vài tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề về mái tôn. 

“Một số nhà phân phối hết hàng nên gây cảm giác bị thiếu nguồn cung nhưng thực tế điều này chỉ xảy ra cục bộ. Bên cạnh đó, tình hình bão lụt gây khó khăn về mặt logistics nên việc vận bổ sung nguồn cung khó khăn nhưng chỉ là tạm thời, chứ không phải đứt gãy thời gian dài giống như thời COVID-19”, ông nói. 

Lãnh đạo của một doanh nghiệp lớn trong ngành thép cũng chia sẻ với chúng tôi rằng tác động của bão Yagi đối với tôn mạ chỉ mang tính ngắn hạn và không quá lớn như nhiều người dự báo.

Bởi vì bão Yagi tàn phá miền bắc ở hai phương diện là gió mạnh và lũ lụt trong đó thiệt hại những công trình sử dụng mái tôn chỉ tập trung ở một vài tỉnh ven biển và một vài nơi ở Hà Nội. Còn các tỉnh vùng núi thì ảnh hưởng nhiều về lụt, thiệt hại mái tôn không đáng kể. 

“Các tỉnh ven biển như Hải Phòng, Quảng Ninh bị bay mái tôn nhiều thì nhu cầu sẽ tăng đột biến nhưng chỉ sẽ chỉ kéo dài trong thời gian ngắn”, vị lãnh đạo này cho biết.

Ngoài ra, ông cũng nói thêm, mặc dù nhu cầu tăng trong ngắn hạn nhưng công ty không tăng giá bán để hỗ trợ quá trình phục hồi. “Một vài cửa hàng phân phối nhỏ lợi dụng để tăng giá nhưng chúng tôi đã trực tiếp xử lý luôn”, ông nói thêm. 

Đồng quan điểm, ông Phạm Công Thảo, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam, cho rằng “Nhu cầu tôn mạ sẽ tăng sau bão. Các doanh nghiệp đang tăng sản lượng nhưng chưa tăng giá bán vì muốn hỗ trợ tái thiết lại”. 

Đâu mới là động lực dài hạn?

Theo đánh giá của các chuyên gia, trợ lực cho ngành thép nói chung và tôn mạ nói riêng trongtrung và dài hạn là triển vọng phục hồi kinh tế và các biện pháp phòng vệ thương mại. 

Báo cáo phân tích của CTCP Chứng khoán MB (MBS) cho rằng tiêu thụ nội địa là động lực chính cho chu kỳ tăng trưởng của ngành trong hai năm tới và giá có thể phục hồi từ quý IV.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất trong nước sẽ giành lại được thị phần nhờ việc Bộ Công Thương tăng cường các biện pháp phòng vệ thương mại. Trước đó, hồi tháng 6, Bộ Công Thương quyết định điều tra chống bán phá giá tôn mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Các doanh nghiệp sản xuất tôn mạ trong nước đã cung cấp chứng cứ về hành vi bán phá giá và đề nghị điều tra, xác định biên độ bán phá giá đối với hàng nhập khẩu  từ Trung Quốc là 69,23% và Hàn Quốc là 3,41%. 

Trước đó, Việt Nam đã áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm tôn nhập khẩu từ  hai quốc gia này vào năm 2017 với mức thuế cao nhất là 38,34%. Sau 5 năm áp dụng biện pháp chống bán phá giá, Bộ Công Thương quyết định chấm dứt lệnh này. 

Tuy nhiên, đến năm 2023, các doanh nghiệp thép nộp hồ sơ để kiến nghị Cục Phòng vệ Thương mại khởi xướng điều tra lại vụ việc AD02. 

Cũng liên quan đến thị trường Trung Quốc, các doanh nghiệp và giới chuyên gia kỳ vọng những chính sách “giải cứu” thị trường bất động sản được công bố mới đây sẽ giúp tiêu thụ thép cải thiện hơn. Từ đó, áp lực hàng nhập khẩu từ nước này vào Việt Nam cũng giảm bớt và giá bán sẽ được cải thiện.

H.Mĩ